Hai người đàn ông từ nước cộng sản bị cô lập, hiện đang đại diện cho một ngân hàng ở Việt Nam, nằm trong số các cá nhân và tổ chức bị Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt vì mua bán và phổ biến vũ khí.
Đơn vị phóng rocket chiến lược của Bắc Hàn đứng đầu danh sách vì bị cáo buộc đã thực hiện một số vụ thử nghiệm tên lửa vào năm ngoái, trong khi ba công ty vận chuyển bị cáo buộc vận chuyển vũ khí trái phép.
Ngoài ra, 6 cá nhân cũng nằm trong danh sách chế tài của Hoa Kỳ. Hai người đàn ông ở Việt Nam là đại diện của Ngân hàng Thương mại Tanchon, trong khi bốn người khác làm việc ở Syria và Nga.
Hầu như không có thông tin về hoạt động của định chế tài chính Tanchon ở Việt Nam. Ngân hàng này trước đó đã nằm trong danh sách bị trừng phạt của Hoa Kỳ.
Lệnh trừng phạt sẽ ‘đóng băng’ các tài sản ở Mỹ mà các cá nhân và công ty bị nêu tên trong danh sách đen có thể có.
Ông Adam Szubin, Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài, của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Bắc Hàn “ đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế bằng việc mở rộng chương trình hạt nhân và tiếp tục việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại vũ khí thông thường khác”.
Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia duy trì quan hệ gần gũi với Bình Nhưỡng, và vẫn viện trợ lương thực cho quốc gia nghèo khó nằm trên bán đảo Triều Triên.
Hồi đầu năm, Đại sứ quán Bắc Hàn đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm lần thứ 65 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Triều Tiên, và đại sứ nước này đã khẳng định rằng Bình Nhưỡng “sẽ tiếp tục nỗ lực để cùng Việt Nam tăng cường và phát triển hơn nữa tình hữu nghị và sự hợp tác trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế cũng như văn hóa”.
Mới đây, cái tên Việt Nam và Bắc Hàn lại được nhắc tới trên truyền thông nước ngoài sau khi có tin công an Việt Nam đã giao 9 người Bắc Hàn, trong đó có một sĩ quan quân đội, cho chính quyền Trung Quốc.
Sau đó, Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại về số phận của những người này vì họ có thể bị trừng phạt nếu bị trả về nước.