Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ có hiệu lực về mặt pháp lý vào ngày 4/11, theo loan báo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm 5/10, sau khi có thêm 9 quốc gia phê chuẩn hiệp ước.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt ký tại Paris vào tháng 4 nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, đa số được tạo ra từ việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá hoặc khí thiên nhiên. Đa phần các nhà khoa học cho rằng sự tích tụ của khí CO2 và các loại khí nhà kính khác trong bầu khí quyển của trái đất gây ra hiện tượng trái đất ấm dần lên, vốn đã tăng tốc trong những năm gần đây.
Canada, Nepal và 7 nước Liên hiệp châu Âu đã phê chuẩn hiệp ước hôm 5/10, nâng tổng số chính phủ đã phê duyệt hiệp ước này lên thành 62. Gần 200 nước đã ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiệp định có hiệu lực 30 ngày sau khi Liên Hiệp Quốc chứng nhận rằng ít nhất 55 quốc gia chịu trách nhiệm ít nhất 55% ô nhiễm trên thế giới đã phê chuẩn hiệp ước.
Ngưỡng quy định đó đã đạt được hôm 5/10 sau khi Liên hiệp châu Âu chịu trách nhiệm 10% ô nhiễm trên thế giới và 7 nước thành viên xác nhận họ đã phê chuẩn thỏa thuận. Những nước còn lại đã phê chuẩn thuộc liên minh các nước gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới (dẫn đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc) cùng các đảo quốc bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao.
Hiệp định Paris yêu cầu tất cả các quốc gia phải cắt giảm lượng khí thải đủ để giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 độ C.
Trái đất ấm hơn cũng có nghĩa là sẽ có những kiểu thời tiết thay đổi như sẽ xuất hiện những cơn bão mạnh hơn và những chu kỳ lũ lụt, hạn hán rõ rệt hơn tại một số nơi trên thế giới.