Giới hữu trách Ấn Độ mới đây đã bắt đầu đóng dấu bản đồ của mình vào thị thực nhập cảnh cấp cho người Trung Quốc. Hành động trả đũa của New Dehli được thực hiện sau khi Manila và Hà Nội chính thức phản đối việc Trung Quốc cho in trong hộ chiếu mới một bản đồ bao gồm những khu vực mà Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và các nước khác. Các nhà quan sát nói rằng hành động khiêu khích không cần thiết của Bắc Kinh chỉ khuấy động thêm những mối tranh chấp và làm gia tăng sự kháng cự từ các nước láng giềng.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc, trong đó có in chìm tấm bản đồ mà Trung Quốc cho là cương thổ của mình, đã bắt đầu được cấp phát hồi trung tuần tháng 5; và theo ước tính dựa trên số đơn xin hộ chiếu mỗi tháng, cho đến nay Bắc Kinh đã cấp khoảng 6 triệu hộ chiếu mà phía Việt Nam gọi là hộ chiếu lưỡi bò.
Trong bản đồ này, ngoài đường lưỡi bò -- là đường đứt khúc chín đoạn nêu lên yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông, còn có đảo Đài Loan và hai khu vực ở Ấn Độ đang do New Dehli kiểm soát mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình.
Ông John Blaxland, một nhà nghiên cứu về các vấn đề an ninh và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, cho rằng việc in bản đồ như vậy trong hộ chiếu là một thủ đoạn tinh ma. Ông phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:
"Điều này trên cơ bản sẽ buộc các nước có yêu sách chủ quyền thừa nhận yêu sách của Trung Quốc qua việc đóng dấu vào hộ chiếu mới. Đây là một việc làm khá tinh ranh. Nhưng nó sẽ làm cho nhiều người bực bội và làm gia tăng sự kháng cự của các nước láng giềng đối với cách thức mà Trung Quốc sử dụng để đạt được mục tiêu của mình ở Biển Đông."
Sự kháng cự mà ông Blaxland nói tới đã được thể hiện qua những hành động trong vài ngày qua của các chính phủ Việt Nam, Philippines, Ấn Độ và Đài Loan.
Bên cạnh việc gởi công hàm ngoại giao để phản đối, giới hữu trách Hà Nội đã quyết định chỉ cấp thị thực nhập cảnh cho du khách Trung Quốc trên tờ rời chứ không đóng dấu vào hộ chiếu mà họ cho là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam của Đại học New South Wales, cho đài VOA biết rằng tin về hộ chiếu mới của Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận Việt Nam, là nước đang chịu áp lực nặng nhất trước những hành động hung hãn của Bắc Kinh ở Biển Đông trong những năm gần đây.
Ông nhận xét như sau về điều mà một số nhà phân tích nói là hành vi khiêu khích không cần thiết của Trung Quốc:
"Đây chỉ là một trò chính trị khác nữa của Trung Quốc hay một sự khẳng định dần dần về quyền quản hạt của họ. Điều này không hề thay đổi thực tế tại chỗ. Vấn đề giờ đây tùy thuộc vào việc Việt Nam và Philippines có muốn làm cho tình hình leo thang hơn mức hiện nay hay không. Bản đồ quan phương có thể được sản xuất để khẳng định yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa thông qua hãng hàng không Việt Nam. Vietnam Airlines đã có bản đồ nêu rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Cho nên hộ chiếu này chỉ là một hành động khác nữa của Trung Quốc để chứng tỏ quyền quản hạt trong một nỗ lực đang tiếp diễn để tìm cách khẳng định chủ quyền và quyền quản hạt của mình."
Trong khi đó, tại Manila, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã kháng nghị với đại sứ quán Trung Quốc và tố cáo Bắc Kinh vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Raul Hernandez khẳng định Philippines không thừa nhận bất cứ công dân Trung Quốc nào sử dụng hộ chiếu lưỡi bò.
Tại New Dehli, giới hữu trách Ấn Độ đã bắt đầu đóng dấu bản đồ của mình lên thị thực nhập cảnh cấp cho người Trung Quốc. Bản đồ này cho thấy hai khu vực Arunachal và Aksai Chin là thuộc về Ấn Độ.
Tại Đài Bắc, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc – là chính phủ đã vạch ra đường lưỡi bò vào năm 1947, cũng chỉ trích việc Bắc Kinh in đảo Đài Loan và hai thắng cảnh du lịch của đảo quốc này trong hộ chiếu mới. Tổng thống Mã Anh Cửu tuyên bố Bắc Kinh không nên “đơn phương gây tổn hại cho sự ổn định phải vất vả lắm mới có được ở eo biển Đài Loan.”
Ủy ban Hoa lục của nội các Đài Loan cho biết chính phủ ở Đài Bắc không chấp nhận bản đồ này và tố cáo Trung Quốc đã bất chấp sự thật và khuấy động những vụ tranh chấp.
Về phần Nhật Bản, là nước đang xảy ra một vụ đối đầu rất căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền của một dãy đảo không người ở ở Biển Đông Trung Hoa, một viên chức của bộ ngoại giao ở Tokyo nói rằng Nhật Bản đã chú ý tới việc quần đảo Senkaku không nằm trong bản đồ đó nên không bình luận hay than phiền gì.
Ông Michael deGolyer, giáo sư chính trị học của Đại học Báp tít Hồng Kông, cho biết ý kiến như sau về việc Trung Quốc không bao gồm quần đảo Điếu Ngư trong bản đồ trong hộ chiếu mới:
"Họ có ý chọn Việt Nam và Philippines làm đối tượng để gây gỗ vì hai nước này yếu hơn và cả hai đều có một quá khứ có nhiều vấn đề với Hoa Kỳ. Trong khi đó, quan hệ giữa Nhật Bản với Hoa Kỳ khá vững mạnh và đặt cơ sở trên một hiệp ước phòng thủ chung. Nếu họ có những hành vi mạnh tay với Nhật Bản để khẳng định yêu sách như hiện nay thì chắc chắn sẽ có sự leo thang căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, và đó là điều mà hiện giờ Trung Quốc đang muốn né tránh."
Sẽ là một điều thiếu khôn ngoan nếu chúng ta nghĩ rằng có một sự khác biệt lớn ở Trung Quốc giữa giới lãnh đạo cũ và giới lãnh đạo mới
Vụ xích mích liên quan tới hộ chiếu lưỡi bò bùng ra không lâu sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo mười năm một lần. Một số các nhà phân tích nói rằng hàng ngũ lãnh đạo mới của ông Tập Cận Bình, một nhân vật tương đối cởi mở hơn so với người tiền nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào, có thể sẽ có thái độ mềm mỏng hơn trong những vụ tranh chấp chủ quyền.
Giáo sư deGolyer không tán đồng nhận định này:
"Đó là một điều hiện chưa rõ ràng. Nhưng theo tôi, sẽ là một điều thiếu khôn ngoan nếu chúng ta nghĩ rằng có một sự khác biệt lớn ở Trung Quốc giữa giới lãnh đạo cũ và giới lãnh đạo mới. Bởi vì đây chỉ là một quá trình duy trì quyền lực và ảnh hưởng của những nhân vật lãnh đạo trên danh nghĩa là đã về hưu. Thí dụ như trong cuộc chuyển giao vừa rồi, chúng ta thấy ông Giang Trạch Dân tuy đã nghỉ hưu cả mười năm nay nhưng ông ấy cũng đã phát huy những ảnh hưởng rất lớn trong hàng ngũ lãnh đạo được cho là mới. Vì vậy, khi cho rằng những việc này được thực hiện bởi chế độ cũ, người ta có lẽ muốn chừa chỗ cho việc giảm thiểu tranh chấp trong tương lai. Nhưng khó lòng có thể nói là đây là việc làm của chế độ cũ và chế độ mới không có một lập trường như vậy. Thực tế là cả hai đều có chung một lập trường."
Giáo sư Blaxland của Đại học Quốc gia Australia cũng cho rằng hộ chiếu lưỡi bò là một phần của mưu đồ lâu dài của Trung Quốc. Ông nói thêm như sau:
"Chúng ta mới chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo ở Trung Quốc. Họ có thể chờ đợi. Họ có thể hành động một cách khoan thai, chậm rãi và dần dà đạt được mục tiêu của họ. Nhưng chưa có nước nào thật sự sẵn sàng để đối phó với vấn đề này một cách nghiêm túc. Philippines đang nói tới việc mua sắm thêm các loại khí tài quân sự và gia tăng quyền tiếp cận của hải quân và không quân Mỹ. Nhưng điều không may là những việc đó không có nhiều hiệu quả."
Hôm thứ 6 vừa qua (23-11-2012), bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng bản đồ trong hộ chiếu mới “không nhắm vào một nước cá biệt” và “Trung Quốc sẵn lòng thảo luận với các nước liên hệ.”