Đường dẫn truy cập

Hội đồng Bảo an LHQ hứa sẽ có 'biện pháp' đối với Bắc Triều Tiên


Ngoại trưởng Kim Sung-hwan của Nam Triều Tiên tuyên bố Bắc Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào của hành động khiêu khích này.
Ngoại trưởng Kim Sung-hwan của Nam Triều Tiên tuyên bố Bắc Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào của hành động khiêu khích này.

Chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên

Chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên:

Tháng 12, 1985: Ðồng ý với Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân.
Tháng 8, 1998: Phóng thử nghiệm Taepodong-1, hỏa tiễn tầm xa đầu tiên của BTT.
Tháng 9, 1999: Cam kết đình chỉ các cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa vào lúc cải thiện bang giao với Hoa Kỳ.
Tháng 1, 2003: Loan báo rút ra khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến Hạt nhân.
Tháng 3, 2005: Chấm dứt việc đỉnh chỉ thử nghiệm phi đạn, quy lỗi cho chính sách “thù nghịch” của Hoa Kỳ.
5 tháng 7, 2006: Phóng thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa Taepodong-2, thất bại chưa đầy 1 phút sau khi phóng.
15 tháng 7, 2006: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình phi đạn.
9 tháng 10, 2006: Thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên dưới mặt đất.
15 tháng 10, 2006: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn, cấm bán vũ khí.
5 tháng 4, 2009: Phóng hỏa tiễn tầm xa rơi xuống Thái Bình Dương, Tuyên bố thành công, nhưng Hoa Kỳ nói không có vệ tinh nào được đưa vào quỹ đạo.
13 tháng 4, 2009: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ phóng, siết chặt các biện pháp chế tài. Bình Nhưỡng rời khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên.
Tháng 5, 2009: Thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới mặt đất lần thứ nhì.
Tháng 2, 2012: Thông báo đình chỉ các chương trình hạt nhân và phi đạn tầm xa để đổi lấy viện trợ lương thực của Hoa Kỳ.
Tháng 4, 2012: Phóng hỏa tiễn tầm xa, nổ tung ngay sau khi cất cánh.
Tháng 12, 2012: Phóng hỏa tiễn Unha-3, và tuyên bố đưa thành công vệ tinh vào quỹ đạo.
Tháng 1, 2013: Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ phóng hỏa tiễn tháng 12, Bắc Triều Tiên nói sẽ thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba.
Tháng 2, 2013: Thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba.
Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên và cho biết sẽ bắt đầu làm việc ngay về các “biện pháp thích nghi” dưới hình thức một nghị quyết của hội đồng. Thông tín viên VOA Margaret Besheer tường trình từ trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Bắc Triều Tiên xác nhận đã thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào ngày hôm nay, thứ ba. Hành động này bất chấp nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và đã bị Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên, Trung Quốc và các nước khác lập tức lên án.

Ngoại trưởng Kim Sung-hwan của Nam Triều Tiên, là nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng này, đã có mặt tại trụ sở LHQ trong ngày hôm nay để chủ tọa một cuộc họp khác của hội đồng. Ông nói với các phóng viên sau một phiên họp khẩn về vụ thử nghiệm hạt nhân rằng các vụ phóng phi đạn tầm xa mới đây của Bình Nhưỡng đề ra một thách thức trực tiếp với cộng đồng quốc tế và là một mối đe dọa không thể chấp nhận được cho hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên ở vùng đông bắc châu Á.

Ông Kim tuyên bố: “Bắc Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào của hành động khiêu khích này.”

Ông cho biết chính phủ nước ông sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác để chứng kiến “mọi biện pháp cần thiết” được áp đặt để Bắc Triều Tiên phải từ bỏ mọi tham vọng hạt nhân của họ.

Ðại sứ Hoa Kỳ Susan Rice nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ và các đối tác sẽ thảo luận việc siết chặt và tăng cường điều bà mô tả là một chế độ “chế tài vốn dĩ đã khá mạnh” đối với Bắc Triều Tiên. Bà nói thêm rằng các quốc gia này sẽ chú ý xem liệu vụ thử nghiệm lần thứ ba này có khác với hai vụ thử nghiệm trước đây hay không về mức độ thành công hay về phẩm chất của vụ thử nghiệm.

Bà Rice nói: “Tuy nhiên, cho dù hậu quả ra sao thì cộng đồng quốc tế, hội đồng này, đã bầy tỏ rất rõ: Các hành động của Bắc Triều Tiên là một mối đe doạ cho hòa bình và an ninh khu vực, hòa bình và an ninh quốc tế, và là điều không thể chấp nhận được, các hành động này sẽ không thể được dung thứ, và sẽ bị đáp lại bằng sự kiện Bắc Triều Tiên bị cô lập thêm và áp lực chế tài của Liên Hiệp Quốc.”

Ðại sứ Hoa Kỳ Susan Rice nói Mỹ và các đối tác sẽ thảo luận việc siết chặt chế tài đối với Bình Nhưỡng.
Ðại sứ Hoa Kỳ Susan Rice nói Mỹ và các đối tác sẽ thảo luận việc siết chặt chế tài đối với Bình Nhưỡng.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, bản thân là một cựu ngoại trưởng của Nam Triều Tiên, gọi vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng là “khủng khiếp” và “vô trách nhiệm,” và nói rằng nó chứng tỏ sự trắng trợn coi thường lời kêu gọi liên tục của cộng đồng quốc tế yêu cầu Bắc Triều Tiên tự chế trước các hành động khiêu khích thêm.

Ông Ban Ki-moon nói: “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là nước duy nhất thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân trong thế kỷ thứ 21. Nhà cầm quyền ở Bình Nhưỡng không nên mang ảo tưởng rằng vũ khí hạt nhân sẽ tăng cường được nền an ninh của họ. Ngược lại, trong khi theo đuổi vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng sẽ chỉ gánh chịu thêm sự bất an và cô lập.”

Tại Bắc Kinh, Bộ ngoại giao đã triệu đại sứ Bắc Triều Tiên đến để phản đối diễn biến mới đây.

Cơ quan có trụ sở ở Vienna có nhiệm vụ theo dõi Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân nói vụ thử nghiệm hôm nay lần gần gấp đôi vụ thử nghiệm năm 2009 và lớn hơn nhiều so với vụ thử nghiệm năm 2006.

Các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ nay bắt đầu soạn thảo một nghị quyết có phần chắc sẽ bao gồm các biện pháp chế tài mới nhắm vào đất nước nghèo khó này. Nhưng các biện pháp sẽ gắt gao đến mức nào còn tuỳ thuộc phần lớn vào những gì mà nước đồng minh có quyền phủ quyết của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận.

VOA Express

XS
SM
MD
LG