Sau khi có tin Jerome David Salinger, tác giả của cuốn tiểu thuyết của mọi thời đại The Catcher in the Rye, đã qua đời hôm 27 tháng 1, 2010 tại căn nhà biệt lập của mình ở Cornish, một thị trấn miền núi có chưa đến 2,000 dân tại tiểu bang New Hampshire, có lẽ trong đầu của nhiều người có rất nhiều toan tính. Làm sao có thể lùng kiếm được hết trong căn nhà đó những gì ông đã viết trong gần 60 năm qua nhưng chưa hề được công bố hay xuất bản để cho đừng mai một, thất lạc những tác phẩm có thể để đời của một con người tuy chỉ chịu in ra một số rất ít những gì mình đã viết nhưng đã trở thành bất tử?
Ông bắt đầu viết từ năm 15, ông mất đi ở tuổi 91, trong 76 năm đó của một người cầm viết đã từng phát biểu “tôi chẳng thể sống được nếu không viết được”, chắc chắn những gì ông đã viết phải có thể chất đầy một tủ sách nho nhỏ, thế nhưng những gì ông đã chịu in ra trong vài năm ngắn ngủi ban đầu của sự nghiệp của ông chưa đủ để đầy một ô kéo. Ở con người lạ lùng này, “tôi viết chỉ cho tôi” và chẳng muốn ai dòm ngó mình, người ta thấy một sự lựa chọn thái độ sống hơn là một sự lập dị ẩn mình. Nhưng cuốn The Catcher in the Rye đã tạo cho ngưòi đọc những mong đợi quá lớn lao, cho nên cuộc săn lùng cuộc đời và những tác phẩm của J.D. Salinger chẳng bao giờ ngừng và bao giờ cũng ráo riết. Tuy nhiên, và có lẽ khi ông qua đời, chắc có nơi ông một sự mãn nguyện: chừng nào ông còn sống, chẳng ai có thể đụng được tới ông cả.
Nói đến J.D. Salinger người ta không thể không nghĩ ngay đến cuốn tiểu thuyết của ông ra đời sáu năm sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt và trong sáu thập niên qua không hề mất sức thu hút với những thế hệ trẻ đang tiếp nhau lớn lên trên nước Mỹ. Cuốn tiểu thuyết này nằm trong danh sách của tạp chí Time vào năm 2005 về 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất được viết từ năm 1923. The Catcher in the Rye cũng được tổ chức Modern Library và những độc giả của nó kể là một trong 100 tiểu thuyết đặc sắc nhất bằng tiếng Anh trong thế kỷ 20.
Cho đến nay, mỗi năm người ta vẫn bán được khoảng 250,000 bản của tiểu thuyết này. Và tổng gộp lại, đã có 65 triệu bản đã được bán ra. The Catcher in the Rye không chỉ đến với thiếu niên và thanh niên ở nước này. Những thế hệ cao niên hơn một thời đã biết nó vẫn thỉnh thoảng đọc lại để đi tìm một thời đã mất cũng như nghiền ngẫm lại xã hội mình đang sống. Và The Catcher in the Rye cũng không chỉ giới hạn ảnh hưởng của nó ở nước Mỹ. Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Ý… và cả tiếng Việt.
Trong một thời chiến tranh hỗn loạn ở miền Nam vào đầu những năm 70, Bắt Trẻ Đồng Xanh mà dịch giả là Phùng Thăng&Phùng Khánh ra đời, và người đọc ở Sài Gòn thuở đó đã có thể ít nhiều cảm nhận tâm trạng lạc loài của tuổi trẻ Mỹ lớn lên trong một xã hội vong thân và phi tình trên nhiều mặt. Nhưng truớc đó, trên hai tạp chí Văn và Văn Học, hai truyện ngắn của Salinger cũng đã được giới thiệu cho tuổi trẻ Sài Gòn: A Perfect Day for Banafish và Uncle Wigglily in Connecticut, người dịch là một sinh viên trường Chính trị Kinh doanh thuộc Viện Đại học Ðà Lạt*.
Trong hoàn cảnh cuộc sống ảm đạm và tương lai mờ mịt của tuổi trẻ miền Nam thời đó, người ta nhìn chung quanh, chiến tranh, chính trị, tôn giáo, quân đội, xã hội… chẳng thấy có gì vui được, tin được. Từ thời đó, người ta đã thấy sự khủng khiếp của chiến tranh khủng bố khi đêm đêm nằm ở Sài Gòn không biết pháo kích đêm nay sẽ rớt vào khu nào. Bởi thế mà người đọc cũng có cảm tưởng như đang đi trong đêm giữa một xã hội mình chợt khám phá hoàn toàn xa lạ, chẳng còn gì để mơ mộng mà chỉ thấy đầy đe dọa đối với mình. The Catcher in the Rye đã đến như thế đó với tuổi trẻ miền Nam, khi vang vang tiếng hát bùi ngùi của Judy Collins trong ca khúc bất hủ: Both sides now.
Ở Mỹ này, những người đã đọc sách chẳng mấy ai không biết The Catcher in the Rye, và nói đến The Catcher in the Rye người ta không thể không nghĩ đến J.D. Salinger, không chỉ vì ông là người khai sinh ra nhân vật huyền thoại “phản diện anh hùng” (anti-hero) là Holden Caulfield, cậu bé đi tìm cuộc đời năm 16 tuổi, mà chính là vì con người và cuộc sống khá khác thường của ông – vừa thần thoại vừa huyền thoại. The Catcher in the Rye là tiểu thuyết duy nhất của Salinger, một thành công vang dội và tức thời của ông. Ông chẳng có tiểu thuyết nào khác từ đó – hay nếu có ông đã chẳng cho ai biết và chẳng xuất bản. Trước đó, ông chuyên viết truyện ngắn và một số “truyện ngắn hơi dài”, đã in thành sách là tập Franny and Zooey và Raise High the Roofbeam, Carpenter, nhưng đặc biệt đặc sắc là tập Nine Stories có chín truyện ngắn.
Sau đó, sau khi đã thành công với The Catcher in the Rye khi ông được 32 tuổi, ông bỗng chuyển qua một cuộc sống ẩn dật, xa lánh mọi người, giới phê bình văn học, giới tiểu thuyết gia, những nhà xuất bản đang săn lùng ông để tìm thêm tác phẩm mới. Ông chẳng cho ai phỏng vấn. Chẳng gặp ai xuất hiện ở đâu. Ông chẳng cho ai biết gì thêm về cuộc đời của mình ngoài những gì người ta đã biết trước đó. Ông chẳng cỗ vũ cho thuyết hiện sinh hay nói “L’enfer, c’est les autres”, nhưng ông đã biểu lộ rõ sự chán ngấy với những nguời chung quanh. Nhất là giới kinh doanh văn hóa. Dường như ông tin rằng cuộc đời của ông như được biết trong đời thường trước đó cũng như người ta có thể phát hiện hay nhận diện qua các tác phẩm của ông đã là đủ. Những cái gì người ta có thể biết thêm chỉ là thừa. Hay không đúng như những gì ông muốn người ta biết. Ông có viết gì thêm chăng, thì như ông đã nói: “Tôi chẳng bao giờ ngừng viết được, vì đó là cuộc sống của tôi. Nhưng tôi viết cho tôi đọc. Chẳng viết cho người khác.”
Bao nhiêu lần có những người định viết về ông. Xuất bản những tác phẩm khác của ông. J.D. Salinger đều tìm cách ngăn chận. Thậm chí là nhiều phen ông đã đưa những người này ra tòa. Bởi thế mà trong cả sáu mươi năm tìm vui trong sự tự đày đọa trong cuộc sống cô đơn của ông, người ta hầu như chẳng biết gì hơn nữa về ông khi họ bị chắn trước mặt một hàng rào kiên cố quanh nhà ông cao đến hơn hai mét ở một vùng đồi núi.
Tác phẩm The Catcher in the Rye được viết theo lối tự sự, nhưng những truyện ngắn của ông thường được viết dưới dạng kể chuyện. Người ta nói tất cả đều thể hiện con người của ông. Ông thích viết văn từ hồi mười lăm, và càng chìm đắm trong thế giới tưởng tượng của những mẫu truyện ngắn xếp lớp lang một cách hỗn độn như những ám ảnh trong đầu, ông càng cô độc giữa chúng bạn và trầy trật trong việc học. Ông vẫn cố theo học, và càng theo học, ông càng bị thất bại, chen vào đến ba trường cao đẳng để cuối cùng cũng bị hất ra.
Rồi ông đi vào một học viện của quân đội, cũng chẳng thành công. Sau đó ông tham gia vào đoàn quân Mỹ viễn chinh ở châu Âu với tính cách là lính trơn. Bốn năm trong quân đội dưới bom đạn Đệ nhị Thế chiến, ông sống trong ác mộng hãi hùng nhiều hơn là giấc mơ anh hùng. Xuất ngũ năm 1946, ban đầu suýt vì lý do kỷ luật nhưng về sau được ân xá, ông trở lại Mỹ trong tâm trạng lạc loài, không tin tưởng ở một xã hội đang biến chuyển tâm tình sau một cuộc thế chiến. Ông biểu lộ những nghi ngờ của ông về định chế gia đình, định chế trường học, định chế xã hội. The Catcher in the Rye và Nine Stories nêu bật sự phản kháng, nổi loạn mạnh mẽ của tuổi trẻ trước cuộc sống chung quanh, cũng là vào lúc người ta thấy nổi bật trên điện ảnh hiện tượng James Dean với phim Rebel Without a Cause.
Câu chuyện kể về cậu Holden Caulfield, 16 tuổi, bị đuổi ra khỏi trường vì thiếu điểm, nhưng vì chưa thể về nhà ngay được cho nên vất vưởng vài đêm ở New York City. Khi bị tống ra khỏi khu học xá, cậu xung đột và đánh nhau với ngưòi bạn chung phòng. Cậu tâm sự chuyện của mình với một ông thầy và thấy ông này cũng là thứ “dởm” với những lời khuyên đạo đức giả. Cậu lên xe lửa đi vào New York giữa đêm ngủ đỗ tại một khách sạn tồi tàn, dọ dẫm chung quanh với các cô gái ở vũ trường và cuối cùng rơi vào tay một cô điếm. Cậu chỉ muốn nói chuyện, cho nên bị tên ma cô đánh cậu một trận nữa.
Trong ba ngày ở thành phố cậu lang thang trong sự cô đơn và trạng thái bất định vì ngấm rượu. Cậu dấn thân từ cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác. Có lúc lén trở về nhà để gặp cô em gái, Phoebe, người duy nhất Holden Caulfield nghĩ có thể nói chuyện được. Rồi cậu lại đi tìm một ông thầy cũ dạy tiếng Anh cho cậu, nói chuyện đời với ông, nhưng khi tỉnh dậy cậu có cảm tưởng như ông ta đang tìm cách rờ rẫm cậu. Sau ba ngày đêm đó, cậu nghĩ mình phải là “catcher in the rye”, một vị thần chuyên đi cứu rỗi những đứa trẻ “đang đứng trước bờ vực” tội lỗi của tuổi người lớn. Tâm hồn cậu lắng xuống sau những ngày điên loạn, cậu đưa em gái đến sân chơi của Sở thú, nhìn em bay qua bay lại trên chiềc đu và chợt buồn nhớ một thời xa vắng. Cuối sách, Caulfield cho thấy sự mỏi mệt và không muốn nói gì thêm nữa. Cậu gợi ý cho biết cậu đang ở trong một nơi điều trị tâm thần.
Đoạn kết của truyện, thật ra, đã cho thấy “nhân sinh quan” của Salinger và quyết định rút lui của ông. Ông viết:
“Tất cả những gì tôi sẽ kể chỉ có chừng đó. Có thể tôi sẽ nói cho bạn biết tôi đã làm gì sau khi về nhà, tôi bị bệnh như thế nào, và tôi định theo học trường nào trong mùa thu tới, sau khi tôi đã ra khỏi đây, nhưng tôi chẳng khoái kể những chuyện này. Hiện nay thì những chuyện đó tôi chẳng thú vị gì cả.
Một số người, nhất là cái ông bác sĩ phân tâm học mà người ta có ở đây, cứ hỏi tôi sẽ tự mình xin vào khi tôi trở lại trường vào tháng Chín tới hay sao. Theo ý tôi thì đó đúng là một câu hỏi ngu xuẩn. Ý tôi muốn nói rằng làm sao ta biết được mình sẽ làm gì cho đến khi mình làm việc đó? Câu trả lời là, ta không biết được. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm, nhưng làm sao tôi biết được. Tôi lấy danh dự mà nói đó là một câu hỏi ngu xuẩn.
D.B. (anh của Holden Caulfield) không tệ như những người khác, nhưng anh cũng cứ theo tôi mà hỏi đủ chuyện.Thứ Bảy tuần qua anh lái xe đến thăm tôi với cô bé người Anh ở trong câu chuyện mà anh đang viết. Cô ấy cũng bị ảnh hưởng nhiều, nhưng rất xinh. Dù sao, có một lần cô đi đến phòng phụ nữ ở phía dưới cánh nhà bên kia, D.B. hỏi tôi nghĩ gì vế tất cả những chuyện mà tôi vừa kể cho bạn xong. Tôi chẳng biết phải trả lời làm sao cả. Nếu bạn muốn nghe tôi nói thẳng, tôi chẳng biết phải nghĩ làm sao về chuyện này. Tôi rất tiếc là tôi đã nói chuyện này với quá nhiều người. Điều tôi biết chắc là tôi thấy nhớ những người mà tôi đã nói đến. Thí dụ như ngay cả Stradlater và Ackley (hai bạn chung phòng). Tôi nghĩ tôi còn nhớ cái thằng cha Maurice (tên ma cô). Thật buồn cười. Đừng bao giờ nói với ai bất cứ chuyện gì. Nếu bạn ưa nói, rồi ai cũng làm bạn bận tâm cả.”
Có lẽ điều nổi bật nhất ở Salinger chính là phần “tâm thần” của mỗi người trong cuộc sống mà nhiều người không thấy hay không dám nhìn nhận. Trong Nine Stories, man mác ở mỗi chuyện chính là phản ứng không bình thường có tính tâm thần của mỗi người trong cuộc sống. Những người đọc Nine Stories có thể nhớ mãi đoạn kết trong chuyên ngắn đầu tiên “A Perfect Day for Bananafish”.
“Người đàn ông trẻ mặc vào chiếc áo khoác của mình, kéo lại sợi dây quấn ngang cho chặt và nhét chiếc khăn lông vào trong túi quần. Ông nhặt lấy cái phao đẫm ướt và cồng kềnh và ôm nó dưới tay. Ông bước đi một mình qua bãi cát mềm và nóng, tiến đến khách sạn.
Trên tầng chính của khách sạn, mà người ta hướng dẫn những người đi tắm sử dụng, một người đàn bà có chiếc mũi thoa đầy thuốc mỡ đi vào trong thang máy với người đàn ông.
“Tôi thấy bà đang nhìn chân tôi,” ông nói với bà khi thang máy chuyển động.
“Xin lỗi ông nói gì?” người đàn bà hỏi.
“Tôi nói tôi thấy bà đang nhìn chân tôi.”
“Tôi xin lỗi ông. Tôi tình cờ đang nhìn dưới sàn mà thôi,” người đàn bà đáp lại, mặt hướng đến cửa thang máy.”
“Nếu bà muốn nhìn chân tôi, bà cứ nói,” người đàn ông trẻ nói. “Nhưng đừng có làm cái trò len lén xem như thế.”
“Hãy để cho tôi ra đi,” người đàn bà nói vội vàng với cô gái điều khiển thang máy.
Cửa thang máy mở và người đàn bà bước ra không nhìn lại.
“Tôi có hai bàn chân bình thường và tôi chẳng thấy có lý do gì người ta lại muốn nhìn chúng,” người đàn ông nói. “Tầng lầu năm, cô.” Ông lấy chìa khóa ra khỏi túi.
Ông bước ra khỏi tầng lầu năm, bước theo hành lang, và vào phòng 507. Phòng có mùi hành lý bằng da mới và mùi chất chùi sơn móng tay.
Ông nhìn cô gái đang nằm ngủ trên một trong hai chiếc giường đôi. Rồi ông bước đến một trong mấy hành lý, mở nó ra, và từ dưới lớp áo quần mặc bên trong ông lấy ra một cây súng Ortgies nòng 7.65. Ông thả gắp đạn ra, nhìn nó, và nhét nó vào lại cây súng. Ông tháo và đóng lại nòng súng. Và rồi ông đi tới và ngồi xuống trên chiếc giường trống, nhìn cô gái, nhắm cây súng, và bắn một viên đạn qua thái dương bên phải của ông.”
Trong thời buổi người ta đọc báo để biết những chuyện tự vẫn và bắn giết quanh mình, nhiều khi chúng ta phải trở lại với một tác phẩm đã viết cách đây 60 năm để hiểu được trạng thái tâm thần của nước Mỹ ngày nay. Và do đó chẳng ai phải sợ quá trễ khi đến với The Catcher in the Rye. Nhưng để hiểu hơn tác giả của nó, người ta có thể nhìn cuộc sống ẩn dật và tách rời với thế giới đầy âm thanh và cuồng nộ bên ngoài, nhưng gần gũi và được bảo bọc của ông trong cộng đồng Cornish mà ông đã sống trong hơn 50 năm qua. Như những người láng giềng nói, bao năm qua, ông chẳng nói gì với ai, nhưng họ có cảm tưởng được đối thoại và cảm thông với ông hơn với bất cứ người nào. [HNN]
* Ghi chú của toà soạn: Tác giả bài viết này là dịch giả hai truyện ngắn nói trên.
Ông Hoàng Ngọc Nguyên, người làng Bích Khê, tỉnh Quảng Trị, từng học ở Chu Văn An, Chính trị Kinh Doanh, Cao học Hành chánh, Đại học Oxford và Đại học Utah, trong thời còn hoạt động mạnh đã là chuyên viên kinh tế tại Bộ Kinh tế Saigon, đồng thời vẫn làm báo cho tờ Saigon Post từ năm 1968 đến 1975. Hiện ông sống ở Salt Lake City, làm việc tại Thư viện Đại học Utah và viết bình luận thường xuyên cho báo Saigon Nhỏ hàng ngày, hàng tuần, tờ Việt Tribune, và tờ But Tre. Ông còn thích dịch văn chương cho những tác giả ông ưa thích như John Updike, J. D. Salinger, Truman Capote, Arthur Miller, Marek Hlasko và...Herta Muller.