Hôm tôi đến Granada nằm ở miền cực nam Tây Ban Nha gần bờ biển Địa Trung Hải, từ Madrid lái xe đến đó cũng phải khoảng trên 4 giờ đồng hồ nhưng tôi đã không nghĩ được gì nhiều ngoại trừ trận đấu bò của đêm hôm trước. Ra khỏi đấu trường tôi đã mãi suy nghĩ về nó. Và sau đó trong lúc ngồi ăn tapas với những món ăn nhẹ (entrée) hải sản của người dân bản xứ cùng với nhóm bạn tôi cũng vẫn không thể nào xua đuổi ra khỏi đầu mình ý nghĩa của trận đấu và sự đồng lõa gần như nhẫn tâm của khán giả (trong đó có tôi) đối với trò đùa mà kết quả cuối cùng là cái chết của con thú sau khi đã bị người lừa và hành hạ từ tinh thần đến thể xác.
Thật ra tôi không có vấn đề hay problem gì đối với vấn đề giết súc vật.
Chúng ta giết heo, mổ bò mỗi ngày (tôi đặc biệt thích ăn mặn hơn là ăn chay) và ở bất cứ nơi nào, lúc nào cũng có cảnh người thù người, giết hại lẫn nhau. Nhưng tôi nghĩ là sau khi xem xong tôi đã có một nhận thức rất rõ là tôi có một problem rất lớn đối với việc hành hạ những động vật khác!
Nếu như chúng ta phải giết nó vì lý do sinh tồn thì còn có thể châm chước được (mặc dù tôi biết đối với những người tu hành thì ngay cả điều này cũng không thể nào châm chước hoặc gọi là cần thiết).
Còn đằng này cái chết của con thú nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Và đặc biệt hơn là cách chúng ta chọn để giết nó. Đã vờn nó cho nó hết sức trước khi đâm nó. Không phải chỉ có một người, hai người mà có tất cả đến 4 người thay phiên nhau hành hạ nó, dùng những thanh gươm bén nhọn nhất để làm cho nó bị thương, máu đổ xối xả, tâm trí khốn quẫn, đau đến điên dại nhưng không thể nào tự bỏ cuộc chơi hay tự kết liểu đời mình.
Chúng ta đã chờ, đã nhử và làm cho nó lồng lộn thêm một lần nữa để rồi hoàn toàn bị kiệt sức, hoàn toàn mất đi khả năng tự vệ chính bản thân mình. Đến khi ấy chúng ta mới chọn một anh hùng để ra tay đâm nhát gươm ân huệ cuối cùng.
Người anh hùng matadores ấy đã dõng dạc tự kiêu một cách ngạo mạn, ngực và đầu cùng ngẫng cao để đón nhận những tràng tay huýt sáo vang dội từ khán giả khắp khán đài.
Nhưng lúc ấy tôi chẳng thấy gì khác ngoài tấm thân con bò mới hùng dũng uy nghi đứng trước đó vài phút mà nay đã nằm xoãi ra trên đấu trường ướt sũng màu máu đỏ của chính nó và đang cố nấc lên những hơi thở cuối cùng trước khi được cho kéo lê vào chuồng để chuẩn bị cho một chú bò khác bước ra và rồi cũng để sẽ gặp cùng một cảnh ngộ.
Nghệ thuật đâu? Thể thao và ý niệm tranh đua bằng sức mạnh của chính mình và sự công bằng đâu sao tôi không thấy? Tôi chỉ thấy chúng ta đã dùng mưu mẹo, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ chúng hiếp cô để thắng con thú không có gì trên người ngoại trừ sức mạnh và ý chí của bản năng. Mà hình như trên cõi đời này những ai chỉ biết dựa vào sức mạnh và ý chí của riêng bản thân mình thì thường lại phải chịu nhiều điều thua thiệt hơn cả.
Có một số người tôi biết cho là ‘ends justify means’, kết quả cuối cùng sẽ biện minh cho phương tiện. Nhưng tôi thì không. Chắc chắn là không. Phương tiện phải được xem trọng bằng hoặc hơn cả kết quả cuối cùng. Vì nếu không, kết quả cho dù nó có vinh quang hay cấp thiết đến mấy cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Ít nhất ra là cũng đối với riêng tôi sau khi xem qua trận đấu bò đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời.
Cũng vì lý do này mà tôi đã cảm thấy thích hơn, rất thích hơn khi tôi đặt chân đến Granada khi hoàng hôn sắp đổ. Trước khi đến đây tôi chưa bao giờ nghe đến nơi này chứ đừng nói là biết gì về nó. Nhưng sau chuyến đi này có lẽ đây sẽ là một trong những nơi mà tôi lưu luyến nhất.
Các bạn biết tại sao không? Có ai đã từng viếng thăm qua thành phố cổ kính này của người Moors ngày xưa để có thể cho tôi biết cảm giác của bạn có giống tôi không?