Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen sống ở Mỹ lên án lệnh bắt giữ ông được ban hành ở Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc ông chủ mưu cuộc đảo chính bất thành hồi tháng trước ở nước này.
Trong một thông cáo công bố vào cuối ngày thứ Năm, ông nói: "Có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống tòa án Thổ Nhĩ Kỳ không có sự độc lập tư pháp, vì vậy lệnh bắt giữ này là một ví dụ khác của việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vươn tới nền cai trị độc đoán và xa rời nền dân chủ."
"Việc một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh bắt giữ không làm thay đổi bất cứ điều gì về vị thế của tôi hay quan điểm của tôi," ông Gulen nói.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng ông Gulen, người từng là đồng minh của Tổng thống Erdogan, là kẻ chủ mưu cuộc đảo chính của những sĩ quan phản loạn và đã kêu gọi Mỹ dẫn độ ông ta về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên Ankara chưa đệ đơn yêu cầu dẫn độ chính thức.
Ông Gulen phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào hoặc có hay biết về âm mưu đảo chính quân sự ngày 15 tháng 7. Ông cũng đã lên án sự kiện này.
Phát biểu trước những nhà lãnh đạo phòng thương mại ở Ankara trước đó trong ngày thứ Năm, ông Erdogan nói rằng chính phủ của ông "quyết tâm hoàn toàn cắt đứt mọi liên kết kinh doanh của tổ chức này bị vấy máu trên tay."
Ông cũng nói rằng "mỗi một xu" dành cho phong trào của ông Fethullah Gulen là "một viên đạn lắp trong nòng súng bắn vào đất nước này."
Hơn 60.000 người trong quân đội, nhánh tư pháp, giới công chức và ngành giáo dục đã bị câu lưu, đình chỉ công tác hoặc đang bị điều tra sau cuộc đảo chính bất thành vào ngày 15 tháng 7. Việc này khơi lên những lo ngại rằng ông Erdogan đang lợi dụng sự kiện này để đàn áp quan điểm bất đồng.
Hơn 230 người, không tính những người lập mưu đảo chính, đã chết và hàng ngàn người khác bị thương khi binh sĩ nổi loạn chiếm quyền kiểm soát máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và xe tăng trong nỗ lực bất thành nhằm lật đổ chính quyền.