Đường dẫn truy cập

Nghi can đánh bom khủng bố New York bị bắt


Ahmad Khan Rahami, nghi can vụ đánh bom ở New York và New Jersey, được đưa vào một xe cứu thương ở Linden, New Jersey, 19/9/2016.
Ahmad Khan Rahami, nghi can vụ đánh bom ở New York và New Jersey, được đưa vào một xe cứu thương ở Linden, New Jersey, 19/9/2016.

Người đàn ông 28 tuổi ở New Jersey bị truy nã vì liên hệ tới một loạt nổ bom khủng bố tại New York và New Jersey trong 3 ngày qua vừa bị bắt hôm nay (19/9) sau khi bị trúng đạn, theo tin đài NBC News.

Ahmad Rahami, cư dân thành phố Elizabeth, bang New Jersey, được xác nhận là nghi can, sau khi người ta tìm thấy dấu vân tay trên một trong những quả bom không phát nổ, nguồn tin này dẫn lời một giới chức chấp pháp cấp cao cho biết.

Các nhà điều tra cũng phát hiện những thông tin giúp lần ra dấu nghi phạm Rahami trên các điện thoại được kết nối với những quả bom chưa nổ.

Giới chức không nêu danh nói với NBC: ‘Anh ta dường như chẳng làm gì để xóa dấu vết.’

Giới chức này cũng từ chối xác nhận liệu các vụ đánh bom vừa xảy ra có phải do Nhà nước Hồi giáo chỉ đạo hoặc xúi giục hay không.

NBC nói Rahami bị câu lưu sau khi bắn vào một cảnh sát tại Linden, New Jersey.

Hai nguồn tin cho NBC biết rằng hung thủ cũng bị trúng đạn và đang được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tin nói cảnh sát viên bị trúng thương không nguy hiểm tới tính mạng.

Phát lệnh truy nã

Lệnh truy nã nghi can vụ đánh bom ở New York và New Jersey.
Lệnh truy nã nghi can vụ đánh bom ở New York và New Jersey.

Nghi can gốc Afghanistan bị bắt ít lâu sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ, FBI, phát lệnh truy nã đối với nhân vật này. Sau đó, Thị trưởng New York Bill de Blasio nói với kênh truyền hình CNN rằng chính quyền “cần phải tóm được ông ta” ngay lập tức.

Đầu giờ sáng nay, 19/9, thống đốc New York Andrew Cuomo lặp lại rằng vụ đánh bom hôm 17/9 là một “hành động khủng bố”, và rằng có thể có “liên hệ với nước ngoài”. Một ngày trước đó, ông Cuomo nói ông không tin vụ đánh bom có liên hệ tới “khủng bố quốc tế”.

Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ và cảnh sát ở New York hôm nay, 19/9, vẫn tiếp tục truy tìm các nghi can, cũng như xem xét liệu có mối liên hệ giữa vụ nổ bom tối 17/9 ở Manhattan và một thiết bị nổ khác tìm thấy gần đó.

Giới hữu trách đã chặn một “chiếc xe đáng ngờ” trên đường cao tốc ở khu vực Brooklyn thuộc New York cuối ngày 18/9, và sau đó, FBI thẩm vấn năm người bên trong xe, nhưng không ai bị truy tố vì bất kỳ tội danh nào.

Vụ nổ xảy ra tối 17/9 ở khu vực Chealsea làm 29 người bị thương, và tới nay, tất cả đã xuất viện.

Thiết bị nổ thứ hai, được tìm thấy ngay sau vụ nổ thứ nhất, gồm một chiếc nồi áp suất và một chiếc điện thoại di động gắn vào chiếc nồi này. Cảnh sát đã đưa thiết bị nổ này đi và hôm 18/9, cho biết rằng đã cho nổ tung nó một cách an toàn.

Các kỹ thuật viên của FBI tại một phòng thí nghiệm gần Washington đang xem xét bằng chứng từ cả hai quả bom.

Các nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) đi qua những điểm đánh dấu bằng chứng gần hiện trường vụ nổ ở khu phố Chelsea, Manhattan, New York, ngày 18 tháng 9 năm 2016.
Các nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) đi qua những điểm đánh dấu bằng chứng gần hiện trường vụ nổ ở khu phố Chelsea, Manhattan, New York, ngày 18 tháng 9 năm 2016.

Ông Tom Sanderson, Giám đốc phụ trách một nhóm có tên gọi Chương trình Các mối đe dọa Xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Washington nói với VOA rằng ông kỳ vọng các nhà điều tra sẽ nắm được nhiều thông tin từ các cuộc kiểm nghiệm bằng chứng.

Ông Sanderson nhận định rằng ADN của ai đó có thể vẫn còn trên chiếc nồi áp suất. Nhà nghiên cứu này cho rằng khả năng một tổ chức thánh chiến Hồi giáo gây ra vụ này là 50%. Ông cũng nói thêm rằng tại một nơi đa dạng sắc tộc như ở New York, các nhóm tôn vinh, coi người da trắng là ưu việt, có thể là thủ phạm.

Kênh truyền hình CNN dẫn lời nhiều nguồn tin từ lực lượng chấp pháp, cho biết rằng máy quay an ninh ghi lại hình ảnh một người đàn ông tại cả hai nơi đặt bom.

Địa điểm vụ nổ ngày 17 tháng 9 ở khu Chelsea của New York.
Địa điểm vụ nổ ngày 17 tháng 9 ở khu Chelsea của New York.

Trong khi đó, cả hai ứng viên tổng thống của Mỹ, vốn đều là cư dân của New York, đã lên tiếng về vụ việc xảy ra ở thành phố này.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ nói:

“Tôi nghĩ rằng luôn cần phải tỉnh táo chờ đợi nắm được mọi thông tin trước khi đi tới kết luận”.

Chưa có câu trả lời

Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 18/9 cảnh báo rằng còn nhiều việc cần phải làm để tìm ra động cơ thực hiện vụ đánh bom.

Trao đổi với các phóng viên, ông nói: “Đây là một động cơ chính trị, động cơ cá nhân, hay động cơ là gì? Chúng tôi vẫn chưa biết”.

Còn Thống đốc New York Andrew Cuomo gọi vụ nổ là một “hành động khủng bố”, nhưng nói không có bằng chứng về sự can dự của “khủng bố quốc tế”.

Ông Cuomo cũng cho biết rằng để đề phòng bất trắc, thêm 1 nghìn cảnh sát và binh sĩ thuộc lực lượng Cảnh vệ Quốc gia sẽ đi tuần trên các tuyến tàu điện ngầm của thành phố.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nói rằng không có bằng chứng về sự liên hệ giữa các quả bom ở New York và một quả bom ống phát nổ sáng 17/9 trong thùng rác tại thị trấn nằm ven bờ biển ở New Jersey, cách thành phố New York 135 km về phía nam. Không ai bị thương trong vụ nổ đó.

Thống đốc Andrew M. Cuomo và Thị trưởng Bill de Blasio nghe báo cáo về vụ nổ ở Manhattan và đi thăm những người dân và doanh nghiệp ở Đường 23.
Thống đốc Andrew M. Cuomo và Thị trưởng Bill de Blasio nghe báo cáo về vụ nổ ở Manhattan và đi thăm những người dân và doanh nghiệp ở Đường 23.

Giới hữu trách cho biết phát hiện thêm các thiết bị nổ bên trong một chiếc túi balô trong một thùng rác tại một ga tàu ở Elizabeth, New Jersey, cách không xa New York. Thị trưởng thành phố Elizabeth, Chris Bollwage, nói rằng một trong các thiết bị đã phát nổ trong khi cảnh sát dùng robot để tháo ngòi.

Quan chức thành phố này nói rằng xét về địa điểm nhà ga và nơi chiếc túi được tìm thấy, “rất có khả năng” là ai đó đã vứt nó đi, thay vì tìm cách cho nó nổ tung trong thùng rác.

Thời điểm bận rộn

Tuần này là thời điểm bận rộn ở New York khi hàng trăm nhà lãnh đạo và các quan chức từ khắp nơi trên thế giới đổ về thành phố để tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Phát ngôn viên của LHQ, ông Stephane Dujarric, nói với Đài VOA rằng hàng ngày các quan chức đều đánh giá tình hình an ninh bên trong khu trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Ông nói thêm rằng còn ở bên ngoài tòa nhà LHQ, an ninh do các lực lượng ở cả cấp liên bang và địa phương của nước chủ nhà đảm nhiệm, và “không còn nghi ngờ gì, họ làm hết sức để bảo đảm an toàn cho mọi người”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG