Đường dẫn truy cập

Hamas nói sẽ hạ vũ khí nếu một nhà nước Palestine độc lập được thành lập


Ông Khalil al-Hayya, một quan chức chính trị hàng đầu của Hamas, nói Hamas sẽ hạ vũ khí nếu một nhà nước Palestine độc lập được thành lập.
Ông Khalil al-Hayya, một quan chức chính trị hàng đầu của Hamas, nói Hamas sẽ hạ vũ khí nếu một nhà nước Palestine độc lập được thành lập.

Một quan chức chính trị hàng đầu của Hamas nói với hãng thông tấn AP rằng Hamas sẵn sàng đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn từ 5 năm trở lên với Israel và rằng nhóm này sẽ hạ vũ khí và chuyển đổi thành một đảng chính trị nếu một quốc gia Palestine độc lập được thành lập dọc theo biên giới trước năm 1967.

Những bình luận của ông Khalil al-Hayya trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/4 được đưa ra trong bối cảnh bế tắc trong nhiều tháng đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza. Đề nghị rằng Hamas sẽ giải giáp vũ khí dường như là một sự nhượng bộ đáng kể của nhóm hiếu chiến vốn cam kết hủy diệt Israel.

Nhưng khó có khả năng Israel sẽ xem xét một kịch bản như vậy. Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas sau vụ đột kích đẫm máu của Hamas tại miền nam Israel hôm 7/10/2023 gây ra chiến tranh, và giới lãnh đạo hiện tại của họ kiên quyết phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine trên những vùng đất mà Israel chiếm được trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967.

Ông Al-Hayya, một quan chức cấp cao của Hamas, người đại diện cho các phần tử hiếu chiến Palestine trong các cuộc đàm phán về ngừng bắn và trao đổi con tin, đã đưa ra giọng điệu đôi khi thách thức và đôi khi mang tính hòa giải.

Phát biểu với AP ở Istanbul, ông Al-Hayya cho biết Hamas muốn gia nhập Tổ chức Giải phóng Palestine, do phe Fatah đối thủ đứng đầu, để thành lập một chính phủ thống nhất cho Gaza và Bờ Tây. Ông nói Hamas sẽ chấp nhận “một nhà nước Palestine có chủ quyền hoàn toàn ở Bờ Tây và Dải Gaza cũng như sự trở lại của những người tị nạn Palestine theo các nghị quyết quốc tế,” dọc theo biên giới trước năm 1967 của Israel.

Ông nói, nếu điều đó xảy ra, cánh quân sự của nhóm sẽ giải tán.

Trong những năm qua, Hamas đôi khi đã tiết chế quan điểm công khai của mình về khả năng thành lập một nhà nước Palestine bên cạnh Israel. Nhưng chương trình chính trị của họ vẫn chính thức “từ chối bất kỳ giải pháp thay thế nào cho việc giải phóng hoàn toàn Palestine, từ sông ra biển” - đề cập đến khu vực kéo dài từ sông Jordan đến Biển Địa Trung Hải, bao gồm các vùng đất hiện nay tạo nên Israel.

Ông Al-Hayya không cho biết liệu việc ông ủng hộ giải pháp hai nhà nước có dẫn đến việc chấm dứt xung đột giữa người Palestine với Israel hay là một bước tạm thời hướng tới mục tiêu đã nêu của nhóm là tiêu diệt Israel hay không.

Ông Ophir Falk, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, từ chối đưa ra nhận xét về bình luận của ông Al-Hayya, coi ông là “kẻ khủng bố cấp cao”. Nhưng ông cho biết Hamas đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn trước đó với cuộc tấn công ngày 7/10/2023 vào miền nam Israel, trong đó các phần tử hiếu chiến đã giết chết khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, và đã đưa khoảng 250 con tin vào Gaza.

Theo cơ quan y tế Gaza, các cuộc ném bom và tấn công trên bộ sau đó của Israel đã giết chết hơn 34.000 người Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đồng thời khiến khoảng 80% dân số 2,3 triệu người của Gaza phải di tản.

Ông nói: “Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đặt ra sứ mệnh tiêu diệt khả năng quản lý và quân sự của Hamas ở Gaza, giải phóng con tin và đảm bảo rằng Gaza không gây ra mối đe dọa cho Israel và phần còn lại của thế giới văn minh trong tương lai”. “Những mục tiêu đó sẽ đạt được.”

Không có phản ứng ngay lập tức từ PLO, tức Chính quyền Palestine do Fatah lãnh đạo, chính phủ tự trị được quốc tế công nhận mà Hamas đã lật đổ khi chiếm Gaza năm 2007, một năm sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine. Sau khi Hamas tiếp quản Gaza, Chính quyền Palestine chỉ còn quản lý các khu vực bán tự trị ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.

Chính quyền Palestine hy vọng sẽ thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, phía đông Jerusalem và Gaza - những khu vực bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Trong khi cộng đồng quốc tế hoàn toàn ủng hộ giải pháp hai nhà nước như vậy thì chính phủ theo đường lối cứng rắn của Thủ tướng Netanyahu lại bác bỏ nó.

Gần bảy tháng sau cuộc chiến ở Gaza, các cuộc đàm phán ngừng bắn đã bị đình trệ. Israel hiện đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía nam, nơi có hơn 1 triệu người Palestine chạy trốn đến đó.

Israel cho biết họ đã xóa sổ hầu hết trong số 20 tiểu đoàn Hamas ban đầu kể từ khi bắt đầu chiến tranh, nhưng 4 tiểu đoàn còn lại đang ẩn náu ở Rafah. Israel lập luận rằng một cuộc tấn công vào Rafah là cần thiết để đạt được chiến thắng trước Hamas.

Ông Al-Hayya cho biết một cuộc tấn công như vậy sẽ không thành công trong việc tiêu diệt Hamas. Ông cho biết các liên hệ giữa giới lãnh đạo chính trị bên ngoài với giới lãnh đạo quân sự bên trong Gaza “không bị gián đoạn” bởi chiến tranh và “các liên hệ, quyết định và chỉ đạo được thực hiện thông qua tham vấn” giữa hai nhóm.

Ông khẳng định các lực lượng Israel “chưa phá hủy hơn 20% khả năng của (Hamas), kể cả con người cũng như trên chiến trường”. “Nếu họ không thể kết liễu (Hamas), giải pháp là gì? Giải pháp là đi tới sự đồng thuận.”

Vào tháng 11, lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần đã chứng kiến việc thả hơn 100 con tin để đổi lấy 240 tù nhân Palestine bị giam giữ ở Israel. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và thả những con tin còn lại hiện đang bị đóng băng, khi mỗi bên đều cáo buộc bên kia không nhượng bộ. Nhà trung gian chính Qatar trong những ngày gần đây cho biết họ đang tiến hành “đánh giá lại” vai trò hòa giải của mình.

Hầu hết các quan chức chính trị hàng đầu của Hamas, trước đây có trụ sở tại Qatar, đã rời quốc gia vùng Vịnh này trong tuần qua và tới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 20/4. Ông Al-Hayya phủ nhận việc chuyển văn phòng chính trị chính của nhóm đang được thực hiện và cho biết Hamas muốn thấy Qatar tiếp tục với tư cách là trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán.

Các quan chức Israel và Mỹ đã cáo buộc Hamas không nghiêm túc trong một thỏa thuận.

Ông Al-Hayya phủ nhận điều này, nói rằng Hamas đã nhượng bộ về số lượng tù nhân Palestine mà họ muốn thả để đổi lấy các con tin Israel còn lại. Ông cho biết nhóm này không biết chính xác có bao nhiêu con tin vẫn còn sống ở Gaza.

Tuy nhiên, ông nói Hamas sẽ không lùi bước trước yêu cầu Israel phải ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân hoàn toàn, cả hai điều mà Israel đã từ chối. Israel cho biết họ sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự cho đến khi Hamas bị đánh bại hoàn toàn và sau đó sẽ duy trì sự hiện diện an ninh ở Gaza.

“Nếu chúng ta không được đảm bảo rằng chiến tranh sẽ kết thúc thì tại sao tôi lại giao nộp tù nhân?” thủ lĩnh Hamas nói về những con tin còn lại.

Ông Al-Hayya cũng ngầm đe dọa rằng Hamas sẽ tấn công các lực lượng Israel hoặc các lực lượng khác có thể đóng quân xung quanh một bến tàu nổi mà Mỹ đang nỗ lực xây dựng dọc theo bờ biển Gaza để chuyển viện trợ bằng đường biển.

Ông nói: “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ sự hiện diện nào không phải của người Palestine ở Gaza, dù trên biển hay trên đất liền, và chúng tôi sẽ đối phó với bất kỳ lực lượng quân sự nào có mặt ở những nơi này, dù là Israel hay những nước khác… với tư cách là một thế lực chiếm đóng”.

Ông Al-Hayya cho biết Hamas không hối tiếc về vụ tấn công ngày 7/10/2023, bất chấp sự tàn phá mà nó đã gây ra cho Gaza và người dân ở đây. Ông phủ nhận rằng các chiến binh Hamas đã nhắm mục tiêu vào dân thường trong các cuộc tấn công đó - mặc dù có nhiều bằng chứng ngược lại - và cho biết chiến dịch đã thành công trong mục tiêu đưa vấn đề Palestine trở lại sự chú ý của thế giới.

Và ông nói, những nỗ lực của Israel nhằm tiêu diệt Hamas cuối cùng sẽ thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc nổi dậy vũ trang của người Palestine trong tương lai.

“Cứ cho là họ đã tiêu diệt Hamas. Người Palestine đã biến mất chưa?” ông hỏi.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG