Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái khẳng định cuộc đảo chính thất bại hồi tháng trước là do âm mưu đến từ nước ngoài.
Ông Erdogan nói trong một bài phát biểu trên truyền hình: "Cuộc đảo chính này không phải là một sự kiện được hoạch định ở trong nước. Những kẻ tham gia ở bên trong đã thực hiện một kịch bản cho cuộc đảo chính được soạn ra từ bên ngoài".
Những lời cáo buộc này có phần chắc nói đến giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen, một người chống đối ông Erdogan đã sống ở Mỹ trong gần hai thập niên qua. Ông Gulen đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào tới cuộc nổi dậy. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen, 75 tuổi, và đã gửi cho các quan chức Mỹ các tài liệu về vai trò mà ông Gulen bị cáo buộc đã đóng trong âm mưu đảo chính bất thành.
Ông Erdogan cũng cáo buộc phương Tây là hỗ trợ cho khủng bố, đây là một trong những lời chỉ trích gay gắt nhất đối với các đồng minh phương Tây của ông kể từ cuộc đảo chính bất thành ngày 15 tháng 7.
Ông Erdogan nói: "Thật không may, phương Tây đang hỗ trợ cho khủng bố và đứng về phía những kẻ âm mưu đảo chính. Những người mà chúng ta tưởng là bạn đang sát cánh cũng những kẻ âm mưu đảo chính và những kẻ khủng bố".
Ông Erdogan cáo buộc cụ thể Liên hiệp châu Âu không làm đúng lời hứa của họ trong việc đền đáp cho Thổ Nhĩ Kỳ để kiềm chế người nhập cư bất hợp pháp, mặc dù theo lời ông chính phủ đạt thành công rất lớn trong vấn đề này.
Hơn 50.000 người đã mất việc làm trên cả nước và hơn 18.000 người bị giam giữ liên quan tới âm mưu đảo chính – những con số này đã khiến các chính phủ phương Tây và các nhóm bênh vực nhân quyền lên tiếng chỉ trích và bày tỏ quan ngại.
Theo bộ trưởng thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đảo chính bất thành đã làm nền kinh tế của đất nước thiệt hại khoảng 100 triệu đôla.
Ông Bulent Tufenkci, Bộ trưởng Hải quan và Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, nói thiệt hại trực tiếp do các hành động của chính phủ và việc các tòa nhà và tài sản bị hủy hoại sau đó lên đến khoảng 100 triệu đôla, nhưng "thiệt hại còn có thể tăng hơn nữa". Ông Tufenkci nói với báo Hurriyet rằng các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến tình trạng các đơn đặt hàng nước ngoài bị hủy do cuộc đảo chính, và việc các nhà đầu tư giờ đây thiếu niềm tin vào chính phủ có thể làm đất nước thiệt hại tiền bạc nhiều hơn nữa.
Một nhóm các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt ở Washington để gây sức ép với giới chức Mỹ phải đáp ứng yêu cầu của Ankara đòi dẫn độ một cựu giáo sĩ Hồi giáo bị cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước nằm giữa châu Âu và châu Á.
Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói không trao ông Fethullah Gulen cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây xáo trộn mối quan hệ giữa hai nước, và cũng sẽ có liên quan trực tiếp đến sự ổn định khu vực.
Ông Taha Ozhan, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, nói: "Vào thời điểm khi mà cuộc đấu tranh quyền lực đang leo thang, không thể nào chấp nhận được khả năng người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được ở lại tại một nước đồng minh,và có thể trốn thoát khỏi nước Mỹ mà không bị bắt giữ".
Cuộc họp tại Bộ Tư pháp có tính hợp tác, nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, nếu Washington không lưu tâm tới yêu cầu của Ankara đòi dẫn độ ông Gulen.
Các quan chức Mỹ không muốn thảo luận về kết quả của lời yêu cầu dẫn độ tại thời điểm này, mà chỉ trả lời rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang nghiên cứu hồ sơ đòi dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ.