Giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam nhận định rằng bản án 5 năm tù mà chính quyền Hà Nội vừa tuyên đối vối nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến “tương đối nhẹ hơn” so với các bản án cùng tội danh trước đây, mặc dù vậy vẫn chưa thể dự báo một dấu hiệu sáng hơn đối với phong trào tranh đấu trong nước.
Hôm 15/8, một phiên tòa ở Hà Nội tuyên phạt ông Tuyến 5 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự và ông cũng không phải chịu thêm hình phạt quản chế như thường thấy trong các vụ án về an ninh quốc gia, dù ông Tuyến không nhận tội, giới hoạt động đưa ra quan sát với VOA.
Với khung hình phạt của khoản 1 Điều 117, các bị cáo có thể bị tuyên với mức án từ 5 lên đến 12 năm tù, và án quản chế lên đến 5 năm tù, nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng, người từng bị tuyên 7 năm tù giam và 5 năm quản chế cũng theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hồi năm 2018, nêu nhận định với VOA hôm 16/8.
“Tôi nhận thấy rằng so với các mức án khác thì rõ ràng mức án 5 năm tù dành cho anh Nguyễn Chí Tuyến nhẹ nhàng hơn, mặc dù trước đây anh Tuyến đã có những chỉ trích nặng nề đối với đích thân đương kim Tổng Bí thư Tô Lâm bây giờ”, ông Dũng nêu ý kiến cá nhân.
Ông Tô Lâm, cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam được bầu làm tổng bí thư vào ngày 3/8, sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng qua đời hai tuần trước đó.
“Đây là bản án đầu tiên dưới thời ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư. Chúng ta thấy rằng anh Tuyến không nhận tội, và cũng không bị án quản chế. Chúng tôi thấy rằng hình như có một tín hiệu gì đó cho thấy có cái gì đó nhẹ nhàng hơn so với những mức án nặng nề mà chính quyền Hà Nội dành cho những người hoạt động”, cựu tù nhân Nguyễn Viết Dũng bày tỏ thêm.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Đức cũng đưa ra ý kiến rằng bản án của ông Tuyến chỉ bằng một nửa so với các bản án từ 7-8 đến 12 năm tù trước đây với cùng tội danh.
Luật sư Đài đưa ra góc nhìn về sự khác biệt: “Khi so sánh bản án của anh Tuyến cùng với những người hoạt động khác trước đây thì rõ ràng bản án nhẹ đi rất nhiều. Không biết rõ ý đồ của ông Tô Lâm là như thế nào. Nhưng cùng là một con người, vào các giai đoạn khác nhau, ông ấy có thể cư xử khác nhau liên quan đến nhân quyền”.
“Đối với chế độ cộng sản thì việc tăng án nặng hay nhẹ đối với nhà hoạt động đối lập lại phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế và những thời điểm mà họ cần giảm nhẹ các áp lực từ quốc tế”, luật sư Đài, đồng thời là cựu tù nhân chính trị tại Việt Nam, nêu ý kiến.
VOA đã liên lạc với Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra ý kiến về việc liệu có sự chỉ đạo này từ cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đến phiên tòa xét xử ông Tuyến hôm 15/8 hay không, nhưng chưa được phản hồi.
Trong nhiều năm qua chính phủ các nước phương tây đã chỉ ra mức độ ít độc lập của tòa án cũng như hệ thống tư pháp Việt Nam nói chung.
“Luật pháp Việt Nam quy định tính độc lập của ngành tư pháp, song hệ thống tư pháp dễ chịu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam”, báo cáo nhân quyền 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định về mức độ xét xử công khai và công bằng tại Việt Nam.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn cho rằng “sự kém hiệu quả của hệ thống tư pháp đã làm tổn hại nghiêm trọng đến tính độc lập của hệ thống tư pháp” của đất nước do Đảng Cộng sản cai trị.
Điều 103 của Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm”.
Sau khi ông Tuyến bị bắt hồi tháng 2/2024, các tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông và kêu gọi thả ông ngay lập tức.
Sau phiên tòa hôm 15/8, phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) ở Việt Nam và CPJ lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam vì đã kết tội nhà hoạt động và blogger Nguyễn Chí Tuyến và kêu gọi chính quyền trả tự do cho ông.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 16/8, phái đoàn EU tại Việt Nam nói rằng ông Tuyến “là một nhà hoạt động nhân quyền, người đã bình luận một cách ôn hòa trên mạng xã hội về các vấn đề xã hội và chính trị”.
Theo quan sát của VOA, một ngày sau khi hãng tin Reuters đưa tin về phiên xử ông Tuyến, các trang tin của nhà nước Việt Nam vẫn không đưa tin về phiên tòa của ông.
Phái đoàn EU cho biết trong tuyên bố hôm 16/8 rằng một lần nữa họ “rất lấy làm tiếc” vì các các yêu cầu tham dự của họ và của các phái đoàn ngoại giao khác tại phiên tòa xử ông Tuyến đã bị chính quyền Việt Nam từ chối.
Diễn đàn