Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ, LHQ lo ngại tình hình nhân đạo ở miền Tây Miến Điện


Nhân viên tổ chức phi chính phủ rời Sittwe về đến Rangoon 27/3/14
Nhân viên tổ chức phi chính phủ rời Sittwe về đến Rangoon 27/3/14
Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ Miến Điện cho phép các tổ chức cứu trợ quốc tế trở lại bang Rakhine là nơi tình hình hay thay đổi tại miền tây Miến Điện.

Tất cả các tổ chức cứu trợ quốc tế cũng như các nhân viên của Liên Hiệp Quốc được di tản khỏi vùng này hồi tuần trước sau khi các đám đông tấn công các tòa nhà thuộc một tổ chức cứu trợ nước ngoài.

Hôm thứ Năm, phát ngôn nhân Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Miến Điện, ông Andrew Leahy, nói với đài VOA rằng trong khi chính phủ Washington muốn thấy các hạn chế du hành được bãi bỏ, thì việc chỉ cho phép các nhân viên cứu trợ trở lại Rakhine là không đủ. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng những gì chúng tôi đã thấy nhiều lần tại bang Rakhine là một môi trường khó hoạt động đối với các nhân viên cứu trợ nhân đạo và các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Đặc biệt là những người cung cấp dịch vụ cho thành phần dân chúng dễ bị ảnh hưởng bất lợi. Và chúng tôi muốn biết chắc rằng các tổ chức này có điều kiện an ninh mà họ cần để cung cấp sự trợ giúp nhân đạo quan trọng này.”

Trong khi đó, văn phòng của Liên Hiệp Quốc phụ trách công tác điều phối vấn đề nhân đạo (UN-OCHA) nói rằng họ e ngại về ảnh hưởng nhân đạo đối với người dân trong bang Rakhine. Phát ngôn nhân Pierre Peron nói với đài VOA rằng ông đã nhìn thấy ảnh hưởng đối với dân chúng ở Rakhine.

Các giới chức Miến Điện nói rằng các vụ bạo động xảy ra hồi tuần trước, sau khi một nhân viên làm việc cho tổ chức Malteser International kéo một lá cờ Phật Giáo phía trước cơ sở của tổ chức này tại thị trấn Sittwe xuống. Các tín đồ Phật giáo treo cờ trong làng này như là một phần trong việc phản đối nhắm vào nhóm thiểu số Hồi Giáo Rohingya.

Tình hình bạo động giữa các tín đồ Phật Giáo và Hồi Giáo đã nổ ra tại bang Rakhine năm 2012 và kể từ đó đã lan ra những nơi khác tại nước này. Cuộc giao tranh giáo phái này đã khiến ít nhất 240 người thiệt mạng và 140 000 người khác phải dời cư, chủ yếu là người Hồi Giáo Rohingya, những người còn được chính phủ Miến Điện gọi là người Bengali.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG