Hàng chục nghìn tấn hạt hạnh nhân của Mỹ được cho là đã vào thị trường Trung Quốc qua ngả Việt Nam, trong khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa hạ nhiệt.
Các nông dân sản xuất hạt hạnh nhân ở Mỹ, nhất là tại tiểu bang California, đang vấp phải khó khăn từ mọi phía. Giá loại hạt này đã giảm hơn 10% trong vòng hai tháng qua vì vụ mùa bội thu cũng như việc Trung Quốc áp thuế nặng, theo Wall Street Journal.
Tin độc quyền: Việt Nam ‘đặt mua’ gần 100 triệu đôla vũ khí Mỹ
Tờ báo này đưa tin, tới gần đây, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu hạnh nhân lớn thứ hai của Mỹ sau Liên hiệp châu Âu.
Trung Quốc giờ áp thêm 50% thuế đối với hạt hạnh nhân nhập khẩu từ Mỹ, và một số doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ mua thêm hạt trồng ở trong nước và từ các nhà sản xuất của nước khác như Australia và châu Phi.
Và một bước lùi nữa đối với các nông dân Hoa Kỳ đó là Trung Quốc đang âm thầm đóng lỗ hổng mà nhiều năm qua một lượng lớn hạt hạnh nhân Mỹ được “tuồn” vào quốc gia đông dân nhất thế giới qua ngả Việt Nam mà không phải chịu thuế nhập khẩu, theo Wall Street Journal.
Bắc Kinh cũng đánh mạnh vào các mặt hàng vận chuyển trái phép vào Trung Quốc, hoặc các hàng hóa được đưa tới các quốc gia khác trước khi nhập vào nước này.
Wall Street Journal nhận định rằng động thái này cho thấy Trung Quốc nỗ lực đảm bảo rằng việc đánh thuế vào các mặt hàng nông nghiệp Mỹ hiệu quả nhất có thể.
Và hạt hạnh nhân nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất và xuất khẩu nhiều nhất loại hạt này với 80% sản lượng xuất xứ từ California.
Tờ báo chuyên về kinh tế và tài chính dẫn lời các nông dân và nhà xuất khẩu nói rằng họ lo ngại về việc đánh thuế cao và các kênh xuất khẩu “cửa sau” bị đóng lại khi việc thu hoạch và vận chuyển bắt đầu.
Theo Wall Street Journal, xuất khẩu hạnh nhân sang Trung Quốc vào tháng Sáu chỉ còn khoảng một nửa so với cùng kỳ một năm trước.
Tờ báo nói rằng trong khi phần lớn hạt hạnh nhân Mỹ được chuyển trực tiếp tới Trung Quốc qua đường chính ngạch hoặc qua Hong Kong, những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đưa một lượng lớn loại hạt này vào Trung Quốc qua ngả Việt Nam bằng đường bộ.
Theo luật, các cư dân địa phương trên các tỉnh biên giới ở Trung Quốc được phép mang theo gần 1.200 đôla giá trị hàng hóa từ Việt Nam sang mà không phải trả thuế nhập khẩu.
Nhưng nay, hạt hạnh nhân đã bị loại khỏi danh sách miễn thuế theo chính sách áp dụng đối với các thị trấn vùng biên.
Wall Street Journal đưa tin rằng không có dữ liệu chính thức về khối lượng hạt hạnh nhân được vận chuyển qua biên giới từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tờ báo này dẫn lời Hiệp hội hạt hạnh nhân của California ước tính rằng gần 20 nghìn tấn hạt Hoa Kỳ xuất sang Việt Nam tính tới tháng Bảy năm 2017 rốt cuộc đã được tiêu thụ ở Trung Quốc.
Trong cùng khoảng thời gian đó, Mỹ đã vận chuyển gần 64 nghìn tấn hạt này tới Trung Quốc và Hong Kong.
Về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại của Hiệp hội hạt Điều Việt Nam, cho rằng, “dù còn khá sớm để đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên nhiều khả năng hạt điều Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh này”.
Hãng tin của nhà nước nói rằng “hiện Mỹ đang là một trong những quốc gia xuất khẩu hạnh nhân đứng đầu thế giới. Do vậy, nếu bị Trung Quốc áp thuế lên sản phẩm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu sản phẩm này của Mỹ”.
“Trong khi đó, hạnh nhân chỉ là một trong 12 loại hạt trong các loại hạt quả khô quốc tế, có thể bị thay thế bằng loại hạt khác khi có giá nhập khẩu quá cao”, VNA nhận định.
“Đây sẽ là cơ hội để ngành điều Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhân điều vào thị trường Trung Quốc”.
Việc vận chuyển hàng hóa qua nước thứ ba là một phần tranh cãi trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hoa Kỳ hồi tháng Năm nâng mức thuế đánh vào thép từ Việt Nam mà Washington nói là xuất xứ từ Trung Quốc.
Hãng Reuters dẫn thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ đưa tin rằng hải quan nước này sẽ thu thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam, nhưng sử dụng vật liệu nền xuất xứ từ Trung Quốc.
Thép chống gỉ từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 40%.
Bộ trên cũng tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam vốn làm từ thép cán nóng từ Trung Quốc.