Hôm 18/4, Hoa Kỳ phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ủng hộ rộng rãi, mà nếu không chặn, nó sẽ mở đường cho nhà nước Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, theo AP.
Cuộc bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên có 12 phiếu thuận, Mỹ phản đối và 2 phiếu trắng.
Nếu không bị ngăn lại, nghị quyết khuyến nghị Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên, nơi không có quyền phủ quyết, chấp thuận Palestine trở thành thành viên thứ 194 của LHQ. Khoảng 140 quốc gia đã công nhận nhà nước Palestine, vì vậy việc kết nạp nhà nước này sẽ được chấp thuận.
Đây là nỗ lực thứ hai của phía Palestine nhằm trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, và điều này diễn ra khi cuộc chiến ở Gaza, hiện đã bước sang tháng thứ 7, đã đưa cuộc xung đột kéo dài hơn 75 năm giữa Israel và Palestine đến đỉnh điểm.
Trước cuộc bỏ phiếu, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết Hoa Kỳ “đã nói rất rõ ràng rằng những hành động vội vàng ở New York - ngay cả với những ý định tốt nhất - sẽ không giúp người dân Palestine trở thành một nhà nước”.
Phó Đại sứ Mỹ Robert Wood cho rằng tư cách thành viên của Palestine “cần phải là kết quả của cuộc đàm phán giữa Israel và người Palestine”.
Ông Wood nói với các phóng viên rằng bất cứ điều gì cản trở đều “làm cho việc đàm phán trở nên khó khăn hơn” và không giúp tiến tới giải pháp hai nhà nước, nơi Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình, điều mà “tất cả chúng ta đều mong muốn”.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lần đầu tiên chuyển đơn đăng ký gia nhập LHQ của Chính quyền Palestine cho Tổng Thư ký lúc đó là ông Ban Ki-moon vào năm 2011. Nỗ lực ban đầu đó đã thất bại vì phía Palestine không nhận được sự ủng hộ tối thiểu cần thiết của 9 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an.
Sau đó, phía Palestine đi đến Đại hội đồng và nhận được hơn 2/3 số phiếu ủng hộ, thành công trong việc nâng vị thế của họ từ quan sát viên LHQ lên quốc gia quan sát viên phi thành viên vào tháng 11/2012. Điều đó đã mở ra cơ hội cho các vùng lãnh thổ của Palestine gia nhập LHQ và các tổ chức quốc tế khác, trong đó có Tòa án Hình sự Quốc tế.
Phía Palestine khôi phục lại nỗ lực gia nhập LHQ vào đầu tháng 4, với sự ủng hộ của 140 quốc gia đã công nhận Palestine là một quốc gia độc lập.
Ông Ziad Abu Amr, đại diện đặc biệt của Tổng thống Palestine, nóiviệc thông qua nghị quyết này sẽ mang lại cho người dân Palestine hy vọng “có một cuộc sống tử tế trong một quốc gia độc lập”.
Ông nói rằng “hy vọng như vậy đã tan biến trong những năm qua vì sự không khoan nhượng của chính phủ Israel đã bác bỏ giải pháp này một cách công khai và trắng trợn, đặc biệt là sau cuộc chiến tàn khốc đánh vào Dải Gaza”.
Các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine bị đình trệ trong nhiều năm và chính phủ cánh hữu của Israel bị chi phối bởi những người có đường lối cứng rắn phản đối nhà nước Palestine.
Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan gọi nghị quyết này là “sự tách rời ra khỏi thực tế” và cảnh báo rằng nó “sẽ chỉ gây ra sự tàn phá trong nhiều năm tới và gây tổn hại đến bất kỳ cơ hội đối thoại nào trong tương lai”.
Sáu tháng sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 vào miền nam Israel của Hamas, lực lượng kiểm soát Gaza, và hành động giết hại 1.200 người trong “vụ thảm sát tàn bạo nhất đối với người Do Thái kể từ Holocaust”, ông cáo buộc Hội đồng Bảo an đang tìm cách “thưởng cho những kẻ phạm tội đã có những hành động tàn bạo bằng cách trao cho chúng tư cách nhà nước”.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn