Đường dẫn truy cập

Biện pháp mới của FED gây thêm quan ngại về tiền tệ ở châu Á


Các nước Á châu lo ngại biện pháp của Quỹ Dự trữ sẽ chuyển một luồng đôla với giá thấp vào khu vực
Các nước Á châu lo ngại biện pháp của Quỹ Dự trữ sẽ chuyển một luồng đôla với giá thấp vào khu vực

Chưa đầy một tuần lễ trước khi Nam Triều Tiên chủ trì hội nghị kinh tế của khối G-20, các chính phủ Á châu đang chuẩn bị chống trả một nỗ lực mới của Quỹ Dự trữ Trung ương Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Steve Herman, một trong các cố vấn hàng đầu về kinh tế của Tổng thống Barack Obama không chắc chắn về mức độ lợi ích của biện pháp này.

Các giới chức tài chính ở Bắc Kinh, Seoul và các nước khác đang có phản ứng gay gắt trước kế hoạch của Quỹ Dự trữ Trung ương Hoa Kỳ định đổ thêm đôla vào nền kinh tế.

Các nước Á châu lo ngại rằng biện pháp của Quỹ Dự trữ sẽ chuyển một luồng đôla với giá thấp vào khu vực, đẩy trị giá của nội tệ, và gây tình trạng lạm phát nguy hiểm cho giá bất động sản và chứng khoán.

Và một số nền kinh tế trong khu vực nói rằng biện pháp đó có thể cũng không giúp ích bao nhiêu cho nền kinh tế trì trệ của Hoa Kỳ.

Trong một bài phát biểu và nhận định với các phóng viên ở Seoul hôm nay, ngay cả chủ tịch ban cố vấn về phục hồi kinh tế của Tổng thống Obama là ông Paul Volcker, cũng tỏ ra kém lạc quan hơn về biện pháp của Quỹ Dự trữ.

Ông Volcker nói: “Mục tiêu của tập tục này rõ ràng là để cung cấp một vài hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Tôi cho rằng sự hỗ trợ này sẽ không to lớn là bao. Tôi không muốn nói là sẽ không có ích lợi gì. Có hy vọng là sẽ có một vài lợi ích. Nhưng tôi không cho rằng chỉ riêng biện pháp này sẽ tạo được sự chuyển biến đáng kể.”

Cựu chủ tịch Quỹ Dự trữ Trung ương lên tiếng chưa đầy một tuần lễ trước khi thủ đô Nam Triều Tiên đón tiếp các nhà lãnh đạo chính trị tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối G-20. Cuộc họp nhằm mục đích tìm ra một quan điểm chung để tạo sức mạnh cho một sự phục hồi kinh tế toàn cầu và giảm thiểu tình trạng mất quân bình tài chính và mậu dịch trên trường quốc tế.

Nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể sẽ không đạt được mục tiêu ấy. Các giới chức Thái Lan đang nêu ra khả năng là giới quyết định chính sách ở châu Á sẽ hợp nhất để chống lại một luồng đô la dự trù đổ khi các nhà đầu tư hướng vào khu vực để mưu tìm lợi nhuận nhiều hơn do kết quả biện pháp của Hoa Kỳ.

Trung Quốc, nền kinh tế số hai sau Hoa Kỳ, hôm nay bầy tỏ mối quan ngại về biện pháp của Quỹ Dự trữ Trung ương.

Phó ngoại trưởng Thôi Thiên Khải phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh về Hội nghị thượng đỉnh G-20.

Ông Thôi Thiên Khải nói rằng Washington phải giải thích cho các nước khác về biện pháp của Quỹ Dự trữ Trung ương. Ông cũng nói ông đã nhìn thấy nhiều mối quan ngại về tác động đối với các nước khác. Ông Thôi Thiên Khải nói thêm rằng là nguồn chính phát hành một chỉ tệ dự trữ, Hoa Kỳ cần phải có lập trường có trách nhiệm.

Ông Thôi Thiên Khải cũng bác bỏ khái niệm, dường như được sự ủng hộ của Washington và Seoul, muốn để cho các nhà lãnh đạo G-20 xác định các mục tiêu cụ thể cho mức thâm hụt mậu dịch.

Vấn đề tiền tệ có nguy cơ làm lu mờ các đề tài khác trong nghị trình cuộc họp G-20, gây thất vọng lớn cho nước chủ nhà Nam Triều Tiên. Nhưng sự kiện đó không ngăn trở Bộ Tài chính ở Seoul đưa ra lời cảnh báo rằng quyết định của Quỹ Dự trữ Trung ương có thể buộc Seoul phải tiến hành các biện pháp để hạn chế đồng đôla vào nước, tỷ như đánh thuế người nước ngoài đầu tư vào tái phiếu Nam Triều Tiên.

Ngân hàng Nhật Bản hôm nay đã quyết định giữ lãi suất gần như ở mức zero. Ngân hàng trung ương Nhật Bản hy vọng biện pháp này sẽ khích lệ sự phục hồi đã mưu tìm lâu nay cho nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG