Cuộc vận động ký Thỉnh nguyện thư gửi tổng thống và những nhà lãnh đạo ngành lập pháp Hoa Kỳ nhằm vận động cho dân chủ ở quê nhà đã thu được 143.500 chữ ký chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng là một thắng lợi vượt dự kiến của đông đảo bà con Việt Nam ta.
Tòa Bạch ốc đã mở cửa đón tiếp 165 đại biểu cộng đồng, sau đó Thượng viện và Hạ viện cũng tiếp đón 40 đoàn đại biểu người Mỹ gốc Việt đến từ 50 bang của Hoa Kỳ. Chưa bao giờ cuộc vận động của bà con ta lại sôi nổi, nhất hô bá ứng, rầm rộ và gây ấn tượng mạnh đến thế.
Tuy nhiên đã có những điều đáng tiếc. Đó là Tổng thống Barack Obama trong ngày 4/3 lại bận một công việc quan trọng là tiếp thủ tướng Israel, cùng lúc có hơn 1.000 người gốc Do Thái cũng đến vận động tại Tòa Bạch ốc, nên tổng thống không thể để thì giờ trực tiếp gặp đoàn Việt Nam. Thay vào đó tổng thống và Bộ Ngoại giao đã cử một số viên chức cao cấp, cấp chánh văn phòng và trợ lý bộ trưởng ngoại giao đón tiếp, lắng nghe, ghi nhận, đối thoại nhiệt tình, chu đáo với đoàn Việt Nam.
Điều trên đây làm cho một số người nản lòng, buồn chán, thậm chí có người vào Nhà Trắng rồi giận dữ bỏ về. Chỉ vì trước đó đã có tin đồn không căn cứ rằng có phần chắc chắn tổng thống B. Obama sẽ tiếp và đối thoại với đoàn. Từ trong nước cũng có anh chị em do đặt kỳ vọng quá cao, hy vọng chính quyền Hoa Kỳ lần này sẽ có biện pháp trừng phạt ngay chính quyền «hèn với giặc, ác với dân», nên cũng nản lòng, tỏ ra thất vọng, giảm niềm tin ở những biện pháp đấu tranh ký kiến nghị, kể cả ký kiến nghị với quốc tế và kiến nghị với nhà cầm quyền trong nước.
Tất cả chúng ta, những người tha thiết đấu tranh cho quyền sống trong tự do, nhân phẩm của dân ta, những người dấn thân cho sự nghiệp gay go cao quý là sự nghiệp dân chủ hóa nên nhìn nhận ra sao trước tình hình trên đây? Có nên để cho mình chán nản, ngã lòng, thối lui hay không?
Tôi thấy chúng ta nên trao đổi, động viên, giữ vững tinh thần cho nhau, bình tĩnh rút kinh nghiệm để tiến lên, nhận ra những mặt tích cực của tình hình để kiên định niềm tin, để sắp tới khi cần một kiến nghị mới, sẽ có thể đạt con số người hưởng ứng cao hơn, với thời gian ngắn hơn, khi phương tiện internet được tận dụng rộng rãi hơn.
Cũng không nên so sánh số người ký kiến nghị ở trong nước với số người ký kiến nghị ở hải ngoại. Để rồi có phần nản chí cho rằng người trong nước còn quá nhiều sợ hãi, ngần ngại, sợ mang vạ vào thân, do đó số đông vẫn còn như thờ ơ, đứng ngoài cuộc. Tôi từng ở trong nước nên thấy rất rõ những bước tiến tuần tự, vững chắc của dân trí trên lĩnh vực đấu tranh cho tự do và dân chủ trong những năm gần đây.
Thời gọi là «chống nhân văn giai phẩm» hơn 50 năm trước, khi nhà văn Phùng Quán đang nổi tiếng do tác phẩm Vượt Côn Đảo bị buộc tội có quan hệ với những người mà chính quyền, gọi là «nhóm phản động chống đảng» này, lập tức không ai dám gặp anh. Ở trên đường Lý Nam Đế, nơi đặt trụ sở báo Văn nghệ Quân đội, bạn cũ thấy anh từ xa đã sang bên kia đường để tránh mặt, khỏi phải chào hỏi nhau. Vào nhà ăn tập thể của tòa soạn, không ai dám ngồi cùng mâm, cùng bàn với anh. Cũng không ai dám trao đổi với nhau về vụ án, về các nhân vật đã được nêu tên trên báo chí. Bao nhiêu bạn bè, láng giềng, thậm chí anh chị em ruột, cho đến cả vợ chồng con cái cũng có người lãng tránh, lạnh nhạt và cắt đứt. Cái não trạng ấy bây giờ nhìn lại sao mà thấy tệ hại, bất nhân đến thế.
Sở dĩ như thế chỉ vì mọi người bị đảng nhào nặn không còn ra con người, thành cái bóng của chính mình, coi đảng là thần thánh, luôn luôn tuyệt đối đúng, là chân lý thiêng liêng, chống đảng là tội lớn không thể có tội nào lớn hơn.
Còn bây giờ ư? Thời cuộc đã đổi thay. Và đổi thay nhiều.Hai mươi năm trước đã có đổi thay chút ít, nay đã đổi nhiều hơn. Năm năm vừa qua lại đổi thêm nữa. Và nếu nhìn kỹ 2 năm nay sự đổi thay đã tăng tốc độ. Năm 2011 là một năm đặc biệt, chưa từng có.
Kiến nghị về ngừng khai thác bauxite đạt hàng nghìn chữ ký là một nét đẹp, một kết quả, một thành công, một cú hích quan trọng cho sự thức tỉnh tập thể, một cuộc đồng khởi tinh thần mãi mãi được ghi vào lịch sử. Dù cho lãnh đạo ù lỳ, trơ tráo, ngang ngược, làm ngơ không nghe theo điều phải, nhưng họ lo, họ sợ, họ bị động, lúng túng, họ đang như ngồi trên lửa vì vấn đề đang diễn ra, còn nguyên vẹn, thậm chí thực tế còn sẽ phơi bày hiển nhiên sai lầm của họ. Như trên sàn đấu vật, họ vẫn còn đang cầm cự, nhưng sắp thở hắt ra và rồi sẽ đến lúc bị hạ đo ván trên sàn đấu chiến lược Tây Nguyên này.
Kiến nghị tập thể là một hình thức đấu tranh nhưng không phải là hình thức đấu tranh duy nhất. Xin chớ ai thấy nó mới chỉ đạt mức 2 ngàn chữ ký trong nước coi mức đó là đụng trần để mà hắt hủi nó, đi tìm hình thức khác. Từ bỏ hình thức kiến nghị, «chia tay, từ bỏ thí nghiệm này», do chưa có hiệu quả mong muốn là vô tình rơi vào mong muốn của giới cầm quyền, là thái độ đơn giản, phủ định dễ dãi một hình thức đấu tranh lợi hại, cũng là một lập luận bất nhã và bất nhân, thiếu công bằn, vô tình phủ định tâm huyết và trí tuệ của hàng ngàn công dân tiên tiến hiếm có của đất nước. Kiến nghị tập thể đâu còn là ở thời kỳ thí nghiệm, nó đã nghiễm nhiên tự khẳng định là một hình thức đấu tranh rất lợi hại để phổ cập chính kiến có tình có lý, có lợi cho đất nước và nhân dân, vạch mặt những thế lực cầm quyền quan liêu ích kỷ, mỵ dân, bị nước ngoài khống chế, trước nhân dân và thế giới.
Một hình thức đấu tranh khác là tập trung đông người, là biểu tình, là diễu hành trên các đường phố, ôn hòa, có trật tự, với những khẩu hiệu, tranh ảnh, bài hát thích hợp. Trong năm 2011 đã có 10 cuộc xuống đường, cũng là lên đường trong 10 Chủ nhật nối tiếp nhau, ở giữa thủ đô Hà Nội cùng lúc với một số cuộc xuống đường ở Sài Gòn, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Nam, Bình Dương, Sóc Trăng…
Một số cuộc tập trung thắp nến, cầu nguyện đông đảo hàng ngàn, hàng vạn người của bà con Công giáo ở Thái Hà (Hà Nội), Xã Đoài (Nghệ An), Tam Tòa (Quảng Bình)…cũng là những hành động tập thể chưa từng có, những năm trước chỉ ở mức vài trăm người, bị đàn áp và giải tán rất sớm.
Hình thức đòi công lý của dân oan, của nông dân bị cướp đất, đòi lại quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất, cũng ngày càng đông đảo, có tổ chức và còn nhiều tiềm lực. Hiện bà con đang tính đến một cuộc xuống đường tập trung vào thời gian tới, dân oan, nông dân mất đất đổ về thủ đô đòi quyền tự do được ghi trong Hiến pháp, trong ôn hòa, trật tự nhưng bền bỉ, quyết tâm cao, cũng là chưa từng có, cả từ ý định đến hành động.
Ngoài ra, phải kể đến hàng ngàn cuộc bãi công từ vài buổi đến vài ngày và vài tuần lễ của nam nữ công nhân trong các công xưởng, nhà máy quốc doanh và của tư bản nước ngoài, đòi tăng lương, tôn trọng nhân phẩm, cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, đòi thành lập công đoàn tự do… về số lượng, quy mô cũng tăng rõ hằng năm.
Tất cả các hình thức trên đây cho ta toàn cảnh đáng tự hào của nhân trí xã hội về quyền sống đang ngày một cao hơn, số lượng và chất lượng đấu tranh cũng ngày một cao hơn, không có hạn độ nào, không có trần nào không chọc thủng được, lại hỗ trợ và thúc đẩy nhau, bảo vệ nhau để cùng phát triển đạt những kỷ lục luôn mới. Nếu cùng một thời điểm, các lực lượng trên đây cùng hành động, thì một cuộc cách mạng sẽ diễn ra, như ở Bắc Phi vậy.
Cũng chưa bao giờ hệ thống thông tin cổ động các cuộc đấu tranh lại năng động, có hiệu quả cao, thúc đẩy phong trào lan rộng như hiện nay. Đó là hệ thống internet, qua hàng triệu máy điện toán lớn nhỏ, các bloggers đông đảo, các mạng thông tin Anh Ba Sàm, Dân Làm Báo, Dân Báo, Dân Luận, Đối Thoại…ăn đứt 700 báo chí, đài truyền thanh truyền hình nhà nước, số người vào đọc gấp mười, gấp trăm báo Nhân dân, lại thêm vô số điện thoại cầm tay nhỏ bé nhiều công dụng.
Chúng ta nên có cách nhìn rộng lớn, bao quát, trong thời gian, không gian, để so sánh, đánh giá, coi mỗi cuộc đấu tranh là một bước đưa thế và lực của quần chúng lên cao thêm một bước, một bậc, một nấc thang nhằm cuối cùng là giành lại quyền tự do đầy đủ cho xã hội công dân. Đó là cái đích ở trên cao, đang ở trong tầm tay của nhân dân ta. Không có lý do gì dân Tunisia, dân Ai Cập, dân Libya đã chuyển đổi được cả hệ thống cầm quyền từ độc đảng tham quyền, tham nhũng sang hệ thống dân chủ đa đảng với hệ thống Hiến pháp và Pháp luật mới…mà dân Việt Nam ta lại không đạt nổi. Dân Miến Điện có gì hơn dân Việt Nam ta mà sao họ lại sung sướng đòi lại được chỉ vài tháng nay một đạo luật về tự do báo chí và truyền thông, một đạo luật nữa về thành lập chính đảng, về thành lập công đoàn tự do, thay đổi tận gốc tình hình đất nước, thực hiện hoà hợp dân tộc để mở ra thời kỳ phát triển.
Chỉ cần nhìn nhận những gì xảy ra trong dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3 cũng đủ thấy so sánh lực lượng ở nước ta đã thay đổi đến mức nào. Một đoàn anh chị em dân chủ lên tận cơ sở Cải tạo ở Thanh Hà (Vĩnh Phú) để tặng hoa cho chị Bùi Minh Hằng. Ban phụ trách đã mở cửa, nhã nhặn đón nhận bó hoa lớn, thư chúc mừng và hứa chuyển ngay cho chị Minh Hằng.
Một buổi gặp mặt công khai trong một nhà hàng lớn giữa Hà Nội đã được thực hiện để biểu dương chị em phụ nữ dấn thân cho dân chủ, cho xã hội công dân, có mặt tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 93 tuổi, đảng viên lão thành, tiến sỹ Nguyễn Quang A, giáo sư Ngô Đức Thọ, luật sư Hà Huy Sơn, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, nữ kiến trúc sư Trần Thanh Vân, nhà văn Võ Thị Hảo, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, nghệ sỹ Tạ Trí Hải… Bộ máy an ninh đồ sộ của đảng cố phá đám mà không phá nổi vì không sai bảo được bên dưới. Nhóm bộ hạ cấp quận chỉ có thể giở trò triệu tập tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà báo Nguyễn Tường Thụy và luật sư Kim Môn là chủ nhà hàng đến cơ quan công an «làm việc», nghĩa là hỏi chuyện vớ vẩn hòng phá đám. Buổi gặp mặt liên hoan vẫn diễn ra, vui vẻ, ấm cúng, có ca hát, ngâm thơ, và cuối cùng anh chị em đã đến trụ sở công an để buộc họ phải thả 3 người nói trên.
Cái phong thái đấu tranh đàng hoàng, công khai, chững chạc, có tình có lý vững vàng, và cái tình nghĩa keo sơn yêu thương gắn bó, bảo vệ nhau như những anh chị em ruột theo truyền thống dân tộc «chị ngã em nâng», «máu chảy ruột mềm» cũng là một nét rất đẹp của phong trào dân chủ gần đây.
Những ngày đầu tháng 3/2012, những tin vui của cộng đồng ta ở Tòa Bạch ốc, ở trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, cũng như tin vui về ngày 8/3 ở trong nước đã củng cố niềm tin, động viên cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền đang từng bước phát triển vững chắc.
Từng bước một, chúng ta khắc đi và khắc đến. Mỗi bước đi lên là một bước trưởng thành, rút ra được những kinh nghiệm bổ ích, làm phong phú thêm hành trang tinh thần và động viên mọi người dấn thân bền bỉ, giành cho được quyền tự do trọn vẹn.
Xin ghi nhớ chế độ độc quyền đảng trị đã thú nhận đảng đã suy thoái, đổ đốn, mất uy tín hơn bao giờ hết, dột từ trên nóc, bộ máy an ninh đang phân hóa, rệu rã, đông đảo nhân dân không còn coi đảng CS là «đảng ta» như xưa, không ít nhân dân đã coi các chiến sỹ dân chủ như luật sư Cù Huy Hà Vũ, tiến sỹ Trần Huỳnh Duy Thức, cô Phạm Thanh Nghiên, cô Bùi Minh Hằng…là người của dân chúng, người của ta, của xã hội công dân đang bước tới từng bước vững chãi.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1