Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động kêu gọi TQ đặt ưu tiên cao cho việc bảo vệ môi trường


Màn hình lớn cho thấy hình ảnh Cộng Thiên An Môn ở Bắc Kinh dưới bầu trời xanh trong khi các đại biểu đến dự phiên họp khoán đại Đại hội Đại biểu Nhân dân tại Đại lễ đường Nhân dân trong bụi và sương mù, 8/3/13
Màn hình lớn cho thấy hình ảnh Cộng Thiên An Môn ở Bắc Kinh dưới bầu trời xanh trong khi các đại biểu đến dự phiên họp khoán đại Đại hội Đại biểu Nhân dân tại Đại lễ đường Nhân dân trong bụi và sương mù, 8/3/13
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thảo luận về vấn đề bảo vệ môi trường tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc diễn ra trong tuần này, giữa lúc sự bất mãn của dân chúng đang trên đà gia tăng vì không khí và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Các đại biểu quốc hội Trung Quốc đang xem xét tới việc thông qua một dự thảo luật đã được soạn thảo cách nay hai năm về việc quản lý phẩm chất không khí.

Các cuộc thảo luận này diễn ra giữa lúc những đám khói mù làm nghẹt thở đã bao phủ nhiều khu vực rộng lớn trong vài tuần qua, khiến cho người dân ở đây lớn tiếng ta thán và yêu cầu giới hữu trách gấp rút giải quyết tình hình.

Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường nói rằng tuy chính phủ đã thực hiện một số nỗ lực nhưng vẫn chưa đủ để ứng phó với những tác động của sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đối với môi trường.

Bà Châu Dung, một nhà hoạt động thuộc tổ chức Hòa bình Xanh, nói rằng có phần chắc là phiên họp lần này của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc sẽ không mang lại những sự thay đổi quan trọng trong lãnh vực bảo vệ môi trường.

Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc trích lời một nữ phát ngôn viên của Đại hội nói rằng cơ quan lập pháp hàng đầu này sẽ “đáp ứng tích cực đối với quan tâm của công chúng” về các vấn đề môi trường và sẽ sửa đổi Luật Ngăn chận và Xử lý Ô nhiễm Không khí. Bản tin không cho biết khi nào công tác tu chính bộ luật này sẽ được hoàn tất.
Bà Châu Dung cho biết nhiều người Trung Quốc đang cảm thấy thất vọng vì sự trễ nãi trong việc sửa đổi luật ô nhiễm không khí.

Vì những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, chúng ta phải thực hiện một số thay đổi ngay lúc này, chứ không thể chờ tới sang năm.

Từ đầu năm tới nay, dân chúng ở Bắc Kinh và những thành phố khác ở miền bắc đã phải khổ sở trăm bề vì bị khói mù độc hại bao phủ trong nhiều tuần lễ, với chỉ số PM 2.5 cao hơn mấy mươi lần so với mức an toàn.

Kết quả của một cuộc nghiên cứu hồi tháng 12 vừa qua của tổ chức Hòa bình Xanh và Trường Y tế Công cộng của Đại học Bắc Kinh cho thấy cho thấy ô nhiễm không khí là nguyên do gây tử vong cho hơn 8.500 người tại 4 thành phố lớn ở Trung Quốc. Cuộc nghiên cứu cũng cho biết chỉ riêng trong năm 2012 nạn ô nhiễm ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Tây An đã gây ra hơn 1 tỉ đô la thiệt hại kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp đề phòng, như yêu cầu chính quyền địa phương ban hành lệnh cảnh báo khi tình trạng ô nhiễm lên cao tới mức độc hại, nhưng một số cư dân đang yêu cầu nhà chức trách làm nhiều hơn nữa.

Các tổ chức bảo vệ môi trường ở Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc vận động trên mạng để đòi chính quyền thành phố cung cấp khẩu trang và các vật dụng bảo hộ khác cho toàn thể cư dân ở thủ đô. Thỉnh nguyện thư này nói rằng “vì chúng tôi biết được việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là một quá trình lâu dài và khó khăn, cho nên chúng tôi đề nghị chính phủ thực hiện một chương trình thí điểm về ứng phó khẩn cấp trong những ngày ô nhiễm nặng.”

Giới hữu trách Bắc Kinh đã đề ra một dự thảo luật hồi đầu tháng hai, trong đó có những qui định về ngăn ngừa ô nhiễm và các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng trên địa bàn thành phố.

Các tổ chức môi trường nói rằng qua việc để cho công chúng góp ý về dự thảo luật này, Bắc Kinh đã chứng tỏ một số cam kết đối với sự minh bạch và tinh thần làm việc có trách nhiệm.

Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (The Natural Resources Defense Council), một tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường, đã đề nghị cải thiện dự luật đó bằng cách tăng cường sự chấp hành các luật lệ hiện có và nâng cao mức phạt đối với những người vi phạm. Hiện nay, mức phạt tối đa cho việc vi phạm tiêu chuẩn khí thải chưa tới 16.000 đô la.
Giáo sư Đoàn Lỗi của Phân khoa Môi trường của Đại học Thanh Hoa cho biết đã có những dấu hiệu tích cực ở cấp quốc gia, như trợ cấp cho các dự án nhằm giảm bớt mức độ ô nhiễm của hoạt động sản xuất than đá:

"Nói một tổng quát thì họ đã áp dụng một số biện pháp, nhưng rõ ràng là họ chưa làm đủ, và sở dĩ như vậy là vì Trung Quốc có tốc độ phát triển quá nhanh."

Hồi đầu tuần này, ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng sắp về hưu của Trung Quốc, thừa nhận rằng mục tiêu phát triển kinh tế đã mâu thuẫn với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Bà Châu Dung của tổ chức Hòa bình Xanh cho rằng chính phủ cần phải có một sự thay đổi về các thứ tự ưu tiên. Bà nói rằng thay vì chỉ dựa vào tăng trưởng GDP và các chỉ số kinh tế để phán xét sự thành bại của đất nước, các chính khách Trung Quốc nên suy xét kỹ lưỡng hơn về những tác động của các chính sách của họ đối với môi trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG