Ngày 27/1/2010 vừa qua, nhà văn J. D. Salinger, tác giả cuốn tiểu thuyết lừng danh The Catcher in the Rye, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 91, tại nhà riêng của ông ở Cornish, New Hampshire. Cornish là một ngôi làng nhỏ, nơi Salinger đã sống ẩn dật lẩn tránh giới truyền thông từ hơn nửa thế kỷ nay. "Cornish là một nơi tuyệt vời. Mảnh đất này đã giúp chồng tôi có cuộc sống tách biệt khỏi thế giới ồn ào.” Bà Colleen Salinger, quả phụ của nhà văn, đã chia sẻ với tờ Valley News.
Tại sao J.D. Salinger chọn cuộc sống ẩn dật?
Nhớ một câu nói của nhà văn Saul Bellow, tác giả cuốn Herzog, Nobel Văn Chương 1976: "Khi bạn là nhà văn, bạn sẽ rất cô đơn."
Có phải người cầm bút là một người cô đơn không?
Và phải chăng những cuộc gặp gỡ, họp mặt, ăn uống,... của những người cầm bút chỉ là cái bề nổi của một mặt hồ, chính cái đáy sâu lạnh lẽo cô đơn mới là nơi chứa những dòng chữ làm thành tác phẩm?
Trong một bài trả lời phỏng vấn của New York Times, Saul Bellow nói "Nhà văn là một người quan sát. Mà một người quan sát là một con mèo ngồi trong góc nhà." Và "con mèo ngồi trong góc nhà" đó, càng ngày càng co rút lại. Ông xây cất một khu nhà giữa rừng ở tiểu bang Vermont ở một nơi ở rất xa thành phố. Ông chia thời gian trong tuần ra làm hai phần: những ngày dạy ở Đại Học Boston và những ngày còn lại ông sống trong ngôi nhà giữa rừng để sáng tác. Ngay trong những ngày dạy ở Boston, sau giờ giảng ông cũng chỉ ngồi ở văn phòng một mình.
Nhưng có điều tôi vẫn chưa hiểu tại sao 21 năm sau, vào năm 1997, ở tuổi 82, Saul Bellow lại cho xuất bản tạp chí văn học lấy tên là "Tin Tức Từ Nước Cộng Hòa Văn Chương" (News From the Republic of Letters). Bởi vì khi làm tờ báo ông đã phải mở cánh cửa ra thế giới của người viết và người đọc. Và như thế sự "ẩn cư" của ông không còn nữa.
Trên Văn Đặc Biệt, số Tưởng Mộ Mai Thảo, dưới tựa đề Nỗi Cô Đơn Lớn Lao Của Mai Thảo, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho rằng Mai Thảo kết bạn vì sợ cô đơn. Và ông trích dẫn bốn câu thơ Mai Thảo như những nét tự phác họa chân dung nỗi cô đơn của chính tác giả Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền:
Sớm đi ra sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy.
Phải chăng người cầm bút Mai Thảo - như những người cầm bút khác - là kẻ đi lạc giữa đời, cô đơn ngay giữa đám đông và bạn bè? Liệu câu nói của Saul Bellow "Khi bạn là nhà văn, bạn sẽ rất cô đơn" có gặp những phản hồi nào chăng? Và chúng ta giải thích thế nào về sự ẩn cư đằng đẳng của tác giả Bắt Trẻ Đồng Xanh?[NXH]
* Bản dịch Bắt Trẻ Đồng Xanh do Phùng Khánh và Phùng Thăng do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành khoảng năm 1964 - 1965. Bản dịch này sau đó năm 2008 được Nhà xuất bản Văn học và Công ty Nhã Nam tái bản có sửa chữa. Một bản dịch khác do Đức Dương và Bùi Mỹ Hạnh dịch được Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản năm 1992 và Nhà xuất bản Văn học tái bản năm 2005.