Đường dẫn truy cập

Phúc trình: Gần 46 triệu người trên thế giới sống trong cảnh nô lệ


Trẻ em Ấn Độ khiêng đá tại một nhà máy ở ngoại ô Gauhati. Ấn Độ là nước có số người bị buộc phải làm nô lệ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác – hơn 18 triệu người, và nạn nhân phần lớn là trẻ em.
Trẻ em Ấn Độ khiêng đá tại một nhà máy ở ngoại ô Gauhati. Ấn Độ là nước có số người bị buộc phải làm nô lệ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác – hơn 18 triệu người, và nạn nhân phần lớn là trẻ em.

Một bản phúc trình mới cho biết gần 46 triệu người trên thế giới, phần lớn là ở Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, đang sống trong cảnh nô lệ. Phúc trình của Quỹ Walk Free có bản doanh ở Úc đã được công bố hôm thứ ba tại London. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp làm nhiều hơn nữa để chấm dứt tệ nạn bóc lột mà nạn nhân phần nhiều là trẻ em.

Ấn Độ là quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới. Hơn 800 triệu trong số 1 tỉ 200 triệu dân của nước này là những người có quyền đi bầu. Nhưng Ấn Độ ngày nay cũng là nước có số người bị buộc phải làm nô lệ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác – hơn 18 triệu người, theo bảng xếp hạng mới nhất có tên Chỉ số Nô lệ Toàn cầu.

Giáo sư Kevin Bales, tác giả chính của bảng xếp hạng Chỉ số Nô lệ Toàn cầu, cho biết như sau.

"Ấn Độ có những hình thức nô lệ có tính chất thế tập hay cha truyền con nối. Họ có một lịch sử rất lâu dài của nạn nô lệ trong nông nghiệp. Cho nên đó là một vấn đề mà Ấn Độ đã cố gắng hết sức để giải quyết. Nhưng họ phải đương đầu với một vấn đề lớn của quá khứ."

Bảng xếp hạng về tệ nạn cưỡng bức lao động, ở đợ, cưỡng bức hôn nhân và khai thác tính dục tại 167 quốc gia được ấn hành định kỳ bởi Quỹ Walk Free ở Úc.

Người đứng đầu Quỹ Walk Free, ông Andrew Forrest, cho biết như sau.

"Tệ nạn này xảy ra khi một người không thể rời khỏi nơi cư trú, hoặc là hộ chiếu của họ bị tước đoạt hoặc là có sự đe dọa bạo động nhắm vào họ hoặc một thành viên trong gia đình họ. Cho nên họ bị mắc kẹt ở đó và có nhiều lúc họ còn bị đối xử không khác gì một con vật."

60% số người phải sống trong cảnh nô lệ trên thế giới ngày nay là ở các nước Á châu. Ấn Độ có đông nạn nhân nhất, kế đến là Trung Quốc và Pakistan.

Nhiều người ở Pakistan - gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, bị buộc phải làm việc tại những lò gạch mà không được trả lương. Ông Ranjhan, một nạn nhân ở Pakistan, cho biết như sau.

"Tôi bị mắc nợ. Tôi phải vay nợ để nuôi con. Tôi nợ khoảng sáu, bảy trăm đô la. Đây là khoản nợ mà cho tới chết tôi vẫn không thể nào trả cho hết. Nó chỉ hết khi nào tôi chết, vì tỉ lệ lạm phát quá cao."

Trẻ em Pakistan làm việc cùng với gia đình tại một nhà máy gạch gần Rawalpindi.
Trẻ em Pakistan làm việc cùng với gia đình tại một nhà máy gạch gần Rawalpindi.

Người chủ lò gạch lấy hết tiền lương của những người ở đợ này để bù vào tiền nợ và chỉ cung cấp cho họ lương thực mà thôi.

Ông Wolfgang Buetner, một nhà nghiên cứu ở Đức của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho biết nhiều người trên thế giới bị mắc kẹt trong những tình cảnh tương tự.

"Cưỡng bức lao động là một vấn đề lớn trên thế giới. Chúng tôi không ngừng ghi nhận những trường hợp của các công nhân di trú, nhất là những người làm nghề giúp việc nhà, và những công nhân tại các địa điểm xây dựng, bị cưỡng bức lao động. Và có những quốc gia áp dụng cưỡng bức lao động một cách có hệ thống - như Bắc Triều Tiên chẳng hạn, và như Uzbekistan tại các cánh đồng trồng bông vải."

Những nhân vật tranh đấu đang thúc giục những công ty làm ăn với các nước đó phải bảo đảm là những đối tác địa phương của họ tuân thủ luật lệ lao động. Nhưng họ cũng nói rằng chỉ có một nỗ lực có phối hợp của chính phủ mới có thể mang lại những sự cải thiện đáng kể

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG