Đường dẫn truy cập

Giới phân tích: Lực lượng quân sự chung của khối Ả Rập đối mặt với thử thách lớn


Tổng thứ ký Liên đoàn Ả Rập Nabil Elaraby (phải) và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukri rời cuộc họp báo vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh Ả Rập ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, 29/3/15
Tổng thứ ký Liên đoàn Ả Rập Nabil Elaraby (phải) và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukri rời cuộc họp báo vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh Ả Rập ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, 29/3/15

Trong nhiều tháng qua, các nước thành viên Liên đoàn Ả rập đã hô hào cho việc thành lập một lực lượng quân sự chung để ứng phó với bạo động đang lan tràn trong khu vực. Giờ đây, khi hầu hết các nước tán thành ý kiến đó, các nhà phân tích nói rằng làm cho lực lượng này trở thành hiện thực để chiến đấu trong những vụ xung đột phức tạp có thể là một thách thức không thể vượt qua.

Hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia và các vị ngoại trưởng trong khối Ả Rập giờ đây đồng ý với nhau rằng một lực lượng quốc tế của các binh sĩ Ả Rập phải được thành lập và sẽ được thành lập để bảo vệ an ninh cho vùng Trung Đông.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh mới đây của Liên đoàn Ả rập rằng các nhà lãnh đạo quân đội sẽ thiết lập một uỷ ban để thảo luận về cách thức xây dựng một lực lượng quân sự của Liên đoàn Ả rập.

Ông không cho biết một cách chính xác là ai sẽ chịu trách nhiệm hay lực lượng đó sẽ được bố trí ở đâu. Tuy nhiên, theo dự liệu, đứng đầu danh sách này hiện giờ là 4 nước Libya, Yemen, Iraq và Syria.

Không phải tất cả các đại biểu của Liên đoàn Ả Rập đều tán đồng. Ngoại trưởng Iraq Ibrahim Jaafari chống lại chủ trương can thiệp.

Ông Jaffari nói can thiệp có thể làm cho những vụ xung đột trở nên tệ hại hơn. Ông cũng nêu lên một sự thật hiển nhiên là các nước Ả Rập có những sự chia rẽ sâu sắc trong nước và trong khu vực – với các nước và các nhóm Sunni nói chung là về phe Ả rập Xê út, và các nước và các nhóm Shia về phe Iran.

Với những sự chia rẽ phức tạp về bộ tộc và chính trị cộng với tình trạng hỗn loạn, một tờ báo ở Trung Đông gọi “Lực lượng Thống nhất của khối Ả Rập” là “một từ ngữ gộp chung 3 điều trái ngược.”

Ông Abdullah al-Ashaal, cựu thứ trưởng ngoại giao Ai Cập, nói rằng những sự chia rẽ này có thể làm cho Thế giới Ả Rập không thể thành lập một quân đội. Ông nói:

"Người Ả Rập có bao giờ đoàn kết với nhau về chuyện gì! Nếu có lúc nào họ đoàn kết với nhau, xin ông cho tôi biết."

Ông Ashaal nói rằng nếu họ không đoàn kết đủ để thành lập một quân đội, những liên minh đối nghịch nhau có thể làm cho chiến cuộc leo thang.

Thí dụ như ở Yemen, nơi phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn đang chiến đấu chống lại chính phủ do Ả rập Xê út hỗ trợ. Ông Ashaal cho rằng can thiệp ở Yemen không khác gì tuyên chiến với Iran:

"Họ sẽ làm gì với lực lượng đó? Làm chuyện gì? Để đánh nhau với Iran hay sao? Iran sẽ đè bẹp họ. Iran là nước rất mạnh về quân sự."

Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Hisham Kassem, cần có những lực lượng quốc tế để chống lại mối đe dọa của nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo trong lúc Hoa Kỳ, NATO và Liên Hiệp Quốc càng ngày càng ít muốn can thiệp trực tiếp ở Trung Đông.

Ông Kassem nói rằng Thế giới Ả Rập không có chọn lựa nào khác hơn là hành động:

"Đây không phải là một sự lựa chọn. Một lực lượng phải được thành lập với những sự hỗ trợ tối thiểu của Hoa Kỳ và Âu châu. Vào thời điểm này không nước nào trong những nước bị đe dọa trực tiếp có thể nói rằng 'không phải chuyện của tôi’ hay “tôi không muốn dân tôi bị giết.’"

Ông Kassem cho biết Liên đoàn Ả rập có thể không phải là tổ chức tốt nhất đễ dẫn đầu một lực lượng như vậy, vì tổ chức này lâu nay vẫn không thật sự làm được điều gì. Ngoài ra, theo ông Kassem, kế hoạch hiện nay có thể gặp trở ngại vì một số nước không chịu tham gia trong lúc một số nước khác không có đủ khả năng quân sự.

Ông Kassem cũng cho rằng tuy quân đội có đông binh lính của Ai Cập có phần chắc sẽ là lực lượng chính trong đội quân hỗn hợp của thế giới Ả Rập, nhưng quân đội Ai Cập được thiết kế để chiến đấu chống lại những quân đội khác, chứ không phải chống lại các nhóm hiếu chiến:

"Quân đội có nhiều sức mạnh ở tâm điểm của lực lượng này là quân đội Ai Cập. Nhưng tôi không nghĩ rằng họ đã sẵn sàng để chuyển đổi từ một quân đội có khả năng đương đầu với một quốc gia khác, như Israel chẳng hạn, thành một quân đội chống khủng bố."

Theo ông Kassem, nếu quân đội Ai Cập thực hiện một sự chuyển đổi như vậy, cán cân quyền lực ở vùng Trung Đông sẽ bị phương hại.

Ông nói thêm rằng các mối quan hệ đồng minh ở Trung Đông cũng đang thay đổi, và mặc dù các nước và các nhóm có thể tiếp tục chia rẽ, nhưng người dân trong vùng này phần lớn là đoàn kết với nhau trong mục tiêu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG