Hơn 200 tổ chức xã hội dân sự, trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ân xá Quốc tế, ngày 5/5 kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí lên Myanmar để giúp bảo vệ thường dân trong những cuộc biểu tình chống cuộc đảo chánh quân sự.
Kể từ khi quân đội chiếm quyền vào ngày 1/2 và lật đổ chính phủ dân cử do khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi lãnh đạo, Myanmar hàng ngày xảy ra biểu tình và bạo động gia tăng. Hàng trăm thường dân đã thiệt mạng.
“Áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu lên Myanmar là bước cần thiết tối thiểu Hội đồng Bảo an có thể làm để đáp ứng với bạo động leo thang của quân đội,” các tổ chức xã hội dân sự trên toàn thế giới nói trong một tuyên bố chung.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng một hành động như vậy từ 15 thành viên Hội đồng Bảo an khó xảy ra vì Trung Quốc và Nga (vốn cũng có quyền phủ quyết như Mỹ, Pháp và Anh) có truyền thống che chở cho Myanmar.
“Chúng tôi không đồng ý áp đặt chế tài và chúng tôi xem việc này như giải pháp cuối cùng để chăn đứng xung đột,” đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Zhang Jun tuyên bố ngày 3/5 khi được hỏi liệu Bắc Kinh có ủng hộ hành động mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đối với Myanmar hay không.
Kể từ cuộc đảo chánh, Hội đồng Bảo an đã có một vài phiên họp kín về tình hình Myanmar và đưa ra những tuyên bố bày tỏ quan ngại, lên án bạo động chống người biểu tình.
“Thời gian tuyên bố đã qua rồi. Hội đồng Bảo an nên đưa đồng thuận về Myanmar lên một tầm mức mới và nhất trí về những hành động tức thì và toàn diện,” các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi.
“Người dân Myanmar không thể chờ Hội đồng Bảo an hành động lâu hơn nữa.”