Nam Triều Tiên đang tăng cường các biện pháp an ninh để ngăn chận một vụ tấn công có thể có của nhóm Nhà nước Hồi giáo, sau khi cơ quan tình báo của nước này cảnh báo rằng Nhà nước Hồi giáo có thể nhắm tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ và thường dân trên bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên đài VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.
Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Nam Triều Tiên hôm chủ nhật cho biết Nhà nước Hồi giáo đã công bố danh sách của những mục tiêu có thể bị tấn công khủng bố, trong đó có các cơ sở của Không quân Mỹ và liên minh NATO tại 21 quốc gia cùng với những nhân vật có liên hệ với những cơ sở này.
4 cơ sở quân sự trong danh sách của Nhà nước Hồi giáo là ở Nam Triều Tiên. NIS cho hay danh sách đó bao gồm toạ độ chi tiết và hình ảnh từ Google Maps của các căn cứ Không quân Mỹ ở Osan và Gunsan.
Ban Tham mưu Liên quân Nam Triều Tiên hôm nay nói rằng Seoul đang chia sẻ tình báo và phối hợp chặt chẽ với các giới chức quân sự Mỹ về mối đe dọa khủng bố này.
Người phát ngôn của Ban Tham mưu, ông Jeon Ha Gyu, phát biểu như sau.
"Để tăng cường sự phòng vệ cho các căn cứ của Không quân Mỹ ở Nam Triều Tiên, chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ nếu có sự yêu cầu hợp tác thông qua Bộ Tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp."
Có tin cho hay một người Nam Triều Tiên làm việc cho một tổ chức phúc lợi xã hội cũng nằm trong danh sách của hơn 8.000 người trên thế giới mà Nhà nước Hồi giáo muốn giết hại.
Cảnh sát Nam Triều Tiên cho biết họ đang cung cấp sự bảo vệ của cảnh sát cho những công dân Nam Triều Tiên bị nhắm làm mục tiêu tấn công và đang tăng cường những hoạt động tuần tiễu để ngăn ngừa những vụ tấn công khủng bố.
Thủ tướng Hwang Kyo Ahn hôm nay cũng cho biết trung tâm chống khủng bố của nước ông sẽ tăng cường hoạt động điều tra và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ công chúng.
Tuy Nam Triều Tiên có thái độ rất nghiêm túc trong việc ứng phó với các mối đe dọa khủng bố, các nhà phân tích an ninh cho rằng những phần tử Hồi giáo cực đoan rất khó thực hiện một vụ tấn công ở Seoul.
Ông Daniel Pinkston, giảng viên môn quan hệ quốc tế của Đại học Troy ở Seoul, cho biết như sau.
"Hai miền Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc là những nước có chính phủ mạnh; và các lực lượng cảnh sát, các cơ quan tình báo và khả năng và năng lực để truy tung và theo dõi các tổ chức khủng bố của những nước này là khá mạnh."
Bên cạnh các lực lượng an ninh mạnh mẽ, Nam Triều Tiên cũng có sự hạn chế nghiêm nhặt về súng ống và di trú.
Nam Triều Tiên, cùng với Nhật Bản, đã bị phê phán vì hạn chế người nhập cư từ những nước Hồi giáo đang có xung đột. Hội Ân Xá Quốc Tế năm nay đã chỉ trích Nam Triều Tiên và Nhật Bản là những nước có thu nhập cao nhưng không hề tiếp nhận một người Syria tị nạn nào cả.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên cho biết trong năm vừa qua Nam Triều Tiên đã trục xuất 50 người có dính líu tới các nhóm khủng bố.
Năm 2015, một người Indonesia bị cho là thành viên của nhóm al Nusra ở Syria có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo đã bị tuyên án 8 tháng tù vì các cáo trạng khủng bố. Cảnh sát nói rằng người đàn ông đó nhập cảnh Nam Triều Tiên với hộ chiếu giả, trong nhà có một khẩu súng sở hữu trái phép, và tài khoản ngân hàng có dính líu với một tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Cơ quan tình báo Nam Triều Tiên nói rằng trung tâm chống khủng bố có thể được dùng để theo dõi các nhóm khủng bố đã được cho phép bởi Luật Chống khủng bố mà quốc hội thông qua hồi tháng 3.
Luật Chống khủng bố đã gặp phải sự chỉ trích của một số tổ chức xã hội dân sự vì họ cho rằng luật này quá khắt khe và có thể bị lợi dụng một cách dễ dàng để hạn chế những hoạt động ôn hoà của những người bất đồng chính kiến.