Ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng bị bỏ tù ở Việt Nam, mới đây liên lạc báo cho gia đình biết ông bị trại giam “gây khó khăn, trù dập”, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức, cho VOA biết hôm 31/7.
“Vào sáng Chủ nhật 30/7, anh Thức gọi điện thoại về nhà một cách bất thường”, ông Tân nói và giải thích thêm rằng thông thường theo tiêu chuẩn gọi về hằng tháng, ông Thức không bao giờ được trại giam cho gọi vào ngày Chủ nhật, nên gia đình cảm nhận có gì đó bất ổn với ông.
“Sau khi thăm hỏi dặn dò như mọi khi, anh Thức thông báo là anh đang bị gây khó khăn, trù dập”, vẫn lời ông Tân nói với VOA.
Ông Thức, 57 tuổi, nói với gia đình rằng hôm 20/7, các nhân viên trại giam ở tỉnh Nghệ An khám xét buồng, lấy ra hết máy đo đường huyết và huyết áp, quạt chạy pin, đèn đọc sách. Họ nói cần kiểm tra vài ngày các đồ đó rồi sẽ trả lại nhưng 10 ngày đã qua và họ vẫn chưa trả. Sau đó còn có một lần kiểm tra nữa vào ngày 22/7.
Vì vậy, suốt một tuần nay, ông Thức không đường huyết và huyết áp của mình như thế nào, ông báo với gia đình.
Bên cạnh việc làm kể trên, trại giam cũng không duyệt một số bức thư bàn về thời cuộc của ông Thức gửi gia đình với lý do “không đảm bảo nội dung giáo dục và cải tạo phạm nhân”, ông Thức cho hay.
VOA đã liên lạc với Trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An, để hỏi về những cáo buộc mà ông Thức đưa ra, song không có hồi đáp từ phía trại giam.
Ông Thức cho rằng đây một diễn biến hoàn toàn trái ngược với trước đây, khi họ vẫn duyệt các bức thư khác của ông gửi về nhà và bàn về các đề tài không khác mấy, ông Tân thuật lại với VOA.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Việt Nam, từng là một kỹ sư và doanh nhân, đã bị chính quyền Việt Nam bắt vào tháng 5/2009 với tội danh lúc đầu là “trộm cắp cước điện thoại”, sau đó ông bị cáo buộc hoạt động chính trị nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trong phiên toà xét xử cùng với luật sư Lê Công Định, ông Nguyễn Tiến Trung và ông Lê Thăng Long vào ngày 20/1/2010, ông Thức bị tuyên án nặng nhất, lên đến 16 năm tù giam và bị tịch thu một phần tài sản.
Nói hôm 30/7 với gia đình, ông Thức phản đối hành động của trại giam và nhận định rằng đó là “sự trả thù, trù dập” vì ông Thức đấu tranh với bản án tù sai trái.
Như VOA đã đưa tin, hồi tháng 11/2022, ông Thức và gia đình đã gửi đơn đến chủ tịch nước của Việt Nam đề nghị xem xét miễn hình phạt tù còn lại đối với ông Thức.
Lá đơn lập luận rằng Bộ Luật hình sự đã được sửa đổi vào năm 2015 và 2017, tức là có hiệu lực sau khi ông Thức đã bị kết án, có điều khoản quy định rằng người ‘chuẩn bị phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không thuộc diện chịu trách nhiệm hình sự’, vì vậy, cần phải áp dụng điều khoản đó đối với ông Thức và trả tự do cho ông ngay.
Nhưng vào đầu tháng 7 này, Tòa án Nhân dân Tối cao của Việt Nam có công văn trả lời số 253 nói rằng ông Thức “không thuộc đối tượng được áp dụng các điều khoản có lợi” để “xem xét miễn chấp hành hình phạt còn lại”.
Ông Tân, em trai của ông Thức, nói với VOA rằng phía tòa án đã tránh né và trả lời sai, còn ông Thức và gia đình tiếp tục phản đối văn bản này.
Trong cuộc điện thoại về nhà mới đây, ông Thức phỏng đoán rằng các hành động “gây khó khăn và trù dập” từ phía trại giam “chắc là có sự phối hợp với Văn bản 253”, ông Tân kể lại với VOA.
Nói với gia đình, ông Thức khẳng định việc cầm tù ông “đến giờ đã quá sai trái, chà đạp pháp luật và công lý”.
Để phản đối các động thái mới có của trại giam, ông Thức nói rằng ông “sẽ từ chối thăm gặp từ tháng sau” và vì vậy gia đình hãy “sẵn sàng tinh thần” sẽ không gặp ông cho tới khi ông mãn hạn tù. Ông Tân cho VOA biết thời gian thụ án còn lại của ông Thức là khoảng 1 năm 10 tháng.
Vẫn ông Thức nói thêm rằng nếu trại giam tiếp tục gây khó khăn, ông sẽ phản đối bằng cách không điện thoại về nhà. “Tháng nào mà thấy tôi không điện về là biết tôi đang bị gây khó khăn nghiêm trọng”, ông Thức nói, ông Tân thuật lại với VOA.
Ông Thức cũng muốn gia đình báo tình hình của ông cho các đại sứ quán nước ngoài biết và nhờ họ yêu cầu vào gặp ông.
Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu và các tổ chức nhân quyền trên thế giới nhiều lần lên tiếng chỉ trích và bày tỏ quan ngại về hình phạt nặng nề mà Hà Nội dành cho ông Thức và các nhà hoạt động khác chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hoà.
Diễn đàn