Đường dẫn truy cập

Hạn chót cho kế hoạch an toàn cho các nhà máy ở Bangladesh


Các nhà bán lẻ phương Tây ấn định ngày thứ Tư 15 tháng 5 là hạn chót để ký một thỏa thuận do Tổ chức Lao động Quốc tế, ILO, chỉ đạo để cải thiện điều kiện làm việc tại các xưởng may ở Bangladesh.

Thỏa thuận được đưa ra vào lúc nhà chức trách Bangladesh kết thúc việc tìm kiếm nạn nhân của vụ sập một tòa nhà gần thủ đô Dhaka giết chết 1.127 công nhân may mặc.

Thỏa thuận sẽ đòi hỏi các nhà bán lẻ thanh tra độc lập về an toàn của các xưởng may và chịu các chi phí về sửa chữa và cải tiến.

Tham gia thỏa thuận về an toàn có hệ thống H&M của Thụy Điển, công ty mua quần áo của Bangladesh nhiều nhất, hệ thống C&A của Hà Lan, Inditex, chủ nhân của chuổi các cửa hàng Zara, và hai công ty bán lẻ Anh Primark và Tesco.

Thêm vào đó, Công ty PVH có trụ sở tại New York, là công ty mẹ của Calvin Klein, Tommy Hilfiger và Izod-đồng ý nâng cấp một thỏa thuận tương tự đã đạt được vào năm 2012.

Trong số những công ty đứng ngoài thỏa thuận có công ty bán lẻ khổng lồ Hoa Kỳ Walmart và Gap. Hai công ty này cho biết sẽ phát động chương trình an toàn riêng.

Các giới chức nói có gần 2.500 người được cứu sống kể cả một công nhân may 19 tuổi được tìm thấy hôm thứ Sáu tuần trước, đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát của tòa nhà trong 17 ngày.

Nhà cầm quyền đã bắt giữ ít nhất 9 người có liên hệ đến vụ sập, gồm có chủ nhân của tòa nhà.

Chính phủ Bangladesh cho biết đã đóng cửa 18 xưởng may vì lý do an toàn tiếp sau vụ nhà sập.

Kể từ hôm Chủ Nhật, chính phủ Bangladesh đã loan báo kế hoạch nâng mức lương tối thiểu cho các công nhân may mặc và cho phép dễ dàng thành lập công đoàn.

Tai nạn ngày 24 tháng 4 gần Dhaka gây nên những cuộc biểu tình nhiều ngày của công nhân may mặc phản đối tiền lương và điều kiện làm việc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG