Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ bắt đầu thu dọn ‘chất da cam’ tại Việt Nam


Ông Charles Bailey, Giám đốc Chương trình Chất da cam tại Việt Nam thuộc Viện Aspen, đơn vị đồng chủ tọa Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về Chất da cam
Ông Charles Bailey, Giám đốc Chương trình Chất da cam tại Việt Nam thuộc Viện Aspen, đơn vị đồng chủ tọa Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về Chất da cam
Ngày 9/8, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu công tác thu dọn những gì còn đọng lại từ hóa chất dioxin độc hại trong chất da cam diệt cỏ mà lực lượng Hoa Kỳ đã rải xuống các khu rừng trong thời chiến tranh Việt Nam. Độc chất này được tìm thấy tại các căn cứ không quân trước đây của Hoa Kỳ tại Việt Nam và có liên hệ tới các chứng bệnh và những ca dị tật bẩm sinh. Thông tín viên Daniel Schearf tường trình từ Bangkok về tầm quan trọng của công tác thu dọn chất dioxin và các hậu quả của chất này tại Việt Nam cho tới ngày hôm nay đối với sức khỏe con người.

Giới hữu trách Việt Nam và Hoa Kỳ hôm 2/8 phát động dự án thu dọn một căn cứ không quân của Mỹ trước đây ở Đà Nẵng bị ô nhiễm dioxin.

Căn cứ thời chiến tranh Việt Nam này là một trong các địa điểm được dùng để trữ chất da cam, một loại thuốc diệt cỏ có kèm phụ chất chứa độc tố cao là dioxin.

Hóa chất làm rụng lá này đã diệt hàng triệu mẫu rừng và được cho là có liên hệ tới các chứng bệnh như tiểu đường, ung thư, và dị dạng bẩm sinh.

Tuy nhiên, các nỗ lực thu dọn dioxin đã bị trì trệ do các nghi ngờ về bằng chứng khoa học cũng như các quan ngại về trách nhiệm pháp lý và các mối liên hệ ngoại giao.

Ông Charles Bailey là giám đốc Chương trình Chất da cam tại Việt Nam thuộc Viện Aspen, đơn vị đồng chủ tọa Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về Chất da cam.
Ông Bailey cho rằng công tác thu dọn đánh dấu một bước ngoặc lịch sử và nhờ vào nỗ lực của cả hai chính phủ:

“Vì cả đôi bên đã đi một đoạn đường dài từ chỗ không thể nhất trí về hầu hết các khía cạnh của vấn đề này cho tới chỗ thực hiện thành công tất cả các công việc kỹ thuật trong nhiều năm trời để cuối cùng nhất trí với nhau về phương cách tiêu hủy dứt khoát một lần.”

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID đang giám sát hoạt động thu dọn tại Đà Nẵng, nơi được cho là điểm nóng nhất trong số 28 địa điểm bị ô nhiễm dioxin tại Việt Nam.

Công tác xử lý ô nhiễm bao gồm tiến hành các cuộc thử nghiệm, thu thập các mẫu đất bị ảnh hưởng, đun nóng với nhiệt độ cao để đốt cháy hoàn toàn các chất dioxin còn sót lại.

Sân bay Đà Nẵng vẫn hoạt động cho nên dự án kéo dài 4 năm trị giá 43 triệu đô la phải được tiến hành hết sức cẩn thận.

Những nơi khác từng là căn cứ không quân của Hoa Kỳ tại Việt Nam dự kiến sẽ được thu dọn chất dioxin trong vài thập niên tới, xóa sạch các vết tích bị ô nhiễm dioxin nặng nề nhất.

Tuy nhiên, ông Bailey nói sau công tác thu dọn, vấn đề lớn hơn là giúp đỡ cư dân và con cháu của họ, những người có các vấn đề về sức khỏe liên quan tới chất da cam:

“Đối với họ, đặc biệt là trẻ em và người trẻ bị sinh ra với các dị tật, thì các nỗ lực trọng tâm là các chương trình giúp họ có cuộc sống dễ chịu hơn, được tôn trọng nhân phẩm hơn để họ đạt được những gì trong khả năng của họ, và để họ phụ giúp gia đình họ.”

Việt Nam cho biết hiện có ít nhất 3 triệu người sinh sống gần các căn cứ bị phơi nhiễm với chất da cam và số này có tỷ lệ bị bệnh tật và các dị tật bẩm sinh cao hơn.

Các gia đình bị ảnh hưởng này có tỷ lệ nghèo túng cao hơn vì chi phí chăm sóc sức khỏe tăng mà thu nhập của họ lại giảm.

Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về Chất da cam/Dioxin ước tính cần có 450 triệu đô la để hoàn toàn khử sạch dioxin tại các điểm nóng và cung cấp sự chăm sóc, giáo dục, cơ hội kinh tế cho những người bị ảnh hưởng.

Tính tới nay đã quyên được khoảng 100 triệu đô la từ các tổ chức Hoa Kỳ, các cơ quan Liên hiệp quốc, và từ các chính phủ trong đó có chính phủ Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG