Đường dẫn truy cập

Giải Nhân quyền Việt Nam 2016


Nhà hoạt động xã hội Cấn Thị Thêu tham gia biểu tình bảo vệ môi trường.
Nhà hoạt động xã hội Cấn Thị Thêu tham gia biểu tình bảo vệ môi trường.

Các blogger dấn thân vì tự do ngôn luận, một luật sư bảo vệ người nghèo, và hai phụ nữ tranh đấu vì quyền lợi đất đai trong nước được vinh danh Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2016.

Giải thưởng thường niên của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại bang California, Hoa Kỳ, năm nay được trao cho Mạng lưới Blogger Việt Nam, luật sư Võ An Đôn, và hai nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và Trần Ngọc Anh.

Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên từng công tác cho Phòng Nội chính Văn phòng tỉnh ủy Phú Yên trước khi ra mở văn phòng luật sư riêng tại thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa. Ông được biết đến sau khi phơi bày vụ án 5 công an Tuy Hòa đánh chết ông Ngô Thanh Kiều vào năm 2012. Trong vụ này, luật sư Đôn đã tình nguyện giúp đỡ pháp lý hoàn toàn miễn phí cho gia đình nạn nhân ngay từ buổi đầu. Sau vụ án này, tên tuổi ông ngày càng nổi bật với rất nhiều các trường hợp ông đứng ra bảo vệ không công cho những người nghèo bị thiệt thòi, những thành phần thấp cổ bé họng trong xã hội, và những nạn nhân bị công an bạo hành.

Trên con đường theo đuổi công lý cho người nghèo, ông đã gặp nhiều sách nhiễu và đe dọa và thậm chí đã bị đề nghị tước chứng chỉ hành nghề luật sư.

Ông từng hai lần tự ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên vào năm 2011 và 2016, nhưng bị loại từ những vòng ‘đấu tố’ địa phương.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam nói những đóng góp của luật sư Đôn đã thu hút được sự ủng hộ của những người quan tâm nhân quyền và sự cảm phục của những người yêu chuộng công lý.

Bà Trần Ngọc Anh và bà Cấn Thị Thêu là hai nhà hoạt động kiên trì phản đối việc cưỡng chế tịch thu đất đai biến nhiều người thành ‘dân oan’ khiếu kiện hoặc lâm cảnh màn trời chiếu đất giữa chính sách đất đai còn nhiều bất cập của Việt Nam.

Sáng lập viên Phong trào Liên đới Dân oan, bà Ngọc Anh ở Bà Rịa, và bà Thêu, cư dân Hà Tây, từng tham gia nhiều cuộc biểu tình và khiếu nại tập thể đòi giải quyết minh bạch các đơn kiện đất đai, vốn chiếm đa số tổng đơn kiện tại Việt Nam.

Cả hai phụ nữ này đều bị bắt giữ nhiều lần sau các cuộc biểu tình kiên trì kêu gọi công lý. Bà Anh từng bị bỏ tù 15 tháng vì tội danh ‘gây rối trật tự’ trong khi bà Thêu bị kêu án 15 tháng tù giam vào năm 2014 với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ và tháng 6 năm nay bà lãnh án 20 tháng tù ‘gây rối an ninh trật tự’.

Trong thông cáo công bố giải thưởng năm nay, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam nói hai nhà hoạt động này ‘đã vượt qua quyền lợi cá nhân để đấu tranh cho tập thể dân oan bị bóc lột.’

Mạng lưới Blogger Việt Nam là một tập hợp các ngòi bút độc lập trong nước cổ súy cho quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Bất chấp những cản trở từ nhà cầm quyền, từ ngày thành lập 10/12/2013 tới nay, Mạng lưới này đã mở ra nhiều hoạt động nâng cao ý thức của mọi người về dân chủ và nhân quyền cùng các chiến dịch quốc tế vận đánh động sự quan tâm của công luận thế giới về quyền con người tại Việt Nam.

Trong số các cuộc vận động nổi bật của Mạng lưới có chiến dịch ‘Tuyên bố 258’ hồi năm 2013 kêu gọi quốc tế áp lực Việt Nam bỏ điều 258 Bộ luật Hình sự hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân, chiến dịch ‘Chúng tôi muốn biết’ năm 2014 , ‘We are one’ năm 2015 đòi hỏi minh bạch và tôn trọng quyền con người, và tích cực tham gia các hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường, phản đối Formosa trong năm nay.

Ngoài ra, Mạng lưới các ngòi bút phản biện này cũng khởi xướng những buổi hội thảo nhân quyền và công bố hồ sơ các nạn nhân của nạn bạo hành trong ngành công an.

Từ ngày thành lập, các thành viên trong Mạng lưới đã nhanh chóng trở thành mục tiêu trấn áp của lực lượng công quyền mà gần đây nhất là trường hợp của blogger Mẹ Nấm, người bị bắt giam trong tháng rồi đang chờ ngày xét xử về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Blogger Dương Đại Triều Lâm thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam nói về Giải thưởng Nhân quyền 2016:

“Chúng tôi rất vui mừng, xem đây là điều khích lệ cho những gì chúng tôi đã làm trong những ngày tháng qua. Đây cũng là động lực cho các thành viên Mạng lưới tiếp tục hoạt động và phục vụ cho tiêu chí về tự do ngôn luận, tự do dân chủ-nhân quyền Việt Nam.”

Đại diện những người được vinh danh Giải thưởng Nhân quyền 2016, blogger Triều Lâm, chia sẻ thêm với VOA Việt ngữ:

“Cũng như tất cả anh chị em, các hội nhóm khác trong nước, chúng tôi đang ở trong vòng kiềm tỏa. Vì vậy, chúng tôi phải bằng mọi cách tận dụng những gì có thể có để cất lên tiếng nói, đưa những sự việc ra công luận quốc tế, những sự thật đang xảy ra tại Việt Nam. Chúng tôi cố gắng thực hiện những quyền căn bản của con người.”

Thành lập từ năm 2002, Giải Nhân quyền Việt Nam hằng năm được trao tặng cho các cá nhân, tổ chức đóng góp bảo vệ quyền con người tại Việt Nam và cũng là thông điệp của người Việt hải ngoại bày tỏ đoàn kết, ủng hộ công cuộc tranh đấu vì nhân quyền cho người dân trong nước.

Lễ trao giải năm nay sẽ diễn ra vào Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 tại Boston, Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG