Đường dẫn truy cập

Không chỉ có học sinh du học, mà có cả thầy cô qua Mỹ du dạy


Cô giáo và học trò lớp 5 tại Adams Elementary School, Oklahoma City. Hình minh họa. (AP Photo/Sue Ogrocki, File)
Cô giáo và học trò lớp 5 tại Adams Elementary School, Oklahoma City. Hình minh họa. (AP Photo/Sue Ogrocki, File)

Chương trình trao đổi văn hóa của Bộ Ngoại giao không chỉ bao gồm học sinh qua Mỹ du học, mà còn bao gồm luôn cả thầy cô nước khác qua Mỹ dạy (1) trong thời gian từ 3 tới 5 năm. Chương trình này xưa nay vẫn có, và sử dụng cùng dạng visa J-1 với các em học sinh du học. Nhưng gần đây, nhiều người và nhiều trường học mới quan tâm tới chương trình này nhiều hơn vì nhiều tiểu bang và địa phương ở Mỹ đang khan hiếm thầy cô nên quay sang tìm các nhà giáo dục nước ngoài.

Ở bang Illinois chẳng hạn, Bộ Giáo dục Tiểu bang có hẳn một chương trình (2) giúp các học khu tìm người ở nước khác. Học khu Peoria trong lúc thiếu thầy cô trầm trọng đã dùng chương trình này và tìm kịp cho năm học sắp tới 27 thầy cô từ Philippines, 2 từ Dominican Republic, và 1 từ Cameroon. Tại sao phải làm vậy? Tiến sĩ Sharon Desmoulin-Kherat, Tổng Quản trị Học khu, giải thích với CNN (3) là vì “nguồn ở Mỹ cạn khô rồi.”

Nạn khan hiếm thầy cô không phải chỉ mới diễn ra, và cũng không phải trên trời rơi xuống không ai biết trước. Nhiều người đã nhìn thấy trước điều này. Bằng cách nào? Đơn giản lắm. Nguồn thầy cô là các đại học sư phạm. Sư phạm ít sinh viên vô thì tất nhiên sẽ ít thầy cô ra. Tính từ năm 2010 tới 2018, trong lúc tổng số sinh viên tăng, thì số sinh viên theo học ngành sư phạm tại Hoa Kỳ giảm sút mất 1 phần 3, theo tường trình của Center for American Progress (4) dựa trên số liệu các trường nộp cho chính phủ liên bang.

Có tới 9 tiểu bang trong đó số sinh viên chọn ngành sư phạm giảm quá một nửa. Tại Oklahoma, số sinh viên sư phạm giảm tới 80%. Số sinh viên theo học bị giảm đã đành, số sinh viên học tới ngày ra trường cũng giảm luôn. Toàn quốc, số sinh viên tốt nghiệp sư phạm giảm 27% trong cùng thời gian.

Có nhiều lý do để thanh niên Mỹ không nhào vô ngành dạy học, nhưng hai lý do được nghe thấy nhiều nhất là tiền và môi trường làm việc. Mới đây, tweet của một người từng đi dạy (5) nổi lên như sóng với 37,700 retweets. Cô Abby Norman nói, “Tôi bỏ nghề dạy học và bây giờ làm nghề pha rượu trong bar được nhiều tiền hơn, đỡ giờ làm hơn tới 15 tiếng. Và tôi bị đổ thừa ít hơn hẳn và được cám ơn nhiều nhiều hơn nhiều. Không phải soạn giáo án và chấm bài. Hãy nhớ lấy điều này khi có ai đó nói chuyện khan hiếm thầy cô.”

Điều cô Norman nói ra phù hợp với các nghiên cứu của rất nhiều cơ quan. Các bạn bè tôi dạy ở cấp phổ thông cũng thường hay nói lên điều này. Có lẽ nên có hẳn một bài về tình trạng bỏ cuộc của nhiều thầy cô gây nên khan hiếm.

Nhưng bây giờ khan hiếm đã xảy ra rồi, để trở lại với đề tài thầy cô du dạy. Chương trình cấp visa J-1 cho thầy cô, trên lý thuyết, là một chương trình trao đổi văn hoá. Người thầy cô ngoại quốc sẽ học hỏi thêm về văn hoá Mỹ, và học sinh của các thầy cô sẽ biết thêm về văn hoá của nước họ. Theo đòi hỏi của visa J-1, trường nào tuyển thầy cô theo diện này sẽ phải có khâu “trao đổi văn hoá” trong chương trình, nhưng ai cũng biết tỏng ra là các trường sẽ chỉ bày ra cho đủ tiêu chuẩn của “ông nhà nước,” còn dạy là chính, trao đổi được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Không chỉ ở Illinois, nếu tìm trên mạng qua từ khoá “(tên tiểu bang) international teacher exchange,” sẽ thấy hết các tiểu bang đều tham gia việc tìm thầy cô nơi khác tới. Tối thiểu thì tìm thầy cô dạy ngoại ngữ, thí dụ như bang Delaware (6) có hợp tác trực tiếp với Bộ Giáo dục Tây Ban Nha. Còn thiếu hụt trầm trọng thì cần môn gì cũng tuyển hết từ nước khác qua. Nhiều công ty tư vấn cũng nhảy vô việc tìm thầy cô và xin visa này.

Tất cả các tiểu bang Mỹ đều đòi hỏi thầy cô dạy trường công phải có chứng nhận (credentials). Thầy cô nước khác qua sẽ được cấp credentials tạm thời. Ở một số tiểu bang, credentials tạm thời được mang tên gọi khác, để trấn an các thầy cô thực thụ là sẽ không bị nước khác qua lấy mất việc làm. Bang Maine chẳng hạn, dùng tên gọi “clearance” thay vì credentials.

Visa “du dạy” chỉ đòi hỏi 2 năm kinh nghiệm, bằng cấp tương đương với cử nhân ở Mỹ, và đầy đủ các đòi hỏi về sư phạm của tiểu bang nơi mình sẽ đến dạy, và phải rành tiếng Anh. Visa này bao gồm thầy cô tất cả các cấp từ pre-K (lớp chồi) cho tới hết cấp phổ thông (lớp 12). Các trường có thể tuyển thầy cô bất kỳ môn này, chỉ riêng có lớp chồi là chỉ được dạy ngoại ngữ mà thôi.

Không có một chỗ trung ương liệt kê tất cả các việc làm qua chương trình này. Ngay cả các công ty tư vấn cũng không có cả danh sách đầy đủ các học khu tìm thầy cô, vì có một số học khu không tuyển qua trung gian các công ty tư vấn. Phải tìm trực tiếp tại từng tiểu bang, thậm chí từng học khu, và xem các thông báo tuyển người của họ có nhận thầy cô qua chương trình “international exchange” hay không.

Nhưng ngược lại, trong tình trạng thầy cô khan hiếm, có những học khu tự chủ động đi tìm thầy cô. Tại học khu Peoria, Illinois, vị Tổng Quản trị Desmoulin-Kherat tiết lộ bà lập một đội đi tuyển thầy cô; những người này chủ động liên lạc với các nước khác để tìm người dạy, và nhờ đó số chỗ trống trong học khu giảm từ 79 chỗ trống xuống chỉ còn có 3.

Khi chỗ này không đủ người thì sẽ kiếm ở chỗ khác. Nên việc có thầy cô “du dạy” lẽ ra là chuyện hiển nhiên, nhưng phải trong tình trạng khan hiếm thầy cô hiện nay, điều đó mới lộ ra.

(1) https://j1visa.state.gov/programs/teacher/

(2) https://www.isbe.net/exchange

(3) https://www.cnn.com/2021/07/24/us/illinois-schools-teacher-shortage/index.html

(4) https://www.americanprogress.org/issues/education-k-12/reports/2019/12/03/477311/make-declining-enrollment-teacher-preparation-programs/

(5) https://twitter.com/abbynormansays/status/1416537955510915077

(6) https://www.doe.k12.de.us/Page/4420

  • 16x9 Image

    Vũ Quí Hạo Nhiên

    Vũ Quí Hạo Nhiên là giáo sư Toán đại học cộng đồng Coastline College ở Quận Cam, California, với hơn 10 năm dạy các đại học cộng đồng trong vùng như Santa Ana, Cypress, Santiago Canyon, và Orange Coast College. Ngoài ra, ông cũng từng làm báo Việt ngữ trong hơn 10 năm, với chức vụ Tổng thư ký Toà soạn và Phụ tá chủ bút cũng như cộng tác viên cho nhiều báo, đài phát thanh tại Mỹ và các nước khác.

    Ông là giám đốc chương trình luyện thi SAT cho một trung tâm tại Garden Grove, là giám khảo chấm thi AP Statistics cho College Board / ETS, và là cộng tác viên viết sách giáo khoa Toán cho nhà xuất bản Hawkes Learning.

    Trong blog này Vũ Quí Hạo Nhiên viết về những chuyện ông biết: Toán, giáo dục, lịch sử California. Ông hy vọng độc giả sẽ thảo luận, phê bình, kể cả chê trách, cũng như cho ý kiến đề nghị đề tài.

    Các bài viết của tác giả là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG