Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 30/4 không đồng lòng về một thông cáo chung đối với cuộc khủng hoảng tại Myanmar sau một cuộc họp kín, các nhà ngoại giao đổ lỗi cho Bắc Kinh và Nga vì đã đưa ra các phản đối và thúc đẩy những nội dung văn từ mà họ đề xuất.
Phiên họp do Việt Nam triệu tập để trình bày những kết luận từ hội nghị thưởng đỉnh mới đây của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Indonesia. ASEAN sẽ chỉ định một đặc sứ để giúp giải quyết khủng hoảng do cuộc đảo chánh ngày 1/2 của quân đội Myanmar gây nên.
Trong cuộc họp, Đặc sứ Liên hiệp quốc về vấn đề Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, người đang thị sát khu vực, báo cáo về cuộc gặp với lãnh đạo phe đảo chánh, Tướng Min Aung Hlaing, được tổ chức bên lề hội nghị ASEAN.
Các nhà ngoại giao cho biết yêu cầu của vị đặc sứ này muốn được đến thăm Myanmar một lần nữa bị khước từ.
Trong cuộc họp, Brunei, hiện là chủ tịch ASEAN, đưa ra ý kiến về một chuyến đi thăm chung của đặc sứ Liên hiệp quốc và người tương nhiệm phía ASEAN tới Myanmar.
Một dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, do Anh soạn thảo, không được sự ủng hộ hoàn toàn của Hội đồng.
Một bản sao AFP có được cho thấy bản thảo đó định đưa ra “sự ủng hộ hoàn toàn đối với vai trò trung tâm của ASEAN” và khuyến khích một chuyến thăm như vậy của bà Schraner Burgener “càng sớm càng tốt.”
Dự thảo tuyên bố nói các thành viên Hội đồng Bảo an “một lần nữa mạnh mẽ lên án bạo động chống lại người biểu tình ôn hòa” và “nhắc lại lời kêu gọi quân đội tự chế tối đa.”
Tuy nhiên các nhà ngoại giao cho hay Trung Quốc và Nga bác dự thảo của Anh và đề nghị bản thảo của họ, vốn không thể chấp nhận đối với đa số Hội đồng Bản an.
Hôm 30/4 diễn ra các cuộc thảo luận về việc hòa nhập hai dự thảo tuyên bố, các nhà ngoại giao cho hay.
Có gần 760 thường dân bị cảnh sát và quân đội Myanmar giết chết trong ba tháng qua, theo Hội Hỗ trợ Tù Chính trị.
Hội đồng quân nhân đưa ra con số 258 người chết, tính đến ngày 15/4, và tố cáo người biểu tình “bạo loạn” tham gia những “hành động khủng bố”.