Căng thẳng leo thang giữa lúc các nước khối G-20 tụ tập tại Nam Triều Tiên để dự cuộc họp 2 ngày. Các nhà lãnh đạo, từ Bắc Kinh cho đến nước Đức, đều tỏ thái độ hoài nghi về kế hoạch của Hoa Kỳ, bơm thêm nhiều tỉ đô la vào nền kinh tế toàn cầu.
Giới chỉ trích nói rằng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Fed, nhằm gia tăng mức lưu hoạt tiền tệ, một biện pháp được đặt tên là “Nới Lỏng Định Lượng” (dịch từ tiếng Anh Quantitative Easing, viết tắt là QE )- sẽ tràn ngập thế giới với đồng đô la rẻ, và đẩy giá trị các đơn vị tiền tệ khác lên cao.
Ông Ashraf Elgarf, một nhà phân tách tại London nói vấn đề này có thể phương hại đến cố gắng đạt thỏa thuận:
“Rõ ràng các vị bộ trưởng của nhiều nước đều cảm thấy choáng váng về chính sách QE của Mỹ, trong khi nước Mỹ là quốc gia chủ yếu chống đối việc đồng nguyên của Trung Quốc được duy trì ở mức thấp hơn giá trị của nó. Do đó mà chúng ta đang đối mặt với một số vấn đề cơ bản. Cá nhân tôi tôi không dự kiến họ sẽ đồng thuận với nhau về vấn đề nào khả dĩ có thể giúp mọi người cảm thấy hài lòng vào cuối tuần này.”
Mặt khác, kinh tế gia Colin Bradford thuộc Trung tâm Quốc tế Cải tiến Khả năng Quản trị, CIGI, nói bất đồng ý kiến là điều tốt, nếu điều này buộc các quốc gia phải đào sâu hơn để tìm ra một giải pháp. Ông giải thích:
“Nhiều người cho rằng vì những tranh chấp mà hội nghị G 20 sẽ thất bại, trong khi lẽ ra việc này phải liên quan tới nỗ lực phối hợp. Tôi thì có ý kiến trái ngược. Tôi cho rằng hội nghị đã là một thành công bởi vì mọi người phải trực diện với thực tế về chính sách nội bộ và chính trị của các nước khác.”
Ông Bradford tin rằng Trung Quốc đang dùng vấn đề này để đánh lạc hướng trước sức ép của quốc tế chống lại đồng nguyên. Hoa Kỳ cho rằng một đồng nguyên yếu một cách giả tạo đã giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh.
Chính sách của Hoa Kỳ có thể gây thêm phức tạp cho các cuộc tranh luận, song theo ông Bradford thì rốt cuộc đây có thể là một lợi khí để mặc cả. Ông nói:
“Các nhà lãnh đạo thế giới, khi có mặt trong một phòng họp và phải thương lượng với nhau, họ thường có khuynh hướng giữ lễ độ, tôi nghĩ thế, họ tỏ ra tôn trọng lẫn nhau và cố gắng vượt lên trên tình hình, trong khi giao lại cho các bộ trưởng đặc trách các bộ chuyên môn, tranh luận với nhau về những chi tiết.”
Vừa kết thúc chuyến công du Ấn Độ và Indonesia, Tổng Thống Barack Obama hối thúc các nhà lãnh đạo G 20 hãy tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trước hết ông phải thuyết phục được các nhà lãnh đạo khác, rằng một nền kinh tế Mỹ lành mạnh là yếu tố thiết yếu cho tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Chưa gì Tổng thống Barack Obama đã có một đồng minh, đó là Bộ trưởng Tài chánh George Osborne của nước Anh. Bộ trưởng Osborne nói:
“Tất cả mọi người sẽ được quyền lợi, với một nền kinh tế Mỹ lấy đà trở lại. Đó là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với châu Á, và cũng hết sức hệ trọng đối với châu Âu.”
Mặc dù cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ là vấn đề được giới truyền thông chú ý nhiều nhất, thế nhưng nhiều nhà phân tách tin rằng cuộc họp 2 ngày tại Nam Triều Tiên sẽ đưa đến các thỏa thuận về nhiều mặt, kể cả lời cam kết sẽ tránh chủ nghĩa bao cấp, và một thỏa thuận khung cơ bản để đảm bảo tăng trưởng cân bằng.
Tổng cộng, các nước G 20 chiếm khoảng 85% sản lượng kinh tế toàn thế giới.
Những quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ lại nhen nhúm trở lại khi lãnh đạo các nước đến Nam Triều Tiên dự hội nghị quy tụ 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vấn đề tranh cãi là kế hoạch của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, bơm 600 tỉ đô la tiền mặt để khởi động nền kinh tế đang trì trệ của nước Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch của Hoa Kỳ sẽ làm tổn hại các thị trường đang lên bằng cách đẩy cao hơn giá trị các đơn vị tiền tệ khác, và như thế làm tiêu tan hy vọng đạt được một thỏa thuận đa phương về nhiều vấn đề mậu dịch.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1