Thính giả Vinh Phạm ở Hà Nội, hỏi:
“Thưa Bác sĩ
Hiện nay, tôi đang bị viêm gan B mãn đã 3 năm và hiện trong máu không phát hiện ra virut nhưng trong gan thì vẫn còn 3.220 con.
Thưa Bác sĩ tôi được biết các nhà khoa học Úc và Hoa Kỳ đã tìm ra được loại thuốc đặc trị viêm gan B rồi. Cho tôi hỏi bao giờ loại thuốc này có trên thị trường, và hiện ở Mỹ thử nghiệm loại thuốc này trên người thì thế nào rồi?
Xin cảm ơn Bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Về một trường hợp thuốc chống viêm gan B trong phòng thí nghiệm.
Hiện nay các thuốc dùng chữa bệnh viêm gan B mãn tính gồm:
1) Các chất điều hành hệ miễn nhiễm (immunomodulatory agents) như interferon alfa-2b (Intron A); Pegasys (Pegylated Interferon): chất tổng hợp giống như chất tự nhiên của cơ thể sản xuất để chống nhiễm khuẩn, thuốc chích, dùng cho người trẻ không muốn dùng thuốc lâu dài, muốn có thai kịp thời. Có thể gây trầm cảm, khó thở.
2) Các chất oral nucleoside/nucleotide analog như lamivudine (Epivir), tenofovir, adefovir (Hepsera), telbivudine (Tyzeka) và entecavir (Baraclude), những thuốc uống, ức chế men (enzyme) DNA polymerase của siêu vi HBV, ngăn chặn không cho nó sinh sản và giảm thiểu tác hại trên gan. Thuốc thịnh hành vì có thể uống mỗi ngày một lần và ít phản ứng phụ. Bất tiện chính là dễ lờn thuốc do siêu vi đột biến, và bệnh tái phát (relapses).
Thuốc Baraclude (tên thương mại của Entecavir) được cơ quan quản trị thuốc của Hoa kỳ là FDA chấp thuận được dùng để chữa những trường hợp viêm gan B mà virus sinh sản tích cực (active viral replication) cộng với tổn thương ở gan, chứng minh bằng các xét nghiệm cơ năng gan (enzyme ALT hoặc AST lên cao) hoặc sinh thiết tế bào gan cho thấy bệnh đang ở giai đoạn tích cực, hoạt động (active liver disease). Năm 2010, FDA, chấp thuận việc dùng entecavir cho các trường hợp suy gan (liver failure) do siêu vi gan B.
Xin trích dẫn một số điểm công bố trong package insert được FDA chấp thuận:
- Các biến chứng thường gặp nhất: nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, ói.
- Uống entecavir nếu ngừng đột ngột có thể là bệnh nhiễm trở nặng hơn, nhất là trong 6 tháng đầu.
- Thuốc thải ra ngoài do thận, nên nếu cơ nặng thận yếu, giảm thấp do tuổi già, phải điều chỉnh liều thuốc.Thuốc lại có khả năng gây độc gan (hepatotoxicity): nếu da vàng, buồn nôn, phân mất màu, trở nên trắng, phải cho bác sĩ mình biết.
- Thuốc không có khả năng trị dứt (cure) nhiễm trùng siêu vi gan B mà chỉ làm giảm lượng virus trong cơ thể, giảm khả năng nhiễm những tế bào gan mới.
- Thuốc có thể làm cơ năng gan tốt hơn.
- Tuy nhiên theo kiến thức hiện nay, không biết thuốc có giảm nguy cơ ung thư và xơ gan do viêm gan B mãn tính gây ra hay không.
Khác với entecavir, birinapant (đang trong vòng thử nghiệm [investigational drug], của Tetralogic Pharmaceuticals, USA) tấn công trên tế bào gan bị nhiễm khuẩn thay vì tấn công trên virus. Bình thường, tế bào cơ thể của chúng ta có hiện tượng tự sát, gọi là "apoptosis". Tế bào tự huỷ diệt một cách đều đặn có kiểm soát, chừng 50-70 tỷ tế bào tự huỷ diệt mỗi ngày trong cơ thể một người lớn. Tế bào tự sát có thể vì lý do nội tại (stress) hay vì lý do ngoại lai, lúc mà các tế nào khác ra lệnh cho nó tự sát. Các chất enzyme phụ trách tiêu hoá các protein trong tế bào được kích hoạt, làm "nổ tung" tế bào ra từng mảnh được các tế bào phụ trách dọn dẹp (đại thực bào, macrophage) nuốt vào và thanh toán sạch sẽ không để lại dấu vết.
Apoptosis quá nhiều thì bộ phận teo lại, quá ít thì tế bào sinh sản quá nhiều, là hoàn cảnh bệnh ung thư, cho nên cơ thể lành mạnh phải giữ mức tạo tế bào mới quân bình với sự tự huỷ hoại của tế bào cũ hay bệnh hoạn.
Trong trường hợp tế bào nhiễm virus viêm gan B mãn tính, virus có khả năng ngăn chặn hiện tượng apoptosis này (Cellular Inhibitors of Apoptosis Proteins or cIAP), giữ cho tế bào gan sống để chúng khai thác và sinh sôi nẩy nở theo, vì bản thân virus không thể sống độc lập được. Thuốc birinapant có khả năng đảo ngược tác dụng này của virus (cIAP antagonist) và làm cho những tế bào bị virus nhiễm phải tự huỷ, tự sát, làm cho virus không còn nơi chốn để ẩn núp, ăn bám. Theo Tiến sĩ Marc Pellegrini, tác giả chính của khảo cứu được công bố trên báo Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ), thì trong lúc đó, thuốc không hại đến các tế bào gan bình thường. Đồng thời, dùng với kháng sinh khống HBV, các virus được thanh toán nhanh gấp hai lần nếu dùng một mình birinapant.
Đứng về phương diện chiến lược, tấn công hai mặt một bên là thuốc chống virus (antiviral agent), bên kia là tấn công sào huyệt của nó (tế bào bệnh bị huỷ diệt) là một chiến lược tốt trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, khi đem áp dụng trên người bệnh thật (clinical trial), thì gặp những biến chứng về thần kinh (hình như bệnh nhân bị liệt thần kinh sọ [cranial nerve]), cho nên các thử nghiệm lâm sàng bị ngưng lại. Cho đến bây giờ, thì tôi không tìm được tin tức nào mới về các thử nghiệm lâm sàng này nữa. Có thể trong tương lai, sẽ có những cố gắng mới, nhưng có lẽ mất nhiều năm mới ngã ngũ. Tetralogic Pharmaceuticals loan báo trên trang web của họ là dự định vào tháng 7-2015 sẽ dùng birinapant (một thuốc thôi) trong một clinical study cho viêm gan B mãn tính nhưng không cung cấp chi tiết.
Tôi không biết đây có phải là tin tức vị thính giả muốn biết hay không. Tuy nhiên, đây là một trường hợp thú vị, điển hình cho bao trường hợp khác mà báo chí và các phương tiện truyền thông làm bệnh nhân phấn khởi quá sớm về các kết quả trong phòng thí nghiệm. Đem các nghiên cứu từ thú vật qua con người là một con đường dài và chông gai, và rất tốn kém cho các nhà sản xuất thuốc. Đây là lúc chúng ta nhớ đến câu “Trăm lần gãy, nghìn lần mài”, “bách chiết thiên ma”, càng thất bại càng phải kiên nhẫn cố gắng làm lại thì mới được các thành quả khoa học như hiện nay.
Chúc mừng vị thính giả điều trị với kết quả tốt. Cần theo dõi với bác sĩ điều trị cho mình.
Kính chúc quý vị may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
-------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.