Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Trường hợp đau lưỡi


Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Thính giả Daniel Phùng, ở Pháp, hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Tôi bị đau lưỡi từ tháng 7 tới nay. Đi làm xét nghiệm với bác sĩ tai mũi họng, và kết quả không có bệnh gì.

Tôi đã làm xét nghiệm trên lưỡi và cũng không có vi trùng, nhưng phần trong cùng của lưỡi tôi, gần cuống họng bị trầy và hơi đau khi nói chuyện.

Mặt trên lưỡi gần cuống họng tôi thấy có những mụn đỏ. Đó có phải là những lớp rêu khi bong ra để lại những mụn đỏ không?

Tôi dùng nhiều thuốc súc miệng, nhưng súc xong thì thì đau và rát lưỡi như có kiến cắn vậy.

Xin Bác sĩ tư vấn cho đây là bệnh gì và chữa như thế nào.

Thành thật cám ơn Bác sĩ”

Hỏi đáp Y học: Trường hợp đau lưỡi
please wait

No media source currently available

0:00 0:19:09 0:00
Tải xuống


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Trường hợp đau lưỡi

Tất nhiên, tôi không thể định bệnh hay tư vấn cho một bệnh nhân cá biệt được, và cũng như mọi khi, lúc quý vị thính giả đưa ra một trường hợp như bệnh này, chúng ta chỉ có thể xem đây như là một cơ hội để chúng ta học hỏi thêm về một số tin tức trong y văn hiện nay, có thể có mà cũng có thể không liên hệ trực tiếp đến trường hợp chúng ta đang bàn.

Có nhiều bệnh có thể gây đau lưỡi, những nguyên nhân dễ phát hiện nhất như loét lưỡi (ulcer), bệnh nấm ở lưỡi (fungal infection), ung thư ở lưỡi có lẽ đã được bác sĩ chuyên khoa nghĩ tới. Bác sĩ khám bệnh một bệnh nhân đau lưỡi và miệng sẽ cần biết bệnh nhân bao nhiêu tuổi, nam hay nữ (trường hợp đây là nam); có hút thuốc lá hay không, có nhai thuốc lá hay ăn trầu không (ở Việt Nam); trước đây có bệnh herpes lở miệng không; có bị "dời ăn" (zona, shingles, herpes zoster) trên mặt hay không; có những thực hành khẩu dâm (oral sex) hay không (ví dụ gần đây một số người trung niên mắc bệnh ung thư đầu và mặt nhiều hơn trước do nhiễm virus HPV); bệnh nhân có thuộc về thành phần nghề nghiệp dùng lưỡi nhiều như nói nhiều hay không (tuy nhiên lưỡi là một cơ mạnh nhất của cơ thể nếu tính theo tỷ lệ cân nặng của bộ phận này); có bị ợ chua hay không; và có khám nha sĩ chưa (đau khớp hàm mặt [TMJ pain], xem có răng đau hay không; đau lưỡi ở phần nào, phía sau mà ở giữa hay về một bên (unilateral), hay hai bên (bilateral); đau lúc nói chuyện, từ lúc bắt đầu hay nói bao nhiêu lâu thì đau; đau thế nào, rát, phỏng hay buốt; có chạy lan ra vùng nào không (irradiation of pain), ví dụ trên mặt, má, bên phải hay trái; đau cường độ thế nào (intensity), làm gì thì bớt đau (ví dụ xịt thuốc tê bán phổ biến có benzocaine [vd Chloraseptic Sore Throat Relief Spray] có bớt đau không, bác sĩ có cho dùng thuốc xylocain súc miệng cho đỡ đau không..).Trước khi đi bác sĩ gia đình khám, nên chuẩn bị những câu trả lời như trên.

Vị thính giả nhắc đến những mụn đỏ phía sau lưỡi. Lưỡi bình thường nhìn về phía sau có những vallate papillae (papilles caliciformes) thành hình chữ V mở ra trước, sau đó có những a-mi-đan lưỡi (lingual tonsils/amygdales linguales) là những tuyến lymphatique của lưỡi, nổi cộm lên, có thể đấy là những "mụt" bệnh nhân mô tả chăng? A-mi-đan lưỡi có thể bị lở loét và đây có thể là dấu hiệu của một loại ung thư (Squamous Cell Carcinoma of the Tonsil). Loại ung thư họng này được gặp nhiều hơn ở người hút thuốc lá và nghiện rượu, tỷ số sao nhất vùng phía Tây của Châu Âu. (Tuy nhiên ở đây chúng ta yên tâm vì bác sĩ tai mũi họng đã khám mà không tìm thấy gì bất thường).

Sau đây tôi xin bàn về Hội chứng Rát Miệng (Burning Mouth Syndrome, BMS), hay còn gọi là Bệnh “đau lưỡi” (glossodynia, glossa=lưỡi, odyna=đau). Nếu bác sĩ đã thăm dò tất cả các câu hỏi trên mà vẫn không có yếu tố nào giúp cho định bệnh một nguyên nhân chính xác, đây là định bệnh mà bác sĩ sẽ nghĩ đến.

Đại đa số bệnh nhân là đàn bà ( tỷ lệ 7/1 cho đến 31/1), đa số ở người phụ nữ đã tắt kinh, và có những triệu chứng khác của thời sau khi nghỉ kinh (postmenopausal). Phụ nữ gốc Á châu cũng như người Da Đỏ dễ mắc chứng này hơn.

Triệu chứng BMS:

1. Vị trí: đau ở 2 bên lưỡi, ít gặp hơn: ở vòm miệng, môi hoặc nướu răng hàm dưới
2. Đau mạn tính (chronic pain), hiếm khi tự nhiên khỏi.
3. Đau theo lối rát, như bị phỏng (burning pain), hay tê tê, thấy rần như kiến bò (tingling). Nhiều khi chỉ mơ hồ là khó chịu, ê đau, không đau rõ rệt.
4. Triệu chứng đi kèm: cảm thấy khô miệng, khẩu vị, vị giác có thể thay đổi (dysgeusia; vd đắng lưỡi, vị kim loại (metallic taste, “tanh”); nhạy cảm quá đáng với những vị khác nhau); đau lưng mạn tính; ruột quá nhạy cảm, dễ đau bụng đi cầu xong lại khỏi (irritable bowel syndrome, IBS); bụng sình hơi; cảm giác nuốt nghẹn (globus pharyngeus); đau bụng lúc có kinh (dysmenorrhea); cảm giác lo lắng (anxiety); ăn không ngon; trầm cảm (depression), rối loạn cá tánh (personality disorders).
5. Thời điểm:

Ba loại đau:
a. Loại 1: sáng dậy không đau, đau xuất hiện, xong từ từ tăng dần, đau nhất buổi tối lúc giờ đi ngủ nên rất khó ngủ, làm mệt mỏi, lo lắng.
b. Loại 2: đau lúc mới thức dậy và đau suốt ngày (thường gặp nhất).
c. Không theo thứ tự nhất định.

6. Những tình huống làm bệnh nặng hơn:

a. Thần kinh căng thẳng, mệt, nói nhiều, thức ăn cay, nhiều gia vị.
b. Ít đau hơn lúc: ăn uống. Nên để ý, trong bệnh đau miệng do lỡ miệng, đau răng, đau hàm, người bệnh càng đau hơn lúc ăn uống; nếu đau rát miệng mà ăn uống lại bớt đau, thì đây là một dấu chỉ đặc biệt của “hội chứng rát miệng”.

Có thể bớt đau nhờ uống thuốc hoặc thoa thuốc tê vào chỗ đau.

7. Cường độ đau: cỡ trên trung bình (5-8/10), tương tự như đau răng.
8. Có thể làm mất ngủ, nhưng có thể không ảnh hưởng giấc ngủ.
9. Như trường hợp vị thính giả hỏi, đa số bệnh nhân từng được bác sĩ khám và chữa nhưng không có kế quả rõ rệt.

Nguyên nhân:

Theo định nghĩa của BMS, chúng ta chưa hiểu rõ nguyên nhân chứng này, và chỉ định bệnh BMS sau khi loại bỏ những nguyên nhân có cơ sở thể chất cụ thể hơn (như loét do ung thư, đau răng, đau khớp thái dương-hàm dưới (temporomandibular joint, TMJ), viêm dây thần kinh do thiếu vitamin B, folic acid, Fe, zinc; do siêu vi [herpesvirus]); suy cơ năng tuyến giáp (hypothyroidism); bệnh tiểu đường (diabetes type 2); dị ứng với thuốc, thức ăn, kim loại trong răng; bệnh do răng giả gây khó chịu (poorly constructed denture).

Những giả thuyết giải thích BMS:

- Những khảo cứu gần đây cho rằng BMS do rối loạn cơ năng các dây thần kinh sọ phụ trách về vị giác (dysfunction of cranial nerves associated with taste sensation, cranial nerves V [trigeminal neuralgia], VII, IX [glossopharyngeal nerve).
- Người mãn kinh thiếu hormone estrogen và progesterone.
- Hiện tượng tự miễn nhiễm, do cơ thể sinh ra những kháng thể chống lại chính mình (những kháng thể chống nhân (ANA) hay yếu tố phong thấp (RF) có thể hiện diện trong máu trên 50% bệnh nhân, bệnh khô miệng do nước miếng bất bình thường).
- Bệnh trầm cảm, bệnh lo lắng có thể kèm theo. Bệnh BMS có thể là một biểu hiện của bệnh thần kinh tâm thể (psychosomatic manifestation, bệnh tâm lý biểu hiện bằng triệu chứng vật thể), chứng sợ ung thư, sợ bệnh phong tình, chứng "bệnh tưởng" (hypochondriasis).
- Một số bệnh nhân có thể có thói quen lấy lưỡi chạm vào răng, hay đẩy lên vòm miệng làm gây ra những chấn thương li ti cho lưỡi.
- Bệnh Parkinson có thể làm dây thần kinh nhạy với sự đau đớn hơn.
- Liên hệ tới một giai đoạn khó khăn, bị stress trong đời, thường là 3-12 năm sau khi tắt kinh.

Chữa trị:

1. Loại bỏ các khả năng bệnh đã kể ở trên gây ra triệu chứng khô, rát, đau lưỡi miệng.
2. Nếu không có bệnh đi đôi: bác sĩ cần giải thích cho bệnh nhân yên tâm; giảm lo lắng bệnh nhân, nhất là lo ung thư (cancerophobia), lo bệnh tính dục (sexually transmitted diseases);
3. Nếu cần thuốc an thần (benzodiazepine, vd clonazepam [Klonopin], chlordiazepoxide [Librium]), thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressant), thuốc chữa trị co giật (anticonvulsivant, vd gabapentin [Neurontin], dùng với mục đích giảm cơn đau do dây thần kinh quá nhạy cảm gây ra.)
4. Capsaicin là một chất lấy từ ớt, có tác dụng làm giảm đau. Có những nghiên cứu cho thấy chất này có thể có ích trong chừng 1/3 các trường hợp. Tuy nhiên ở Mỹ không có thuốc chứa capsaicin để thoa trong miệng.
Tránh thuốc súc miệng có chứa alcohol, kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate, tránh uống rượu, nước pH thấp (acid) như cà phê, nước cam, chanh.
Uống những ngụm nước thường xuyên cho miệng khỏi khô, mút nước đá, nhai kẹo cao su không có đường.
5. Có thể cần tâm lý trị liệu (psychotherapy), hành vi trị liệu pháp (biobehavioral techniques).
6. Nếu một nguyên nhân vật thể giải thích được chứng đau miệng (ví dụ đi khám răng và thấy răng gần đó hay khớp TMJ gần đó có thể giải thích được cơn đau ở lưỡi) thì những chứng trầm cảm lo lắng có thể được giải toả sau khi giải quyết được bệnh đau miệng/lưỡi.
Trong 2/3 trường hợp, bệnh BMS tự nhiên từ từ thuyên giảm, các cơn đau thưa thớt đi và bệnh nhân cuối cùng hết đau.
Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 18 tháng 11 năm 2016

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

please wait
Embed

No live streaming currently available

0:00 0:00 Live

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG