Đã từ lâu, các nhà khoa học biết rằng nghiện ma túy là do tình trạng hoạt động bất bình thường của hóa chất nơi não bộ tạo ra sự ham mê mạnh mẽ đối với ma túy như heroine, cocaine hay chất nicotine trong thuốc lá.
Giờ đây các nhà khảo cứu đã khám phá ra rằng cơ chế bất bình thường gây ra thói quen nghiện ma túy này cũng chính là cơ chế gây nên thói quen ham ăn, có thể đưa tới bệnh mập phì.
Trong một cuộc khảo cứu ,những con chuột được thả cho ăn không hạn chế các loại thực phẩm nhiều chất béo, các khoa học gia thấy rằng não bộ chúng tạo ra phản ứng giống như nghiện và chúng tiếp tục ăn ngay cả khi bị dọa cho điện giật.
Ông David Shurtleff, giám đốc phân khoa thần kinh và động thái, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về vấn đề Nghiện ngập, là tổ chức tài trợ cho cuộc khảo cứu này, phát biểu như sau:
“Việc ăn nhiều chất béo không những chỉ làm cho bụng phệ, mập phì như chúng ta đã biết mà còn ảnh hưởng tới trung tâm não bộ nơi tiết ra chất dopamine gây cảm giác khoái hoạt nữa.”
Dopamine là một hóa chất quan trọng trong não bộ giúp truyền đạt tín hiệu khắp mạng lưới thần kinh của não bộ. Hóa chất này đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết trạng thái tâm lý, và đưa tới thói quen nghiện ngập.
Một cuộc khảo cứu, do các khoa học gia tại Viện Nghiên Cứu Scripps ở Florida thực hiện, cho thấy khi những con chuột được cho ăn thả giàn thì hóa chất dopamine trong óc của chúng tiết ra nhiều hơn.
Trong cuộc khảo cứu này, ba nhóm chuột đực giống hệt nhau được ăn thức ăn ít mỡ của phòng thí nghiệm vô giới hạn. Nhưng các khoa học gia này cũng cho một nhóm chuột được ăn thức ăn nhiều mỡ mỗi ngày 1 giờ, và nhóm chuột thứ nhì được ăn suốt ngày đêm thức ăn nhiều mỡ - loại thực phẩm bán ở các căng tin.
Bốn mươi ngày sau đó, những con chuột thuộc nhóm ăn thức ăn nhiều mỡ vô giới hạn đã tăng cân đáng kể so với hai nhóm kia. Những con chuột này cũng ham ăn vô kể vì bị tác động của hoạt động bất thường của não bộ, tiết ra nhiều dopamine, tạo cảm giác khoái hoạt. Các khoa học gia thấy rằng khi những con chuột này mập hơn chừng nào thì chúng càng phải ăn nhiều thức ăn hơn để thỏa mãn sự thèm khát.
Ông Shurtleff nói rằng, cuộc khảo cứu vừa kể đã xác nhận tính cách quan trọng của dopamine trong việc điều tiết mức độ nghiện, kể cả nghiện ăn. Ông giải thích:
Mục đích của cuộc khảo cứu này cũng như của những cuộc khảo cứu khác cho chúng ta thấy rằng hệ thống dopamine là quan trọng trong những động thái bệnh hoạn như nghiện ăn hay nghiện ma túy. Bước kế tiếp sẽ là nghiên cứu chất dẫn truyền thần kinh này để tìm hiểu thêm về sự vận hành của nó trong não bộ và phát triển những phương cách trị bệnh mập phì và các trường hợp nghiện ngập.
Ông Shurtleff nói rằng, điều thú vị là những cuộc khảo cứu này cho thấy rằng thứ hóa chất gây khoái hoạt cũng hoạt động bất thường nơi những người bị chứng anorexia, chứng không muốn ăn và làm cho người ta trở nên gầy ốm quá mức. Não bộ của họ tiết ra quá ít hóa chất dopamine.
Cuộc khảo cứu về nguyên nhân của tình trạng nghiện ăn này được đăng trong tạp chí Nature Neuroscience số ra tháng Năm.
Thực phẩm nhiều calorie có thể cũng gây nghiện như ma túy và thuốc lá. Một cuộc khảo cứu mới đã phát hiện ra rằng thói quen ham ăn được điều tiết ở cùng một vùng não gây thói quen nghiện ma túy. Các nhà khảo cứu nói rằng, khám phá vừa kể có thể đem lại những phương pháp trị liệu hiệu quả hơn cho bệnh mập phì.
Đọc nhiều nhất
1