Đường dẫn truy cập

Giàn khoan nước sâu là vũ khí chiến lược ở Biển Ðông


Giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ở biển Bột Hải
Giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ở biển Bột Hải
Khu vực nước sâu Biển Đông là một khu vực hầu như chưa được đụng chạm đến xét về mặt khai thác dầu mỏ và khí đốt. Lý do quan trọng nhất khiến khu vực này còn chưa được đụng chạm đến là vì tranh chấp chủ quyền khiến các công ty tư nhân không ai muốn thăm dò và khai thác ở vùng biển này. Reuters trích lời của Gordon Kwan thuộc Mirae Asset Securities cho rằng “nếu bạn có thể khoan dầu ở miền tây Phi Châu, Vịnh Mexico, Brazil, hay Biển Bắc, thì tại sao lại phải đến Biển Đông làm gì?”

Trong khi các công ty tư nhân không muốn mạo hiểm làm ăn trên Biển Đông, các công ty của nhà nước như CNOOC có thể có lý do để tiến vào khu vực này. Vì theo lời chủ tịch của CNOOC, ông Wang Yilin, các giàn khoan nước sâu ngoài câu chuyện kiếm tiền cho công ty, còn là các “mobile national territory” (lãnh thổ quốc gia di động) và là một “strategic weapon” (vũ khí chiến lược).

Trên thực tế, việc khai thác dầu khí ở Biển Đông cũng không được bất cứ bên nào đả động đến cho mãi tới thời gian gần đây. Lý do là để thăm dò và khai thác được dầu/khí ở các vùng nước sâu thì phải cần đến các công nghệ khai thác ở vùng nước sâu (thí dụ như các giàn khoan nước sâu lưu động hoặc các tàu khoan).

Trên nguyên tắc, các nước có thể thuê các thiết bị khoan ở vùng nước sâu này. Tuy nhiên, do sự bùng nổ về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, công suất sử dụng của các thiết bị khoan nước sâu này luôn ở mức 90% đến 100% vì thế việc thuê mướn thiết bị gần như không thể. Đó là chưa kể những quan ngại về chuyện ăn cắp công nghệ khi cho các công ty ở các quốc gia không có truyền thống tôn trọng vấn đề bản quyền thuê.

Vì thế, để thực thi chủ quyền trên thực tế thông qua việc khoan dầu/khí ở Biển Đông, các bên tham gia tranh chấp trên vùng biển này sẽ phải dựa vào thực lực công nghệ của chính mình, hoặc là đi mua. Trong số các nước đang tranh chấp ở khu vực này, mới chỉ có Trung Quốc là có được công nghệ khoan ở vùng nước sâu, và cũng chỉ mới có được từ năm ngoái. Dự án trị giá tới gần 1 tỷ USD được hoàn thành và đặt tên Haiyang Shiyou 981 do CNOOC sở hữu có khả năng khoan với độ sâu 3km dưới mặt nước biển.

Và kể từ đó Trung Quốc liên tục đề cập đến câu chuyện khai thác dầu khí ở Biển Đông. Động thái đầu tiên kể từ khi có Haiyang Shiyou 981 là đưa giàn khoan này tới khoan thử ở vùng biển phía tây nam của Hồng Kông, cách Hồng Kông khoảng 320km vào giữa tháng 5 vừa qua. Vùng biển này, theo AP, là nằm hoàn toàn trong chủ quyền của Trung Quốc chứ không thuộc vùng đang bị tranh chấp trong Biển Đông. Tuy nhiên, độ sâu của vùng khoan “thử nghiệm” này chỉ có khoảng 1,5km. Điều này làm nhiều người đồn đoán rằng Haiyang Shiyou 981 nhiều khả năng sẽ được kéo xuống vùng biển tranh chấp để thực thi cái gọi là “lãnh thổ quốc gia di động” theo lời của chủ tịch CNOOC.

Hồi tháng 6 vừa qua, cũng chính CNOOC, ra tuyên bố kêu gọi “mời thầu” các công ty dầu khí nước ngoài tới thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Đương nhiên lời kêu gọi này không được bất cứ công ty dầu khí danh tiếng nào trên thế giới hưởng ứng vì tính phi lý của nó.

Tuy nhiên, gần đây phía Trung Quốc lại có thêm một động thái mới khiến giới phân tích quốc tế lo ngại. CNOOC hồi cuối tháng 8 vừa rồi đã chính thức nộp thầu để mua công ty Nexen Inc. của Canada với giá 15.1 tỷ USD. Nếu mua được Nexen, CNOOC sẽ sở hữu được các hoạt động của Nexen trong vùng nước sâu ở Vịnh Mexico. Điều này sẽ ngay lập tức trang bị cho CNOOC các kỹ thuật và thậm chí thiết bị cần thiết để tiến hành thăm dò ở vùng tranh chấp trên Biển Đông. Với CNOOC, hiểu biết và kinh nghiệm về khoan ở vùng nước sâu còn rất non trẻ, và sự bổ xung từ một lão tướng kinh qua trận mạc như Nexen là một sự bổ xung lý tưởng cho tham vọng nước sâu của họ.

Điểm khó với CNOOC là để thông qua được deal này, CNOOC cần hai sự chấp thuận:

Thứ nhất là của chính phủ Canada, vì đây là giao dịch lớn. Theo luật pháp Canada, bất cứ giao dịch mua tài sản nào của nước ngoài có giá trị trên 330 triệu đồng tiền Canada (tương đương 334 triệu USD) sẽ phải được sự chấp thuận của chính quyền liên bang nhằm đảm bảo các giao dịch này đem lại “lợi ích ròng” cho đất nước. CNOOC đã nộp hồ sơ xin chấp thuận từ 28 tháng 8 vừa qua. Thời gian để chính quyền ra quyết định tên tới 45 ngày, thậm chí có thể kéo dài tới 75 ngày. Nghĩa là số phận của giao dịch này có thể phải chờ đến giữa tháng 11 mới có kết quả từ phía chính quyền Canada.

Thứ hai, vì Nexen đang sở hữu tài sản trên vịnh Mexico, giao dịch này cũng cần sự chấp thuận của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS - Committee on Foreign Investment of the United States) của Mỹ do bộ trưởng thương mại làm chủ tịch. Theo Bloomberg, CNOOC đã nộp hồ sơ xin chẩn thuận từ CFIUS nhưng không nói rõ ngày.

Cả hai sự chấp thuận này đều không dễ đạt được. Theo một điều tra dư luận xã hội do Sun News Network công bố, có tới khoảng 6 trong số 10 người Canada cho rằng chính quyền đất nước này phải từ chối không cho giao dịch giữa CNOOC và Nexen. Khi được hỏi liệu chính quyền có nên chấp thuận deal này hay không, 57% người Canada nói không, chỉ có 9% nói có, số còn lại không có ý kiến. Vùng có tỷ lệ phản đối đông nhất là British Columbia với 63% số người được hỏi không đồng ý và chỉ có 8% đồng ý.

Từ phía Mỹ, câu chuyện cũng không dễ dàng hơn. Đã có nhiều sự phản đối từ các chính khách. Thí dụ ngay từ tháng 7 vừa rồi, khi CNOOC còn chưa nộp hồ sơ xin chấp thuận, thì Financial Times đã đưa tin thượng nghị sĩ Chuck Schumer viết thư kêu gọi chính phủ Mỹ không chấp thuận cho giao dịch này trừ khi chính quyền Trung Quốc có những cam kết cụ thể về việc đối xử tương tự với các công ty Mỹ.

Và điều này khơi gợi lại ký ức về giao dịch hồi năm 2005 khi CNOOC toan tính mua lại công ty dầu lửa Unocal của Mỹ với giá 18.5 tỷ USD. Sau khi gặp phải sự phản đối giữ dội về mặt chính trị từ Washington, CNOOC đã tự nguyện bỏ cuộc.

Liệu lần này việc mua Nexen của CNOOC có thuận buồm xuôi gió hay không? Có vẻ như chính quyền của ông Harper ở Canada hiện nay đang khá thân thiện với việc làm ăn với Trung Quốc và các tiếng nói phản đối từ Mỹ cũng chưa mạnh. Nếu như giao dịch này thành công thì các quốc gia như Việt Nam hay Philippines lại có thêm lý do để lo ngại về việc CNOOC – với vũ khí chiến lược mới - sẽ tiến xuống, và tiến nhanh hơn xuống, vùng tranh chấp trên Biển Đông để giúp Trung Quốc thực thi chủ quyền trên thực tế?

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG