Tác nhân cam: Hỗn hợp các chất khai quang mà quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng ở Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1971.
Tác nhân cam: Hỗn hợp các chất khai quang quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng ở Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1971- Hàng triệu lít đã được rải xuống để tiêu hủy chỗ trú ẩn của địch.
- Chất dioxin TCDD là một phó sản của quá trình sản xuất Tác nhân Cam và được phân loại là một hóa chất độc đối với con người.
- Tác nhân Cam khô nhanh sau khi được rải xuống.
- Chất này tan trong vòng vài tiếng đến vài ngày nếu không bám vào đất, khi bị phơi ra nắng và không còn gây tác hại nữa.
- Tên gọi “Tác nhân Cam” xuất phát từ những vạch màu cam kẻ trên các thùng chứa hóa chất này.
(Nguồn: Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ)
Hoa Kỳ hôm thứ năm khởi động một dự án để dọn sạch đất và trầm tích bị nhiễm dioxin ở mức cao tại một nơi ở miền trung Việt Nam từng là một căn cứ không quân Mỹ.
Trong thời chiến tranh Việt Nam, phi trường Đà Nẵng được dùng để tồn trữ Hóa Chất Da Cam, một loại thuốc diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã rải để khai quang những nơi trốn núp của các binh sĩ Bắc Việt và du kích quân Cộng Sản.
Chất độc, được cho là gây ra nhiều chứng bệnh và những khuyết tật bẩm sinh, tiếp tục là một chứng tích đau buồn của cuộc chiến. Đại sứ Mỹ David Shear phát biểu như sau tại buổi lễ ở Đà Nẵng.
Đại sứ Shear nói: "Chất dioxin trong đất ở đây là một di sản của quá khứ đau buồn mà chúng ta cùng chia sẻ, nhưng dự án chúng ta tiến hành hôm nay cùng với Việt Nam là một dấu hiệu, như Ngoại trưởng Clinton đã nói, là dấu hiệu của tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng."
Đà Nẵng là “điểm nóng dioxin” hàng đầu trong 28 điểm nóng ở Việt Nam. Dự án với kinh phí 43 triệu đô la này sẽ đào xới và dọn sạch 73.000 mét khối đất và trầm tích xung quanh phi trường. Đại sứ quán Mỹ nói rằng sau khi được dọn sạch số đất sẽ an toàn để sử dụng vào năm 2016.
Đại sứ Shear cho biết: "Quá trình này dùng sức nóng để phân hủy dioxin trong đất bị ô nhiễm và làm cho đất đạt các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và Hoa Kỳ cho những người dân sinh sống và làm việc tại khu vực này."
Một số người tán dương dự án này như một bước ngoặt cho cả hai chính phủ sau nhiều năm tranh cãi với nhau.
Chất dioxin trong đất ở đây là một di sản của quá khứ đau buồn mà chúng ta cùng chia sẻ, nhưng dự án chúng ta tiến hành hôm nay là một dấu hiệu của tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng...Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear
Trong 13 năm qua, Hoa Kỳ đã cung cấp 54 triệu đô la để giúp người khuyết tật ở Việt Nam, nhưng không dành riêng cho những vấn đề sức khỏe dính líu tới Hóa Chất Da Cam.
Ông Mai Thế Chính là người đứng đầu ban thông tin của Hiệp hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, gọi tắt là VAVA. Ông nghĩ rằng những gì mà Washington đã làm là chưa đủ.
Ông Chính nói: "Tôi thấy rằng phía Mỹ chưa làm đủ. Bởi vì về việc thanh lý điểm nóng họ mới đang làm ở Đà Nẵng, còn rất nhiều điểm nóng khác. Nhưng điều quan trọng là 3 triệu người Việt Nam nạn nhân chất độc da cam đang sống cuộc sống rất khổ sở: bệnh tật, đói nghèo."
Một số viện mồ côi ở Việt Nam đã nhận nuôi nhiều trẻ em tàn tật để cố ý nêu bật điều mà phía Việt Nam nói có ít nhất 300,000 trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh vì ảnh hưởng của chất da cam.
Làng Hòa Bình Thanh Xuân ở ngoại ô Hà Nội là nơi nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em như vậy. Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết nguồn tài trợ của trung tâm này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
Bà Phương nói: "Cuộc sống của các cháu là nạn nhân của chất độc da cam ở Làng Hòa Bình Thanh Xuân còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì cũng trong bối cảnh chung của suy thoái kinh tế của cả thế giới, mà Việt Nam còn là một trong những nước đang phát triển mà nạn nhân của chất độc da cam còn rất nhiều. Hơn thế nữa, vì những đối tượng cần trợ cấp của Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Chính vì vậy mà có lẽ họ đang gặp rất nhiều khó khăn, trông chờ sự giúp đỡ của những người có lương tri trên thế giới."
Bà Phương cũng cho biết trung tâm bà nhận được sự giúp đỡ của một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, trong đó có một số người mà bản thân họ đã phơi nhiễm với chất da cam và con cái họ bị khuyết tật bẩm sinh.
Theo ước tính của Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về Hóa Chất Da Cam/Dioxin, cần có khoảng 450 triệu đô la để hoàn tất việc dọn sạch các điểm nóng và cung cấp sự chăm sóc và giáo dục cùng với cơ hội kinh tế cho những người bị ảnh hưởng. Một số nhà quan sát nói rằng dự án dọn sạch dioxin ở Đà Nẵng là một bước nhỏ nhưng vô cùng quan trọng để góp phần chữa lành vết thương chiến tranh, gần 40 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt.