Nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ mở đường cho Việt Nam tiếp cận công nghệ cũng như được giúp đỡ xây dựng nguồn nhân lực để chuyển đổi tăng trưởng sang hướng có chất lượng và bền vững hơn, từ đó mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của Việt Nam, các chuyên gia nhận định với VOA.
Vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, Mỹ sẽ cùng quốc gia này tìm hiểu các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tập trung vào công nghệ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực thúc đẩy, mở rộng giao lưu nhân dân thông qua các chương trình trao đổi giáo dục và phát triển nguồn nhân lực... nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội vào ngày 10-11/9, theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng.
Nền kinh tế Việt Nam lâu nay vẫn dựa vào khai thác lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên cũng như gia công hàng xuất khẩu sang các nước Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam hiện nay đặt mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công nghệ và nhân lực
Bà Phạm Chi Lan, vốn từng là thành viên trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định với khuôn khổ hợp tác mới giữa hai nước là đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ có thể chia sẻ với Việt Nam về công nghệ và giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế nên ‘rất cần tiếp cận những công nghệ tiên tiến của Mỹ’, bà Lan cho biết, và nói bà ‘mong Mỹ có thể chia sẻ’ để giúp Việt Nam chuyển đổi nhanh hơn.
“Giới trẻ Việt Nam trong những năm qua đã được học hành, tiếp cận và học hỏi về công nghệ rất nhiều,” bà chỉ ra. “Nếu được sự hỗ trợ từ Mỹ trong việc phát triển con người, nâng cấp giáo dục đào tạo thì Việt Nam có thể tạo ra những người trẻ của thế hệ mới, bắt kịp những xu hướng phát triển mới.”
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, bà Lan cho biết Chính phủ Việt Nam ‘đã đầu tư không phải là ít’ nhưng khả năng ứng dụng những công nghệ mới ‘còn khá hạn chế’. “Rõ ràng khả năng Việt Nam tự làm được so với nhu cầu, công sức, tiền của bỏ ra là chưa tới,” bà nói.
Nếu Việt Nam có thể chuyển đổi số thành công, thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ được giúp ích rất nhiều, cũng theo lời chuyên gia này, nhất là về quản trị, cả trong quản trị nhà nước và quản trị doanh nghiệp.
Về chuyển đổi xanh, bà Lan nhắc lại cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị COP 26 là ‘hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050’ nhưng nói rằng ‘năng lực thực hiện của Việt Nam còn nhiều vấn đề’.
“Đây là lĩnh vực bao trùm tất cả khu vực phát triển của Việt Nam từ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cho đến dịch vụ,” bà nói và cho biết trong thời gian có một số doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi xanh nên khả năng xuất khẩu bị hạn chế vì một số thị trường có tiêu chuẩn khắt khe về khí thải không chấp nhận, chẳng hạn như trong lĩnh vực dệt may và thủy sản chế biến.
“Nếu không làm được chuyển đổi xanh thì Việt Nam không thể đảm bảo phát triển bền vững được,” bà nhấn mạnh.
Xây dựng chuỗi cung ứng
Bà Lan nói Mỹ ‘nhìn thấy ở Việt Nam những nguồn lực để xây dựng chuỗi cung ứng’. Xây dựng chuỗi cung ứng có tính chống chịu hơn để giảm thiểu những rủi ro là một trong những ưu tiên lớn của chính quyền Tổng thống Biden.
Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế-tài chính từng có kinh nghiệm tư vấn cho chính phủ Việt Nam, chỉ ra ‘vị trí rất chiến lược của Việt Nam’ trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Từ Nam Á đến Đông Á và trong khối các nước ASEAN, Việt Nam ở vị trí trung tâm của khu vực,” ông nói và chỉ ra từ Việt Nam chỉ mất bốn giờ bay là đến được Nhật và Ấn Độ và toàn bộ khu vực đông Á và nam Á này ‘chiếm hơn phân nửa dân số và GDP của thế giới’.
Ngoài ra, cũng theo lời ông Thành thì có đến 40% lượng hàng hóa thông thương trên thế giới lưu chuyển qua tuyến đường biển trước mặt Việt Nam. “Việt Nam vừa gần Trung Quốc vừa thân thiện với Mỹ nên rất thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang.”
Khi đến thăm Việt Nam hồi cuối tháng Bảy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói Việt Nam là ‘đối tác chủ chốt’ của Mỹ trong việc ‘de-risking’ hay ‘friendshoring’, tức là chuyển chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện hơn để tránh rủi ro.
Tuy nhiên, ông Bùi Kiến Thành cho rằng Việt Nam ‘không đủ khả năng đón hết dòng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc mà chỉ đón những gì phù hợp’.
“Việt Nam có rất nhiều cơ hội để Mỹ đầu tư, nhất là trong lĩnh vực năng lượng sạch,” ông nói.
Riêng trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn mà bà Janet Yellen từng chỉ ra cơ hội hợp tác với Việt Nam, ông Thành không lo ngại về việc Việt Nam thiếu kỹ sư để phát triển ngành này vì người dân Việt Nam ‘đặc biệt có khả năng tiếp nhận kiến thức mới và công nghệ mới rất nhanh’.
“Mỹ có thể giúp đào tạo cho Việt Nam những nhân lực cần thiết,” ông nói và cho rằng nếu như Intel, vốn có cơ sở thử nghiệm và đóng gói chip lớn nhất toàn cầu ở thành phố Hồ Chí Minh, làm được thì ‘các doanh nghiệp Mỹ khác cũng có thể làm được’.
“Việt Nam đặc biệt có những nguyên liệu cần thiết để sản xuất chất bán dẫn,” ông Thành nói thêm.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một cựu thành viên khác của tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhắc đến tập đoàn Samsumg cũng đã sản xuất chip ở Việt Nam. Ông nói nếu có sự hợp tác của Mỹ thì Việt Nam có thể vượt qua thách thức về thiếu nguồn nhân lực.
“Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ [rẻ hơn Trung Quốc], có năng suất làm việc và chính quyền có đưa ra nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài,” ông Doanh nói và cho biết một số doanh nghiệp Mỹ đã ‘chuyển một phần chuỗi sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam’.
Khác với Trung Quốc đang gặp phải chiến tranh thương mại với Mỹ, giữa Việt Nam và Mỹ đã ký hiệp định thương mại song phương nên hàng hóa sản xuất ở Việt Nam xuất sang Mỹ ‘dễ dàng hơn’, ông Doanh nói thêm.
‘Bước ngoặt phát triển’
Tuy nhiên, ông Doanh nói Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng hơn nữa, nhất là vận tải hàng không, thì mới đáp ứng được yêu cầu của Mỹ, và cần ‘tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật cho phù hợp với những quy định trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết’.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng nêu vấn đề cơ sở hạ tầng và nói thêm về việc ‘chi phí không chính thức đối các doanh nghiệp Việt Nam chiếm đến 5-10%’ mà chính phủ Việt Nam cần phải khắc phục nếu muốn đón thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ.
Bà Phạm Chi Lan nhận định rằng nâng cấp quan hệ với Mỹ là ‘bước ngoặt’ đối với nền kinh tế Việt Nam vì nó sẽ giúp nước này ‘thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nền kinh tế’.
“Việt Nam sẽ bước ra khỏi tình trạng gia công để có thể bước sang nền kinh tế tự chủ hơn, có năng suất lao động cao hơn cũng như làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn,” bà nói.
“Trong tình hình kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay, các lĩnh vực đầu tư nước ngoài hay xuất khẩu của Việt Nam cũng cho thấy giới hạn của nó. Nếu Việt Nam không chuyển đổi thì sẽ không có cách nào bứt lên được để thực hiện khát vọng trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045,” bà Lan nói thêm và cảnh báo nếu Việt Nam không thay đổi nhanh thì ‘sẽ quá trễ’.
Mặt khác, khi Việt Nam hợp tác với Mỹ để chuyển đổi nền kinh tế, các nước đồng minh của Mỹ như các nước châu Âu, Úc, Nhật hay Hàn ‘sẽ sẵn sàng hơn trong việc chung tay với Mỹ giúp đỡ Việt Nam phát triển theo hướng đó’, bà chỉ ra.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn