Đường dẫn truy cập

Hội đồng Bảo an thảo luận tình hình Iraq, Hoa Kỳ đề nghị trợ giúp


Cảnh tàn phá trong cuộc Giao tranh giữa lực lượng an ninh Iraq và nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và vùng Cận đông ở Mosul, 10/6/14
Cảnh tàn phá trong cuộc Giao tranh giữa lực lượng an ninh Iraq và nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và vùng Cận đông ở Mosul, 10/6/14
Ngày hôm nay, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp để thảo luận về tình hình an ninh suy sụp tại Iraq, giữa lúc Hoa Kỳ hứa trợ giúp thêm cho chính phủ trung ương Baghdad đang bị bao vây tứ bề. Thông tín viên Đài VOA Victor Beattie tường trình là các phần tử chủ chiến Hồi Giáo đã chiếm hai thành phố chính trong tuần này, dường như tiến gần về phía thủ đô Iraq.

Hội Đồng Bảo An sẽ dự một buổi thuyết trình bằng video của đặc sứ Liên hiệp quốc tại Iraq Nickolay Mladenov giữa lúc có tin cho biết những phần tử chủ chiến của nhóm Quốc gia Hồi Giáo Iraq và vùng Cận đông ISIL tiếp tục tiến về Baghdad.

Hôm thứ Tư, các phần tử chủ chiến chiếm thành phố Tikrit, chỉ một ngày sau khi các lực lượng an ninh không bảo vệ được Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq nằm ở trung tâm của khu vực của người Hồi giáo Sunni. Trước đây trong năm, các phần tử chủ chiến đã chiếm quyền kiểm soát thành phố Fallujah ở miền tây.

Tổ chức nghiên cứu Tình báo SITE dịch một tuyên bố của phát ngôn viên ISIL nói rằng giao tranh sẽ bùng phát tại Baghdad và Karbala. Quốc hội Iraq đang cứu xét việc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Hôm thứ Tư, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để ủng hộ chính phủ Baghdad:

“Tôi yêu cầu toàn thể cộng đồng quốc tế phải đoàn kết. Chúng ta phải chứng tỏ sự cam kết mạnh mẽ chống lại các phần tử khủng bố này.”

Ông Ban lên án việc các phần tử chủ chiến bắt giữ hàng chục người Thổ Nhĩ Kỳ tại Mosul và kêu gọi trả tự do ngay cho những người này.

Tại Washington, chính quyền Obama đang xem xét các giải pháp để tăng cường sức mạnh cho các lực lượng Iraq.
Một chuyên gia về Trung Đông của Đại học San Francisco, ông Stephen Zunes, mô tả ISIL là một lực lượng tương đối nhỏ.

“Việc tiến công của ISIL thật đáng ngạc nhiên. Lực lượng này không mạnh về khả năng quân sự, và họ chắc chắn cũng không được ủng hộ nhiều, ngay cả trong khối dân Sunni chống lại chế độ Baghdad do người Shia lãnh đạo. Tuy nhiên dường như là những lực lượng chính qui của chính phủ Iraq không muốn, hay không có khả năng đẩy lùi cuộc tấn công này.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki ngày hôm qua cho biết những sự trợ giúp mới cho Iraq hiện đang được cứu xét. Nhưng bà không tiết lộ sự trợ giúp sẽ được cung cấp dưới hình thức nào bên cạnh các loại vũ khí và đạn dược đang được:

“Chúng ta đang làm việc với các nhà lãnh đạo Iraq trên toàn quốc để hỗ trợ cho việc đáp ứng có phối hợp. Chúng ta sẽ trợ giúp thêm nữa cho chính phủ Iraq. Chúng ta được khích lệ bởi những lời kêu gọi đoàn kết quốc gia của các nhà lãnh đạo Iraq trên mọi khía cạnh chính trị. Chúng ta nghĩ rằng việc này sẽ giúp có được một mặt trận đoàn kết mạnh mẽ.”

Bà Psaki bày tỏ sự ủng hộ một kế hoạch an ninh được chính phủ trung ương Baghdad và Chính phủ Vùng người Kurd KRG vạch ra để tăng cường sức mạnh cho các lực lượng an ninh Iraq giữ vững vị trí và đối đầu với những cuộc tiến công của ISIL.

Bà Psaki nói trong khi Thủ tướng Nouri al-Maliki và chính phủ của ông do người Sia lãnh đạo có thể làm nhiều hơn nữa để giải quyết những vấn đề chưa được giải quyết đang chia rẽ người dân Iraq, nhưng đe dọa chính hiện nay là từ phía ISIL:

“Họ có một ý thức hệ ít liên quan đến chính trị nội bộ Iraq. Ý thức hệ này là chiếm đất và khủng bố dân chúng Iraq. Và do đó có nhiều việc cần phải làm, gồm có sử dụng các phương pháp đoàn kết hơn đối với những thách thức và những đe dọa của khủng bố hiện họ đang đối mặt và chúng ta tiếp xúc chặt chẽ với họ trong những nỗ lực này.”

Ông Richard Brennan là một nhà khoa học chính trị thuộc tổ chức RAND Corporation. Ông là một sĩ quan Lục quân chuyên nghiệp chiến đấu 5 năm tại Iraq. Ông Brennan nói ông lo ngại là lực lượng an ninh có thể không được huấn luyện đầy đủ để đối phó với đe dọa an ninh gần đây nhất khi lực lượng Mỹ rút khỏi Iraq vào năm 2011:

“Chúng ta rời khỏi Iraq vào năm 2011với việc quân đội Iraq cần những người có khả năng đáng kể trong các lãnh vực thông tin liên lạc thiết yếu, tiếp vận, bảo trì, tình báo cũng như yễm trợ hành quân. Việc này vẫn còn tồn tại do đó trong dài hạn cần phải thực hiện để xây dựng một chính phủ và quân đội Iraq có khả năng bảo vệ an ninh trong nước lẫn an ninh ngoài nước chống lại các nước khác trong vùng.”

Ông Brennan nói những gì xảy ra đang làm cho việc chia rẻ giữa người Sia và người Sunni lan rộng sang Trung Đông với cuộc nội chiến Syria tràn đến Iraq và có thể cả những vùng khác nữa. Ông nói mục tiêu của ISIL là thành lập một quốc gia Hồi Giáo do một lãnh tụ tôn giáo lãnh đạo. Ông cảnh báo Iraq có thể chia thành những vùng của người Shia, người Sunni và người Kurk.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG