Các bác sĩ ở Dallas, Texas nói người đầu tiên từ trước đến giờ được chẩn đoán nhiễm virut Ebola ở Hoa Kỳ vẫn ở trong tình trạng nguy kịch, nhưng ổn định, trong khi các giới chức y tế theo dõi thân nhân và những người khác đã tiếp xúc với ông ta sau khi ông ta từ Liberia tới. Các giới chức nói khoảng 100 người có thể đã tiếp xúc với người đàn ông bị nhiễm bệnh trong thời gian ông ta có thể gây lây nhiễm.
Người đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh Ebola ở Hoa Kỳ là ông Thomas Eric Duncan, mang quốc tịch Liberia, nhập viện vào bệnh viện Texas Health Presbyterian ở Dallas hôm chủ nhật vừa qua. Vài ngày trước đó, ông đã ở cùng với gia đình và bạn bè. Trực tiếp hay gián tiếp, ông có thể đã tiếp xúc với khoảng 100 người. Giới hữu trách đã cách ly 4 người thân của ông ở nhà của họ và đang tìm hiểu thông tin về những người khác có thể ở gần ông ta.
Tranh luận tiếp tục về việc bệnh viện ở Dallas đã không lập tức cách ly ông Duncan khi ông đến chữa trị lần đầu, vài ngày trước khi nhập viện.
Bác sĩ Tom Kenyon, Giám đốc về Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Kiểm soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ, nói những sơ suất như thế có thể xảy ra với sự xuất hiện bất chợt của cơn dịch bệnh lớn này:
“…điều không thể tránh khỏi là cơn dịch bệnh hiện hữu càng lâu dài, nó trở nên càng lớn, thì rủi ro càng lớn cho những vụ nhập bệnh như chúng ta thấy này. Do đó, tuy chúng ta lấy làm tiếc là vụ Ebola ở Texas này đã xảy ra, chúng ta hy vọng điều tốt nhất cho sức khoẻ của vị này. Chúng tôi muốn nêu ra rằng đây không phải là sự thất bại của hệ thống kiểm tra. Đây là một thực tế của dịch bệnh mà chúng ta rơi vào.”
Các giới chức tiếp tục theo dõi sức khoẻ của bất kỳ người nào có thể đã tiếp xúc với ông Duncan, nhưng ông vẫn ở đây và đang được cách ly để điều trị.
Một số người lo ngại về điều sẽ xảy ra nếu những người khác cũng bị nhiễm bệnh:
“Lúc đầu thì chỉ ở châu Phi, nhưng nay thì bệnh đã ở đây, thành một sự kiện địa phương, tuy không lan rộng, nhưng nó đã đến đây.”
Tuy nhiên, đa số đã tỏ ra không lo ngại mấy.
Có người nói: “Tôi không thực sự quan ngại. Bệnh xảy ra ở bệnh viện và tôi không tiếp xúc với ai có dính dáng đến bệnh cả.”
Người khác lại nói: “Cho đến giờ thì việc làm bất cứ gì đều vượt ngoài khả năng của tôi, tôi chỉ biết tin tưởng mà thôi.”
Tin tưởng vào hệ thống y tế Hoa Kỳ cũng là thái độ của ông Gabriel Ogueri, người Nigeria:
“Tình hình có ra sao đi nữa, thì kỹ thuật y tế chúng ta có ở nước này sẽ giải quyết được. Chúng ta có những gì cần để xoá bệnh. Tôi không sợ hãi gì cả.”
Nhiều cư dân ở Dallas cũng nói họ sẽ thay đổi thái độ nếu rồi ra có như có nhiều người đã bị ông Duncan làm cho nhiễm bệnh và có các triệu chứng.
Các chuyên gia về Ebola nói cách tốt nhất để phòng chống thêm những vụ lây nhiễm ở Hoa Kỳ hay các nơi khác là diệt trừ bệnh ngay ở Tây Phi, nơi cơ sở hạ tầng y tế và chăm sóc y khoa vẫn còn thiếu thốn.