Giới hạn trần nợ của Mỹ
Giới hạn trần nợ của Mỹ- Là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời.
- Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
- Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
- Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
-Từ năm 1960, Quốc hội đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.
Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ
Một phần chính phủ đã bị đóng cửa trong hai tuần nay và tình trạng này sẽ kéo dài cho đến khi Quốc hội và Tổng thống có thể đồng ý về một ngân sách mới.
Bế tắc này đi kèm với hạn chót phải nâng mức trần nợ của chính phủ vào ngày thứ Năm tuần này. Nếu xảy ra, Hoa Kỳ sẽ không thể vay tiền để trả cho các chủ nợ.
Hôm qua, Trưởng khối Dân chủ Đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Harry Reid nói sau các cuộc thảo luận mà ông cho là có tính xây dựng với lãnh tụ khối Cộng hòa thiểu số Mitch McConnell, rằng ông “lạc quan” về viễn ảnh có thể giải quyết cả hai vấn đề vừa kể.
Đảng Dân chủ muốn nâng mức trần nợ lên cao hơn, kéo dài thời gian trước khi cần thương lượng trở lại.
Đảng Dân chủ cũng mưu tìm một đạo luật chi tiêu ngắn hạn cho phép chính phủ mở cửa trở lại trong khi vẫn giữ nguyên trạng cho tới khi áp dụng các biện pháp cắt giảm ngân sách triệt để vào tháng tới, sẽ có hiệu lực trong năm nay.
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa muốn gia tăng mức trần nợ ít hơn đi kèm với các biện pháp cắt giảm chi tiêu nhiều hơn.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Christine Lagarde, nói với Chương trình "Meet the Press" của đài truyền hình NBC ngày hôm qua là không nâng mức trần nợ sẽ “gây ra gián đoạn sâu rộng khắp thế giới” và có thể làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu khác.
Bà Lagarde nói “Hoa Kỳ phải tôn trọng cam kết của mình, phải trấn an thế giới và phải đảm bảo là nền kinh tế đang được củng cố, vì việc này ảnh hưởng đến toàn thể nền kinh tế.”