Thêm nhiều thông tin về nghi can đánh bom ở New York và New Jersey xuất hiện, sau khi nhân vật này bị bắt giữ.
Các hãng tin cho biết rằng, sau một cuộc đọ súng với cảnh sát, Ahmad Rahami bị bắt cuối giờ sáng nay, 19/9, ở Linden, New Jersey. Tin cho hay, anh ta bị phát hiện vì dấu vân tay trên một trong những quả bom chưa phát nổ.
Người đàn ông mang quốc tịch Mỹ gốc Afghanistan sinh sống ở Elizabeth, New Jersey, cách nơi bị “tóm” khoảng 6km. Đây là một trong số các thành phố mà Rahami nhắm mục tiêu.
Truyền thông Mỹ dẫn các hồ sơ cho biết rằng nghi can 28 tuổi này cũng không xa lạ với lực lượng thi hành công lực Mỹ. Hồi tháng Tám năm 2014, anh ta bị truy tố tội hành hung gây thương tích nghiêm trọng, sở hữu vũ khí trái phép, nhưng rồi được thả sau khi trả một khoản bảo lãnh 25 nghìn đôla.
Nhưng hiện chưa rõ lý do ngay là vì sao bồi thẩm đoàn của quận hạt Union ở New Jersey không kết tội anh này. Khi ấy, nghi can sống tại Perth Amboy cũng thuộc tiểu bang New Jersey.
Năm 2011, gia đình Rahami đâm đơn kiện cấp liên bang đối với thành phố Elizabeth, cáo buộc cảnh sát thành phố này đã gây trở ngại cho họ cũng như quán bán gà rán có tên gọi “First American Fried Chicken” vì họ là tín đồ Hồi giáo.
Gia đình của nghi can sinh sống ở phía trên cửa hàng này, nằm cách không xa sân bay quốc tế Newark Liberty.
Ông Ryan McCann, một khách hàng của “First American Fried Chicken”, nói về nghi can: “Anh ta rất thân thiện, và đó là điều đáng sợ. Tôi đến đây một hoặc hai lần một tuần, và lần nào cũng thấy anh ta ở đó. Họ không khác người. Họ dường như đã bị Mỹ hóa. Ta có lẽ không biết trước được điều gì vì anh ta lúc nào cũng nói về xe ôtô”.
Nghi can này cùng với những người anh chị em của mình từng giúp làm việc thu ngân tại quán. Tin cho hay, các nhân viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã có mặt ở quán ăn này để truy tìm bằng chứng.
Một chủ cửa hàng gần đó cho biết gia đình Rahami “sống rất tách biệt, và ít khi trò chuyện với người khác”.
Theo phát ngôn viên của trường Cao đẳng Cộng đồng Middlesex, Rahami theo học chuyên ngành luật hình sự tại trường này từ năm 2010 tới 2012, nhưng không tốt nghiệp. Hiện chưa rõ ngay lý do vì sao.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng tên của Rahami không nằm trong dữ liệu chống khủng bố của Hoa Kỳ.
Theo NBC, USA Today, BBC, Reuters, VOA