Đường dẫn truy cập

Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về ngân sách


Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner thuộc Đảng Cộng Hòa trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner thuộc Đảng Cộng Hòa trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc.

Chính phủ đóng cửa ảnh hưởng ra sao đến các dịch vụ?

Chính phủ đóng cửa ảnh hưởng ra sao đến các dịch vụ?

  • Khoảng 800 ngàn công chức liên bang sẽ phải nghỉ việc không lương.
  • 1 triệu 400 ngàn nhân viên quân đội hiện dịch sẽ tiếp tục thi hành nhiệm vụ, nhưng có thể phải lãnh lương trễ.
  • NASA sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên.
  • Các nhân viên kiểm soát không lưu và kiểm tra hành khách sẽ tiếp tục công tác.
  • Các toà án liên bang sẽ tiếp tục hoạt động.
  • Sẽ tiếp tục giao thư tín vì Sở Bưu chính Hoa Kỳ không được tài trợ bởi tiền thuế.
  • Phần lớn nhân viên của Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục làm việc.
  • Phần lớn các dịch vụ dành cho cựu chiến binh sẽ tiếp tục vì đã nhận tiền tài trợ từ trước.
  • Các Công viên quốc gia và các viện bảo tàng Smithsonian sẽ đóng cửa.
Các nỗ lực tại Quốc hội Mỹ để chấm dứt vụ đóng cửa từng phần và tăng quyền vay nợ của chính phủ lại gặp những sự trì hoãn mới, giữa lúc hạn chót ngày 17 tháng 10 đang tiến gần để nâng mức trần nợ của chính phủ, nếu không Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình trạng không thanh toán được một số nợ. Giới lãnh đạo chính trị và kinh tế khuyến cáo rằng tình trạng bế tắc kéo dài có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế nội địa và các nền kinh tế thế giới. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật như sau.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner, thuộc Đảng Cộng Hòa, hôm qua nói với các nhà báo rằng Đảng Cộng Hòa sẽ không cho phép Hoa Kỳ rơi vào cảnh vỡ nợ.

“Tôi đã khẳng định rõ ràng trong nhiều, rất nhiều tháng qua rằng khái niệm không trả được nợ là sai lầm, và chúng ta nên tránh xa tình huống đó.”

Nhiều giờ đồng hồ sau khi các thành viên Đảng Cộng Hòa đề nghị một kế hoạch mới để gia hạn quyền vay nợ của chính phủ cho tới trung tuần tháng Hai năm 2014, và để cho chính phủ mở cửa lại với một số điều kiện đi kèm, một cuộc họp quy tụ các nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng Hòa kết luận rằng họ không vận động được đủ số phiếu để thông qua kế hoạch này.

Phản ứng trước tình trạng bất định trong nền kinh tế lớn nhất của thế giới, cơ quan đánh giá tín dụng Fitch hôm qua đặt Hoa Kỳ vào danh sách “tiêu cực cần theo dõi”.

Các giới chức nói rằng Bộ Tài Chính Mỹ có thể không thanh toán món nợ 16,7 nghìn tỉ đôla, nếu chính phủ Hoa Kỳ không được phép vay nợ thêm sau ngày 17 tháng 10.

Lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ Viện, bà Nancy Pelosi, thuộc đảng Dân chủ, nói rằng một phần trong món nợ quốc gia đã tích lũy dưới thời chính phủ của Tổng Thống George W. Bush.

“Trong số nợ này, nhiều món nợ đã có từ thời chính phủ Tổng Thống Bush. Thế mà họ không muốn thanh toán các hóa đơn đó. Đây không phải là những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Chúng ta đang nói tới những hóa đơn cho những món chi tiêu đã qua rồi. Làm thế nào chúng ta có thể quay lưng không thanh toán các hóa đơn đó?”

Giới hạn trần nợ của Mỹ

Giới hạn trần nợ của Mỹ

- Là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời.
- Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
- Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
- Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
-Từ năm 1960, Quốc hội đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.

Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói rằng không nâng mức trần nợ trước hạn chót sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.

“Một khi đã tới hạn chót đó, chúng ta sẽ đi vào một tình huống chúng ta chưa từng lâm vào bao giờ, sự thể đó sẽ đánh đi một tín hiệu ra toàn thế giới là có một sự bất định về sự cam kết tại nước Mỹ này đối với nguyên tắc là chúng ta luôn luôn thanh toán các hóa đơn đúng hạn kỳ. Đó chính là lý do vì sao chúng ta chưa hề vượt qua lằn ranh ấy bao giờ.”

Ông Robert Shiller, một vị giáo sư của Đại học Yale và là một trong 3 nhân vật đoạt Giải Nobel Kinh tế năm nay, nói với VOA rằng cả hai phe tại quốc hội đều biết rằng một vụ vỡ nợ sẽ mang lại những hậu quả vô cùng tai hại.

“Tôi vẫn tin rằng khó có thể xảy ra chuyện vỡ nợ. Cả hai bên đều biết đây là một thảm họa. Đây là một trò chơi xem ai là kẻ yếu bóng vía. Hai chiếc xe đâm thẳng vào nhau, xe nào lách qua sau cùng sẽ là bên thắng cuộc. Thông thường thì tai nạn không xảy ra.”

Giáo sư Shiller nói nếu xảy ra, một vụ vỡ nợ của Hoa Kỳ sẽ vô cùng tai hại cho nền kinh tế Mỹ, nhưng dần dà nền kinh tế sẽ quay trở lại đúng hướng. Khôi nguyên Giải Nobel Kinh tế cũng cho rằng uy tín của Hoa Kỳ đã bị tổn hại rồi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG