Trong thư phản hồi Liên Hiệp Quốc, chính phủ Việt Nam bác bỏ điều gọi là “hành động trả đũa” đối luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, cho rằng không có cơ sở để nói là ông sợ bị bắt khi được triệu tập. Tuy nhiên, luật sư Mạnh khẳng định rằng ông bị chính quyền “đàn áp” liên tục nên ông phải trốn khỏi đất nước.
“Đối với vụ án luật sư Đặng Đình Mạnh, cơ quan chức năng Việt Nam chưa khởi tố, chưa điều tra hình sự đối với Đặng Đình Mạnh và các cá nhân liên quan”, theo một đoạn trong văn thư ngày 1/11/2024 của phái đoàn thường trực của chính quyền Việt Nam tại văn phòng Liên Hiệp Quốc trả lời văn bản chất vấn của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, chính quyền Việt Nam viện dẫn Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 nói rằng họ chỉ thực hiện các bước nhằm tìm căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm sau khi có tin báo từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an về hành vi nhóm 5 luật sư đăng tải nội dung lên mạng xã hội mà trong theo đó “có dấu hiệu” vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
“Tuy nhiên, đây chỉ là tin báo ban đầu về dấu hiệu hành vi phạm tội và chưa phải là kết luận cuối cùng của cơ quan tư pháp cũng như chưa khởi tố vụ án hình sự nào”, văn thư viết, đồng thời lập luận rằng việc Cơ quan Cảnh sát điều tra hình sự tỉnh Long An thông báo và triệu tập ông Mạnh và một số luật sư khác là “một thủ tục chuẩn mực, phù hợp với pháp luật Việt Nam”.
“Cáo buộc cho rằng ông Đặng Đình Mạnh sợ bị bắt nếu đến gặp cơ quan chức năng là không có cơ sở”, chính phủ Việt Nam khẳng định. “Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xác minh tin báo và chưa đưa ra kết luận chính thức nên chưa có căn cứ để bắt giữ, truy tố”.
Ngoài ra, phía Việt Nam cho hay rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định tạm đình chỉ điều tra tin báo tố giác tội phạm do hết thời hạn xác minh.
Vào tháng 6/2023, khi được hỏi về việc ba luật sư nhân quyền Việt Nam Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân đến Mỹ giữa lúc các ông đang bị công an truy tìm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với VOA rằng chính quyền Việt Nam “chớ nên trả thù các luật sư”.
“Hoa Kỳ khuyến khích chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền được xét xử công bằng như đã được đảm bảo theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc đảm bảo các luật sư bào chữa các vụ án hình sự có thể hành nghề tư vấn pháp lý một cách hiệu quả mà không sợ bị trả thù”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra ý kiến với VOA qua email ngày 19/6/2023.
Trước đó, Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm 3 luật sư này sau khi họ tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai hay còn gọi là Thiền am Bên bờ Vũ trụ với lý do các luật sư “không đến để làm việc” liên quan đến tin tố giác tội phạm từ Cục An ninh mạng sau khi đã được mời “nhiều lần”.
Trao đổi với VOA, luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định rằng ông và các đồng nghiệp nhiều lần bị chính quyền Việt Nam “đàn áp” do họ đã tham gia bào chữa nhiều vụ án “an ninh quốc gia” mà chính quyền xem là nhạy cảm.
“Những việc bào chữa như vậy khi nhiều quá thì tích tụ lại khiến chính quyền nhìn chúng tôi một cách thiếu thiện cảm, dẫn đến việc họ đàn áp chúng tôi. Các đồng nghiệp khác thì bị đàn áp về phương diện này, phương diện khác, còn đối với bản thân tôi thì tôi bị nhiều lắm”.
“Vụ án tôi làm cuối cùng là vụ án Thiền am Bên bờ Vũ trụ. Đó là một vụ đàn áp về tôn giáo hết sức điển hình”, ông Mạnh nêu nhận định.
“Như giọt nước tràn ly thì họ điều tra hình sự đối với chúng tôi, buộc lòng chúng tôi phải ra nước ngoài để tị nạn chính trị”, luật sư Mạnh kể lại.
Hồi tháng 3/2023, ba báo cáo viên đặc biệt của LHQ - gồm báo cáo viên đặc biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, báo cáo viên đặc biệt về xúc tiến và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt, và báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền - gửi văn thư yêu cầu chính quyền Việt Nam giải trình các cáo buộc cho rằng chính quyền đang điều tra hình sự đối với ông Mạnh.
Trong thư, các chuyên gia LHQ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cuộc điều tra này, đồng thời bày tỏ lo ngại trước thông tin cho rằng cuộc điều tra đó “có thể là hành động trả thù của chính quyền”.
Ngoài ra, nhóm các chuyên gia cũng cho là cuộc điều tra này “dường như có mối tương quan trực tiếp với việc bào chữa của ông” và cảnh báo về khả năng có thể dẫn tới “vi phạm một số tiêu chuẩn quốc tế và khu vực liên quan đến quyền tự do và hành nghề luật một cách độc lập”.
“Chúng tôi cũng lo ngại trước thông tin nhận được rằng ông Mạnh đang bị cấm xuất cảnh và không thể tiếp cận các khiếu nại có ý nghĩa và công bằng đối với các lệnh cấm này hoặc có thông tin về lệnh cấm”, các báo cáo viên đặc biệt bày tỏ.
“Nếu không có ý định trả đũa đối với Đặng Đình Mạnh bằng cách khởi tố, xét xử hình sự, thì Bộ Công An ban hành quyết định cấm Đặng Đình Mạnh xuất cảnh từ nhiều năm trước để làm gì?”, luật sư Mạnh đặt nghi vấn trong một bài viết trên báo Người Việt hôm 13/11.
“Tôi là nạn nhân bất công và là nhân chứng trong việc bị chính quyền Việt Nam trả đũa, đàn áp giới luật sư chỉ vì đã công khai tố cáo việc khuất tất, hiển nhiên vi phạm pháp luật của các cơ quan an ninh điều tra trong các vụ án chính trị”, luật sư Mạnh viết.
Diễn đàn