Đường dẫn truy cập

‘EU ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp xung quanh Biển Đông’


Cờ của EU bên ngoài trụ sở chính ở Bỉ.
Cờ của EU bên ngoài trụ sở chính ở Bỉ.

Tuyên bố này được Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đưa ra hôm 18/11 nhân việc Học viện Ngoại giao thuộc quản lý của Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo về Biển Đông lần thứ 13.

Theo tin từ Phái đoàn này, Đại sứ EU Giorgio Aliberti đã tham gia sự kiện này với tư cách là người điều hành phiên họp đầu tiên mang tên “Biển Đông trong một bối cảnh đang chuyển dịch”.

Cơ quan ngoại giao này cho biết rằng phiên thảo luận “phản ánh những diễn biến trên Biển Đông trong những năm qua và những lợi ích to lớn đối với hòa bình, ổn định và trật tự trên biển”.

Phái đoàn Liên minh châu Âu cho biết thêm rằng cùng ngày, Giám đốc điều hành Cơ quan Ngoại giao châu Âu Herczynski cũng tham gia hội nghị với tư cách là diễn giả chính về nội dung “xây dựng hợp tác và kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Phái đoàn Liên minh châu Âu viết trên Facebook rằng “EU ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp xung quanh Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các cơ chế giải quyết tranh chấp” và rằng “EU cũng ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý ở Biển Đông”.

Cơ quan ngoại giao này viết thêm rằng “sản phẩm cuối cùng của các cuộc đàm phán phải là Bộ quy tắc ứng xử công bằng, cân bằng và bình đẳng, dựa trên sự hội tụ lợi ích của tất cả các bên liên quan và không được làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba”.

Liên quan tới Hội thảo về Biển Đông lần thứ 13 này, Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu rằng “trong một năm qua, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới”.

Ông Hiệu được trích lời nói thêm rằng “trong khi Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS” và rằng “quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ”.

“Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc tới mọi mặt của thế giới. Vì vậy, thế giới đang cần chung tay, hợp tác vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế và nỗ lực thực hiện các mục tiêu toàn cầu, vì một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Hiệu nói thêm, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng về thông tin về việc mới đây một tàu ngầm của Đài Loan đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa cũng như việc Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng chỉ trích tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

VOA Express

XS
SM
MD
LG