Đường dẫn truy cập

Hai người Pháp mở công ty sô cô la tại Việt Nam


Ông Vincent Mourou, đồng chủ sở hữu công ty Marou, bên cạnh những bao tải hạt cacao ở miền nam Việt Nam. (ảnh: V. Marou)
Ông Vincent Mourou, đồng chủ sở hữu công ty Marou, bên cạnh những bao tải hạt cacao ở miền nam Việt Nam. (ảnh: V. Marou)
Ngành trồng và buôn bán ca cao của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn trứng nước mặc dù trong vòng một thế kỷ vừa qua, có nhiều người nước ngoài cố gắng làm cho cây ca cao trở thành một cây công nghiệp. Giờ đây, có hai người Pháp muốn sử dụng lịch sử thuộc địa của đất nước mình để cố gắng để biến các cây ca cao trồng tại Việt Nam thành những sản phẩm sô cô la mang xu hướng mới nhất về ẩm thực.

Tại Việt Nam, canh tác ca cao không được phát triển. Năm ngoái, Việt Nam sản xuất khoảng 5.000 tấn ca cao, chỉ bằng một phần trăm của Indonesia, nhà sản xuất ca cao lớn thứ ba của thế giới, sản xuất 500.000 tấn.

Hầu hết các hạt ca cao thu hoạch tại Việt Nam được đưa ra nước ngoài để chế biến thành bột ca cao. Hạt ca cao của Việt Nam chưa được xem là có phẩm chất cao. Tuy nhiên, công việc mà hai ông Vincent Mourou và Samuel Maruta đang làm có thể giúp thay đổi điều đó.

Họ là chủ sở hữu của Marou, một thương hiệu bán sô cô la làm tại Việt Nam làm theo kiểu thủ công và có nguồn thu mua trực tiếp từ các nhà trồng. Với những đặc tính đó, hai ông nói rằng đây là lần đầu tiên trên thế giới mới có một sản phẩm như vậy.

Thương hiệu Marou xuất hiện vào năm 2011 và hai người Pháp chế biến từ 10 tấn đến 20 tấn hạt ca cao một năm. Các hạt ca cao được thu mua từ các tỉnh lân cận và được xử lý tại nhà máy sô cô la thuộc loại nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Ông Maruta cho biết:

"Chúng tôi làm việc với các nhà trồng ca cao tại năm tỉnh, và chúng tôi thường đi gặp từng nhà trồng mỗi tháng một lần. Có tỉnh thì chúng tôi làm việc với vài nhà trồng, có tỉnh thì chúng tôi chỉ làm việc với một nhà trồng, do đó, số lượng thu mua khác nhau tùy theo tỉnh."

Thương hiệu của hai ông đã nhận được rất nhiều sự chú ý ở Pháp, quốc gia đã có quá khứ thuộc địa với Việt Nam.

Người Pháp du nhập ca cao vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 19, vào lúc chế độ thực dân đang ở cao điểm. Các cây ca cao được trồng trong khoảng 20 năm, nhưng kế hoạch sản xuất không thành công. Ông Maruta nói rằng ông tìm thấy bằng chứng về điều này trong các tài liệu được lưu trữ trong văn khố quốc gia bên Pháp.

“Trong một sắc lệnh k‎ý năm 1907 liên quan đến các khoản trợ cấp cho các nhà trồng ca cao, tôi thấy trong đó có nói rằng các khoản trợ cấp này hoàn toàn vô dụng, cho nên phải loại bỏ trợ cấp."

Một đợt du nhập cây ca cao khác vào Việt Nam là vào những năm 1980. Lúc bấy giờ người Nga đề nghị giúp Việt Nam trồng và bán ca cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp này phải đóng cửa, cùng lúc với sự sụp đổ của Liên Xô hơn 20 năm trước đây, và gần như tất cả các cây ca cao đã bị đốn ngã.

Hầu hết các cây ca cao hiện nay được trồng vào khoảng một chục năm gần đây, trong khuôn khổ của những dự án được các tổ chức quốc tế tài trợ để một mặt tạo thêm thu nhập cho các nhà trồng, một mặt chống lại nạn phá rừng.

Một người nông dân trồng hạt cacao, bên cạnh là thành phẩm mà cô thu hoạch được (ảnh: V. Marou)
Một người nông dân trồng hạt cacao, bên cạnh là thành phẩm mà cô thu hoạch được (ảnh: V. Marou)
Điều này cũng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường của thương hiệu sô cô la Marou. Trên trang mạng của mình, công ty Marou nói rằng vì cây ca cao thích mọc trong bóng của nhưng cây to lớn hơn, tạo thành một mái vòm trên cao, cho nên cây ca cao rất thích hợp để trồng ở những nơi nào muốn gây dựng lại những cánh rừng, khôi phục sự đa dạng sinh thái. Do đó, trồng cây ca cao tốt cho môi trường hơn là những loại hoa màu cần phải dọn dẹp, làm sạch các cánh rừng.

Ông Đỗ Tấn Hòa, người phụ trách đi tìm nguồn cung ứng ca cao cho thương hiệu Marou, nói rằng người trồng ca cao không kiếm được nhiều tiền. Ông nói rằng ca cao ở Việt Nam hiện nay được trồng trên các trang trại vừa trồng cà phê vừa trồng ca cao để người trồng có thêm thu nhập, nhưng giữa cà phê và ca cao thì trồng cà phê có nhiều lời hơn.

Ông cho biết hiện nay hai ông Maruta và Mourou đích thân đi chọn các hạt ca cao cho nên họ trả cho nhà trồng cái giá cao hơn, thường là khoảng 2,50 đôla một kí. Giá này cao hơn giá bán cho các công ty lớn khác từ 20 đến 40%. Ông Hòa nói thêm rằng Marou vẫn còn là một doanh nghiệp nhỏ và chưa có thể thu mua của các nhà trồng một cách thường xuyên.

Nhờ cách đóng gói đẹp mắt, sang trọng và nhờ mang hương vị đặc biệt, các thanh sô cô la của Marou bán rất chạy tại các cửa hàng bán lẻ ở châu Âu, Mỹ, Úc và Singapore.

Viện hàn lâm Sô cô la, một tổ chức do 5 chuyên viên sô cô la hàng đầu của nước Anh lập, đã trao tặng cho thương hiệu Marou 3 giải thưởng trong 2 thể loại.

Tại Hà Nội, ông Thibault Souchon, quản lý về thức ăn và thức uống tại khách sạn Metropole nói rằng mặc dù nhiều người châu Âu xem sự liên hệ giữa Việt Nam và Pháp là một điều thú vị, nhưng không phải ai ai cũng say mê với câu chuyện này:

"Đứng trên quan điểm tiếp thị thì có thể có những thú vị. Nhiều đài truyền hình của Pháp đã có những câu chuyện thú vị, đưa khán giả quay trở lại với thời kỳ huy hoàng của Pháp. Các đài này có thể xây dựng những câu chuyện đẹp về thời kỳ đó. Nhưng đứng trên quan điểm của tôi, cái gì của Pháp vẫn là của Pháp, những thứ kia không quan trọng."

Ông Souchon nói rằng nhiều người tiêu dùng ở châu Âu xem các các thức ăn cao cấp của các nước như Việt Nam là đặc sản và bị thu hút trước của lạ. Tuy nhiên, ở các nước phát triển khác, Việt Nam được xem là một nguồn cung cấp các hàng hóa rẻ tiền, chất lượng thấp.

Ông Đỗ Tấn Hòa, người phụ trách đi tìm nguồn cung ứng ca cao cho thương hiệu Marou, nói rằng người Việt Nam không mấy ưa thích loại sô cô la đen và đắng do Marou sản xuất. Họ chỉ thích loại sô cô la ngọt và có mùi sữa.

Hai người Pháp sản xuất sô cô la đen đắng tại Việt Nam nói rằng sản phẩm của họ được dành cho khách sành điệu và người tiêu dùng cần được hướng dẫn một chút thì mới biết thưởng thức giá trị của nó.

Tuy nhiên, với giá bán vào khoảng 5 đôla cho mỗi thỏi sô cô la, không có nhiều người Việt Nam có đủ sức để chơi sang như vậy.

VOA Express

XS
SM
MD
LG