“Kính thưa Bác sĩ,
Xin Bác sĩ giải thích về hội chứng Aspergers Syndorme hay Personality Disorder.
Thành thật cảm ơn Bác sĩ”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Hội chứng Asperger
Hans Asperger, một bác sĩ nhi khoa người Áo, là người công bố đầu tiên về hội chứng của những đứa trẻ có cử chỉ, hành động vụng về, khả năng cảm thông với người khác và khả năng truyền đạt bằng cử chỉ, nét mặt, biểu hiện cảm xúc (truyền đạt thông tin không dùng lời nói, non-verbal communications) cũng giới hạn (năm 1944). Nguyên thủy, Asperger dùng từ autistic psychopathy (bệnh tâm thần tự kỷ) và công bố của ông không được chú ý lắm. Đến năm 1981, nhà tâm lý học người Anh Lorna Wing “tái khám phá” ra chứng này và đặt tên là Hội chứng Asperger.
Trong Hội Chứng Asperger người bệnh bị thiếu sót trong khả năng giao tiếp với người khác (tương tác xã hội khiếm khuyết, impaired social interactions) đồng thời sở thích bị giới hạn hoặc có những tập tính lập đi lập lại (restricted interest/repetitive behaviors). Tuy nhiên khả năng trí tuệ, học hỏi (cognitive skills) vẫn bình thường hoặc trên trung bình, ngôn ngữ phát triển bình thường, và họ sống tự lập được, hoặc còn có thể rất thành công trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Hiện nay, y khoa tâm thần không xếp hội chứng Asperger thành một bệnh riêng rẽ như trước, mà gom vào "quang phổ tự kỷ' (autism spectrum; autism spectrum disorders or ASD; bệnh Asperger là một biểu hiện nhẹ trong "quang phổ tự kỷ").
Bệnh tự kỷ là một bệnh bao gồm những triệu chứng chính sau đây, thường biểu lộ, xuất hiện trong ba năm đầu đời và sẽ tồn tại suốt đời:
1. Rối loạn về ngôn ngữ cũng như cách phát biểu bằng nét mặt, cử chỉ, điệu bộ.
2. Rối loạn về giao tiếp xã hội, về cách tương tác với người khác, những rối loạn này ảnh hưởng đến việc học tập.
3. Những hoạt động hoặc động tác lặp đi lặp lại (repetitive activities and stereotypic movements)
4. Khó khăn trong sự thích ứng với tình huống mới, không chịu thay đổi, dù là chi tiết nhỏ nhặt.
5. Phản ứng một cách khác thường đối với những kích thích như âm thanh, mùi vị...
6. Khả năng suy nghĩ bị thiếu sót nhất là về khả năng nhìn khía cạnh bao quát của một vấn đề, quá chú trọng về nghĩa đen của các từ, thiếu khả năng nhận ra ý nghĩa tượng trưng của một câu chuyện, thiếu óc tưởng tượng.
Nói về rối loạn nhân cách (personality disorder hay PD), bệnh tự kỷ (ASD) là một bệnh khác với rối loạn nhân cách. PD là sự khiếm khuyết trong trải nghiệm bản thân (inner experience) hay trong hành vi (behavior) do một hay nhiều nét nhân cách có tính cách bệnh lý, đi ra ngoài sự chấp thuận của nền văn hoá của cá nhân đang sống, thẩm thấu sâu rộng, không chịu khoan nhượng, ổn định với thời gian và làm người bệnh khổ sở và không sinh hoạt bình thường. Thường áp dụng cho người lớn. (From Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 4th edition, 1994:
An enduring pattern of inner experience and behavior that deviates markedly from the expectation of the individual's culture, is pervasive and inflexible, has an onset in adolescence or early adulthood, is stable over time, and leads to distress or impairment.)
Ví dụ người PD chống xã hội (antisocial personality disorder), PD lo âu (anxious PD), PD tự chiêm ngưỡng (narcissistic PD). Khoảng 1/2 người bệnh tự kỷ, thường là tự kỷ nặng, có dấu hiệu của rối loạn nhân cách.
Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh tự kỷ (kể cả hội chứng Asperger) có những nguyên nhân do di truyền, đồng thời sự biểu hiện cũng tuỳ thuộc vào những yếu tố môi trường, đôi khi các yếu tố này gắn liền với nhau. Ví dụ, người ta thấy rằng mức testosterone mà thai nhi tiếp xúc trong bụng mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh tự kỷ trên đứa trẻ sau này. Sự việc này có thể liên quan đến các cơ chế "trên di thể" (epigenetics), một yếu tố môi trường ảnh hưởng đến các biểu hiện của di thể (gene expression). Các yếu tố trên di thể "bật nút" cho phép di thể (gen) làm việc hoặc nghỉ việc, giống như nút điện (on-off switch) kiểm soát cho đèn bật cháy hoặc đèn tắt.
Câu hỏi là nếu tự kỷ là một bệnh di truyền, ngoài những điều bất hạnh mà những gen tự kỷ đem đến, những gen này có đem kèm theo đó những điều lợi ích gì không?
Trong gói “quà” tự kỷ của thiên nhiên dành cho chúng ta, ngoài "chữ tai" (ăn nói kém cỏi, giao thiệp vụng về, khờ khạo, suy nghĩ hạn hẹp, nặng hơn thì không thể sống tự lập), những gen này có đem đến "chữ tài" nào chăng? Phải có những điều gì có ích, những lợi điểm nào đó mà các gen này mang lại, giúp cho chúng tồn tại và được "khuyến khích" giữ lại trong kho tàn gen chung của loài người. Căn cứ trên một số phân tích tài liệu lịch sử, những nhân vật nổi tiếng với năng khiếu đặc biệt được "nghi" là những người có thể mang chứng Asperger, nghĩa là thuộc về quang phổ tự kỷ (autism spectrum) nhưng có biệt tài: danh hoạ người Ý Michelangelo; nhà bác học thuyết tương đối Einstein; nhà chính trị Thomas Jefferson, một trong những người sáng lập ra nước Mỹ; nhà vật lý Newton; Darwin của thuyết tiến hoá. Người ta cũng nghi rằng, tuy không có bằng chứng y khoa chính xác, là rất nhiều nhân vật thành công trên kỹ nghệ internet, hay một số đáng kể thiên tài trong lĩnh vực tài chính ở Wall Street đều có những nét của autism spectrum. Họ có thể có chứng kèm tự kỷ theo như dyslexia (trở ngại khả năng đọc), hyperactivity (quá năng động), với tính tình kỳ quái, lắm khi lạnh lùng, tàn nhẫn trong thương trường cũng như trong đời tư, nhưng họ cũng mang những năng khiếu sáng tạo, tổ chức phi thường.
Gần đây, bệnh tự kỷ xem như có vẻ phát triển thêm, lan rộng thêm trong thời điểm mà xã hội càng ngày càng tùy thuộc vào khoa học kỹ thuật, nhất là tin học (information technology) trong một nền kinh tế tri thức (knowledge economy).
Nền kinh tế tri thức này, đòi hỏi kiến thức chuyên môn hoá cao độ, có vẻ như rất thuận tiện cho một số nét rất đặc thù của quang phổ tự kỷ, nhất là cho những "người tự kỷ có cơ năng cao" (high functioning autism), trước đây được xếp vào hội chứng Asperger, tuy mang những nét của tự kỷ, họ có chỉ số thông minh IQ trung bình cao, và có thể sống tự lập.
Trẻ mắc hội chứng Asperger có những điểm yếu và có thể một số điểm mạnh, cũng như đa số trẻ em khác, tuy ở đây những khiếm khuyết có thể nổi bật hơn. Cho nên nhu cầu thay đổi tuỳ theo từng trường hợp. Có thể gợi ý phụ huynh những nét chính sau đây:
1) Nên tạo cho chúng một nếp sống có tổ chức, có thời khoá biểu rõ rệt về giờ ăn uống, và giờ ngủ; hướng dẫn một cách rõ ràng dễ hiểu và chứng tỏ cho chúng biết là mình mong đợi ở chúng một mức tuân thủ vừa phải nào đó mà chúng có thể thực hiện một cách đều đặn. Tránh tùy tiện, lúc thì quá dễ dãi thả lỏng quá mức, cưng quá mức, lúc thì quá khắt khe khó chịu, trừng phạt quá nặng vì mình mất kiên nhẫn, làm đứa bé bị Asperger, vì thiếu khả năng hiểu tâm trạng người khác không hiểu được những thay đổi bất thường đó và không thể thay đổi hành vi chúng một cách nhanh chóng để đối phó như những đứa trẻ "lanh" hơn.
2) Nhiều người mắc chứng Asperger cần được hướng dẫn bằng lời nói, dạy trực tiếp bằng lời nói người thầy cô, hay video hướng dẫn, thay vì cho họ đọc, hay ra dấu để cho họ hiểu ngầm. Hướng dẫn ngắn gọn, rõ ràng, không bóng gió, ví von, nói móc, châm biếm (vì bệnh nhân có khuynh hướng hiểu theo nghĩa đen của câu nói).
3) Giải thích một vấn đề nên đi từ chuyện nhỏ, một bộ phận cụ thể của bức tranh lớn hơn cho trẻ hiểu trước, rồi sau đó mới tổng quát hóa đi vào “bức tranh lớn” (big picture), tổng thể, nhìn tổng quát (parts-to-whole teaching approach). Trẻ mắc Asperger thường gặp khó khăn trong cái nhìn tổng thể, và thiên về các chi tiết nhiều hơn (ví dụ: thấy từng cái cây dễ hơn là nhìn tổng quát cánh rừng).
4) Dùng những phương pháp nhìn (visual supports) để dạy dỗ; như video, tranh, học cụ, thời khoá biểu, bài in trên giấy, hơn là giảng trừu tượng.
5) Trẻ dễ bị các phương tiện nghe nhìn có màn hình như ipad, iphone, TV, máy tính lôi cuốn và mê hoặc. Tránh để những thứ này trong phòng ngủ các em vì các em sẽ bị thu hút vào quá giờ giấc, và làm rối loạn giấc ngủ.
6) Trẻ dễ bị đãng trí về những tiếng động mà có thể người bình thường không để ý đến: như tiếng đồng hồ tích tắc, đèn ống kêu, nước trong hồ cá. Điểm này có thể làm chúng ta nghĩ đến các thi sĩ có khả năng nhạy cảm với những âm thanh tầm thường của cuộc sống hàng ngày như tiếng thông reo, tiếng sương rơi.
7) Trẻ có thể trưởng thành về tâm lý, hành vi chậm hơn các trẻ khác. Ví dụ một thiếu niên Asperger 15-16 tuổi có thể không để ý đến người khác phái như các bạn đồng lứa, hay vẫn còn hồn nhiên, không biết giữ gìn, e thẹn, làm dáng như trẻ cùng tuổi, hoặc có vẻ quá "ngây thơ". Cần kiên nhẫn hơn là đối với các trẻ bình thường.
8) Trẻ gặp khó khăn lúc phải đối phó với một tình huống gây stress, tình huống mới, lạ hay đang thay đổi. Cần tập cho trẻ thích ứng từ từ, giải thích và giúp đỡ cho trẻ hiểu và đối phó với những hoàn cảnh đó. Ví dụ trẻ có thể "quýnh", hoảng hốt lúc phải đến một chỗ có nhiều người lạ, hay ồn ào, được nhiều người chào hỏi.
9) Đi học, trẻ có thể vụng về trong lúc giao tiếp, không biết làm quen với bạn cùng tuổi, gia nhập với các trò chơi chung. Trẻ có thể không biết thói lịch sự thông thường, tránh những câu mà người khác cho là vô lễ hoặc làm phật lòng. Nên giải thích cho trẻ biết lúc nào người ta giận mình, lúc nào là người ta không thích. Hỏi thăm xem trẻ có bị ăn hiếp ở trường hay không, can thiệp với trường học nếu cần. Thăm dò xem các cô thầy có hiểu hoàn cảnh của trẻ hay không; vì bề ngoài vụng về, chúng có thể bị thầy cô ghét, hay trừng phạt vô cớ. Trẻ mắc Asperger có thể viết chữ xấu, và có thể tập và nhắc nhở cho cháu, hay dùng máy tính để viết nếu trường cho phép.
10) Những vấn đề khác quan trọng nếu có như thiếu chú ý và quá năng động (ADHD), trầm cảm (depression), rối loạn lo âu [trong tình huống] xã hội (social anxiety disorder), cần được các chuyên gia về nhi khoa, tâm lý, tâm thần hay giáo dục giúp đỡ.
Chúc quý thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 16 tháng 8 năm 2016
-------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.