Đường dẫn truy cập

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: Mỹ nên tiếp tục gây áp lực đòi VN cải thiện nhân quyền


Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear gặp gỡ nhà bất đồng chính kiến - bác sĩ Nguyễn Đan Quế ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam 17/08/2012.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear gặp gỡ nhà bất đồng chính kiến - bác sĩ Nguyễn Đan Quế ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam 17/08/2012.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế hoan nghênh lập trường của Hoa Kỳ liên kết sự tăng cường quan hệ hợp tác Việt-Mỹ với những tiến bộ về nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Trong lúc tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng vì những hành động hung hãn của Trung Quốc, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng này nói rằng một nước Việt Nam dân chủ, tôn trọng nhân quyền sẽ là một đối tác chiến lược đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.

(VOA) Thưa Bác sĩ, trong cuộc trao đổi mới đây (17-08-2012) với ông ở Sài Gòn, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã nhắc lại rằng chính sách của Mỹ là hợp tác kinh tế, quân sự với Việt Nam phải đi kèm với cải cách về dân chủ và nhân quyền. Trong tư cách là một người đã dấn thân tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam trong nhiều thập niên qua, xin ông cho thính giả của đài VOA được biết ông có cảm tưởng hay ý kiến như thế nào về chính sách “liên kết” của Washington?

please wait

No media source currently available

0:00 0:09:57 0:00
Tải xuống


Nguyễn Đan Quế: Đây là chính sách đúng và sẽ mang lại kết quả tốt, nhất là đối với nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam ở vào thời điểm này. Tốt cho sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương; và tốt cho tương lai của Việt Nam có thể thoát khỏi ảnh hưởng quá nặng nề nghẹt thở của Trung Quốc để xoay chuyển theo tự do, dân chủ và thịnh vượng.

Nhưng chính sách liên kết hợp tác kinh tế, quân sự với cải cách nhân quyền và dân chủ này lại ‘khó nuốt’ cho Bộ Chính trị và chính quyền cộng sản, vì thực thi nhân quyền và dân chủ sẽ làm mất vai trò lãnh đạo của tập đoàn đảng cầm quyền, hiện đang thụ hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi.

Tuy nhiên, ông Đại sứ khẳng định với tôi là chính sách của Hoa Kỳ luôn nhất quán là ủng hộ tự do dân chủ. Do đó, Hoa Kỳ cần tiếp tục gây áp lực đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền. Và chắc chắn sẽ đạt kết quả mong muốn vì Hà Nội cần Washington hơn Washington cần Hà nội, nếu không muốn nói là Hà nội đang rất cần Washington hơn lúc nào hết vì nền kinh tế trong nước suy sụp và tình hình Biển Đông hết sức cấp bách.

(VOA) Chắc ông cũng biết là chính phủ ở Hà Nội, cũng như ở các nước độc tài khác trên thế giới, lâu nay vẫn thường xuyên đả kích sự thúc đẩy của Hoa Kỳ cho nhân quyền và dân chủ. Họ nói rằng những hành động của Washington là”can thiệp vào công việc nội bộ.” Bên cạnh đó cũng có một số người, tuy ở trong hàng ngũ của thế giới tự do, nhưng vẫn chống đối chính sách “liên kết”. Họ lập luận rằng Hoa Kỳ nên tăng cường sự hợp tác về văn hóa, kinh tế, quân sự, vân vân … với các nước độc tài, và một khi kinh tế của các nước đó phát triển thì tự khắc nhân quyền và dân chủ sẽ được cải thiện. Ông nghĩ sao về lập luận đó?

Nguyễn Đan Quế: Theo tôi không có vấn đề tự khắc xảy ra. Tự do và dân chủ phải hoạt động, đấu tranh mới mong có được.

Hợp tác về kinh tế, văn hóa và quân sự trong thời đại toàn cầu hóa với bùng nổ thông tin toàn cầu giúp hình thành hạ tầng trung lưu có cuộc sống tương đối thoải mái, có hiểu biết về thế giới, và có sức mạnh tự tin về đất nước mình. Hạ tầng này sẽ quyết định thượng tầng mới dân chủ.

Quá trình vận động để thiết lập lên được nhà nước dân chủ là quan yếu và đầy khó khăn: Phải biết đưa Sức Mạnh Quần Chúng đi cùng trào lưu dân chủ thế giới để có thế đông của tập thể, được lãnh đạo bởi một siêu cường đầu tàu mạnh nhất về dân chủ. Chính sách liên kết phát triển và dân chủ của Mỹ không phải là can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác, mà là làm nhiệm vụ thi hành mệnh lệnh của thời đại, của thế kỷ 21, vì chỉ có dân chủ hóa mới tạo điều kiện để mỗi cá nhân và mọi cá nhân có quyền trực tiếp tham gia quyết định và nhiệt tình tham gia thi hành các chính sách phát triển đất nước. Có thế mới thanh toán được nạn nghèo đói toàn cầu, nhân loại mới có tương lai tốt đẹp hơn.

(VOA): Thưa Bác sĩ, qua các bài viết phổ biến trên internet chúng tôi nhận thấy rằng việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ trong những năm gần đây đã trở thành một vấn đề có tính chất cấp bách đối với nhiều người Việt Nam vì vụ tranh chấp Biển Đông và những hành động hung hãn của Trung Quốc. Xin ông cho biết Đại sứ Shear có trao đổi với ông về vấn đề này trong cuộc gặp gỡ mới đây hay không? Và nếu có, xin ông cho biết sơ qua về nội dung cuộc trao đổi đó.

Nguyễn Đan Quế: Chúng tôi có trao đổi khi bàn về những căng thẳng trên Biển Đông. Thế giới đang rất quan ngại một Trung Quốc phát triển mạnh về kinh tế, siêu cường kinh tế thứ nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ, gia tăng võ trang mà ngân sách quốc phòng không minh bạch, và đang rất là hung hăng đòi hỏi chiếm gần trọn Biển Đông, nguy hại cho tự do hải hành quốc tế và đe dọa khống chế các nước Đông Nam Á buộc phải chịu ép mình nằm dưới ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tình hình Biển Đông đang xấu đi, và nếu không khéo có thể xẩy ra xung đột vũ trang, đe dọa hoà bình ổn định trong vùng. Biển Đông đang là vấn đề rất nhức nhối, thúc ép, hết sức cấp bách đối với toàn thể người dân Việt Nam, trong khi giới cầm quyền Hà Nội hoàn toàn bị động, không biết đối phó thế nào, không có đường lối, không có lối thoát. Nhân dân quá chán, khinh bỉ sự hèn hạ của giới lãnh đạo, tự động biểu tình tỏ rõ lập trường yêu nước, bảo vệ Tổ Quốc của dân tộc ta. Giới cầm quyền nỡ lòng ra tay đàn áp rất dã man.

Trước tình hình chính trị Việt Nam bế tắc như vậy, tôi và ông Đại sứ có trao đổi về mấy vấn đề sau:

Thứ nhất: Mỹ đang tái bố trí cân bằng chiến lược tại Châu Á – Thái Bình Dương. Do đó cần có những đối tác chiến lược đáng tin cậy, hợp tác chân thành, có tính bền vững lâu dài, và nhất là cùng theo đuổi những giá trị phổ quát về con người. Muốn thế Mỹ chỉ có thể tìm thấy nơi một nước VN mới tự do dân chủ, chứ chắc chắn không thể với một chế độ độc tài, phản dân chủ. Điểm này tôi thấy ông Đại sứ tỏ vẻ đồng ý.

Thứ hai: Vì ông Đại sứ đã nắm vững những vấn đề của Việt Nam, nên tôi chỉ nói ngắn gọn là muốn phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế, Việt Nam phải dân chủ hóa. Chính quyền phải tôn trọng tự do, nhân phẩm và quyền lợi của người dân, người dân mới tích cực mang hết tâm trí, nghị lực, khả năng và thì giờ của mình ra để phát triển đất nước, cùng hưởng lợi, cùng tiến bộ, cùng sung sướng. Tôi thấy ông Đại sứ hết sức nhiệt tình ủng hộ.

Đến đây, trong không khí đồng cảm về dân chủ hóa Việt Nam là cần thiết cho chính sách của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương và đáp ứng đúng nguyện vọng và quyền lợi của dân tộc Việt Nam, tôi mới nói với ông Đại sứ thế này: Đây là cơ hợi bằng vàng để Mỹ công khai ủng hộ một thể chế chính trị cởi mở hơn ở Việt Nam. Tôi không trông chờ một thái độ xác định nào, vì tôi biết tôi đối diện với một nhà ngoại giao chuyên nghiệp của siêu cường số một trên thế giới đang thi hành nhiệm vụ tại một xứ độc tài cộng sản. Vì thế, tôi quay ra lưu ý thêm ông Đại sứ về dân chủ hóa Việt Nam quan trọng như thế nào đối với Biển Đông, với ASEAN và với Trung Quốc.

Về Biển Đông, lập trường của dân tộc Việt Nam là ủng hộ: (1) mọi tranh chấp phải đuợc giải quyết một cách hòa bình qua các cuộc thương thảo đa phương; (2) phải bảo đảm quyền tự do hải hành; (3) phải dựa trên công ước quốc tế về luật biển UNCLOS 1982; (4) và tôi xác quyết hết sức rõ ràng với ông Đại sứ là: dân chủ hóa Việt Nam mới là giải pháp đích thực và hữu hiệu giúp đoàn kết toàn dân Việt Nam chống lại mọi ý đồ xâm lăng, thôn tính của phương Bắc và tiếng nói của Việt Nam mới có trọng lượng trên bàn đàm phán về Biển Đông, vì sẽ được người Việt cả trong lẫn ngoài nước đứng sau lưng một lòng hậu thuẫn.

Đối với ASEAN và Trung Quốc, tôi có chia sẻ với ông Đại sứ: Việt Nam cần dân chủ hoá mới tranh thủ được sự ủng hộ của ASEAN, và mới có sức mạnh tập thể cùng nhau đối phó với thái độ của một Trung Quốc đang trở thành cường quốc về kinh tế và quân sự, lại có thái độ hiếu chiến, bành trướng, có ý đồ bị ảnh hưởng bởi xu thế dân tộc chủ nghĩa. Nhân dân Việt Nam với kinh nghiệm trong lịch sử luôn sợ Trung Quốc xâm lược, nên hiện rất muốn thoát vòng ảnh huởng của Trung Quốc, nghiêng về hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ. Muốn thế, nhà cầm quyền Cộng Sản phải tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân, và phải chấp nhận lộ trình tiến đến bầu cử tự do, công bằng dưới sự giám sát của Liên hiệp quốc.

(VOA) Cám ơn Bác sĩ đã dành thời giờ cho đài VOA thực hiện cuộc phỏng vấn này. Xin chúc ông mọi sự tốt đẹp và mong có dịp được hầu chuyện với ông trong những ngày sắp tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG