Đường dẫn truy cập

Bạo loạn và những người Mỹ xấu chơi


Tại một buổi tượng niệm George Floyd, 5 tháng Sáu, 2020.
Tại một buổi tượng niệm George Floyd, 5 tháng Sáu, 2020.

Dù phần đông những người xuống đường biểu tình sau cái chết của ông George Floyd dưới tay cảnh sát giữ được sự điềm tĩnh và ôn hoà, nhiều video quay được trong mấy ngày qua tại Hoa Kỳ cho thấy những hình ảnh vô cùng phản cảm.

Sự phẫn nộ của người dân sau khi chứng kiến cảnh sát tay đút túi quần, đầu gối đè lên cổ ông Floyd cho tới khi ông bất tỉnh và sau đó qua đời là có thể hiểu được.

Nhưng những hành động đốt phá và hôi của thì quả thực là khó lý giải. Nó cũng làm hại tính chính nghĩa của cuộc xuống đường và kéo sự chú ý của công luận theo hướng bất lợi cho cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người da đen.

Một video quay cảnh những thanh niên da đen đập phá, nhảy chồm chồm trên nóc xe cảnh sát rồi châm lửa đốt ở Trenton, thủ phủ bang New Jersey được trên 100.000 lượt chia sẻ và gần 70.000 bình luận. Bà Emily Ray viết: “Đây là điều rồ dại! Gây hại cho doanh nghiệp nhỏ và người dân không phải là công lý!... Công lý sẽ được thực thi khi ông cảnh sát đó bị kết án, và nó cũng không được coi là hình ảnh của các cảnh sát khác. Với tất cả những mất mát chúng ta đã phải chịu đựng, hoà bình, tình yêu và sự đoàn kết là điều chúng ta cần.” Bình luận này được trên 900 người ủng hộ.

Phản ứng trước một bình luận có vẻ biện minh cho những hành động đập phá của những người trong video, bà Lisa Terranova-Maneri viết: “Tôi sẽ không ngồi đây và tự cho rằng tôi hiểu được nỗi đau của anh vì tôi không [hiểu]. Nhưng một chủ cửa hàng đã bị giết khi bảo vệ cửa hàng của ông ấy. Một phụ nữ khác cố bảo vệ cơ sở của bà và đã phải nhập viện. Những người đó có đáng bị thương như vậy không? Một chủ cửa hàng cố gắng cả đời để mở cửa hàng có đáng bị cướp và đốt phá không?... Họ ở đó để phục vụ cộng đồng và cung cấp những gì cộng đồng cần. Bởi vậy khi huỷ hoại cộng đồng, người ta huỷ hoại hơi thở của thành phố. Bạn huỷ hoại cuộc sống của chính mình khi phá huỷ các doanh nghiệp đó.”

Đáp lại bình luận này, ông Raheem Lee Wade, người nói ông đã bị cảnh sát đối xử bất công vì là người da đen, viết: “Nhiều chủ cửa hiệu trong thành phố thực ra phân biệt chủng tộc và gây ra nhiều vấn đề cho người da đen. Bà có thể không hiểu điều đó vì bà không hiểu cộng đồng da đen. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ làm hại hay giết người da đen, vô cớ cáo buộc họ và gọi cảnh sát, nhìn họ theo màu da và sách nhiễu họ.”

Nhưng một số người khác cho rằng không gì có thể biện minh cho những hành động đập phá và những người đang đấu tranh đòi sự tôn trọng sẽ không đạt được điều đó nếu họ hành xử bạo lực. Một người cũng nói cả cơ sở kinh doanh của người da đen cũng bị đốt phá trong những ngày qua.

Ông Michael Brown trong khi đó viết: “Thật kỳ lạ mọi người ở đây nói về những người hôi của. Có một cuộc biểu tình ôn hòa bên ngoài [Nhà Trắng] và tổng thống của các người làm gì? Xua cảnh sát ra dùng đạn cao su và hơi cay với họ để ông ấy có thể đi chụp ảnh ở nhà thờ. [Nó] đã nói hết những gì thế giới cần biết về ông ta.”

Video khác từ thành phố biển Santa Monica ở California cho thấy cảnh hàng chục người, đa số là người da đen, xông vào một cửa hàng Vans và vác ra giày, tất và quần áo. Ở giây thứ 50 trong video, người ta có thể thấy một người da đen tay ôm năm hộp giày bị ngã sõng soài ngay trước cửa khi dẫm phải đống giày tất vương vãi. Ngay lập tức có người đứng cạnh nhặt ngay một, hai hộp giày mà ông này đánh rơi.

Bà Sherry Gallagher bình luận: “Tất cả những kẻ tội phạm ăn cướp vì mục đích của riêng chúng. Cảnh này thật đáng hổ thẹn, nó làm tôi sửng sốt khi người ta đấu tranh đòi sự tôn trọng và được đối xử tử tế nhưng lại không cho thế giới thấy điều đó.

Còn bà Perfecto PJ Dela Cruz viết: “Đây không có gì liên quan tới cái chết của George Floyd cả. Họ hành động như thế để lợi dụng thời cơ cho thoả lòng tham.”

Những hình ảnh từ vài ngày qua ở Hoa Kỳ cho thấy những vấn đề nóng bỏng đã âm ỉ từ lâu trong xã hội và cái chết của ông George Floyd là giọt nước tràn ly khiến người ta xuống đường thể hiện sự phẫn nộ. Nhưng nó cũng còn là cái cớ cho những kẻ cơ hội và những người mang trong mình sự hận thù. Ít ai ngờ giữa mùa Covid-19 vốn đã nhiều chết chóc lại xảy ra thêm đợt bạo loạn gây nhiều thiệt hại. Thay vì là tấm gương để các nước soi vào, Hoa Kỳ trong những ngày tháng qua có những lúc là cuốn phim buồn cho thế giới.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG