Các quan chức Tòa Bạch Ốc đang nỗ lực hạ thấp kỳ vọng trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối ngày 16/11.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều gọi đây là ‘cuộc gặp ảo’ thay vì là hội nghị thượng đỉnh để hạ bớt kỳ vọng sẽ có đột phá lớn.
“Cuộc họp này là để bàn về những nỗ lực đang diễn ra của chúng tôi để quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm, chứ không phải để đồng ý với kết quả cụ thể nào hay có cái gì đó đưa ra cụ thể,” một quan chức cấp cao trong chính quyền cho biết trong cuộc báo tối ngày 15/11. Các quan chức Nhà Trắng khác cũng nhấn mạnh điều này trong những ngày gần đây.
Chắc chắn sẽ có những vấn đề khó khăn để mổ xẻ. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, còn Bắc Kinh đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng quân sự và kinh tế trên toàn thế giới. Cả hai có một loạt tranh chấp về ngoại giao, pháp lý, công nghệ và kinh tế đầy biến động và dễ leo thang. Hai nước đã đụng độ về sở hữu trí tuệ và thuế quan cũng như các điểm nóng trong khu vực như eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông vốn có thể rơi vào xung đột vũ trang.
Ông Biden dự kiến sẽ nêu các vấn đề nhân quyền, bao gồm cả việc Bắc Kinh sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng. “Chúng tôi tin rằng đây là những khác biệt mà chúng tôi cần phải giải quyết trực tiếp chứ không phải gạt ra một bên theo cách nào đó như tôi nghĩ Trung Quốc thường muốn,” quan chức này trả lời câu hỏi của VOA.
Quan chức này mô tả nội dung cuộc họp là ít bàn về cải thiện quan hệ song phương mà chủ yếu là về cách thức để xây dựng ‘các hành lang bảo vệ dựa trên hiểu biết thông thường để tránh tính toán sai hoặc hiểu lầm’ – nói cách khác, để sự đối đầu vốn đã căng thẳng không bùng nổ thành một cuộc chiến toàn diện.
“Hai nước chúng ta đang ở vị trí khác cơ bản so với trước đây,” quan chức này nói.
Nhiều nhà quan sát cũng cảm thấy bi quan.
“Đây không phải là hội nghị thượng đỉnh Sunnylands", ông Patrick Cronin, chủ tịch chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Hudson, nói, ý đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh hồi năm 2013 giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình ở một khu nghỉ dưỡng ở California vốn giúp đặt quan hệ song phương trên nền tảng vững chắc hơn và mở đường cho ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên. “Mối quan hệ này giờ đây đã thay đổi, bấp bênh hơn, căng thẳng hơn,” ông Cronin nói.
Trong khi cả hai nước đều muốn tránh xung đột, dường như không bên nào sẵn sàng xuống nước trên những vấn đề họ coi là giá trị và lợi ích cốt lõi – và nhiều giá trị và lợi ích này đơn giản là không hài hòa được với nhau.
“Không có bằng chứng nào cho thấy một trong hai nhà lãnh đạo đã xem xét lại một cách căn bản các lợi ích, mục tiêu và chiến lược của mình,” ông Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ thuộc Trung tâm Wilson, cho biết. “Vì vậy, họ đang tìm kiếm công thức đáp ứng mục tiêu tối thiểu của nhau vốn cho phép họ cố gắng quản lý cuộc cạnh tranh này, thay vì để nó leo thang thành xung đột.”
Washington và Bắc Kinh đã đạt được một bước tiến tích cực nhỏ trước cuộc họp. Tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland hồi đầu tháng này, hai nước phát thải CO2 lớn nhất thế giới bất ngờ tuyên bố họ sẽ làm việc cùng nhau để cắt giảm khí thải và gặp gỡ thường xuyên để bàn cách ứng phó khủng hoảng khí hậu.
Áp lực trong nước
Cả ông Biden và ông Tập đều phải đối mặt áp lực mạnh mẽ trong nước, đẩy họ đến thế đối chọi hơn. Một cuộc thăm dò của Pew Research cho thấy 67% người Mỹ có cảm giác ‘lạnh lùng’ với Trung Quốc theo ‘thước đo cảm giác’, đánh giá nước này dưới 50 trên thang điểm từ 0 đến 100. Chỉ có 46% người Mỹ nói như vậy hồi năm 2018.
Với lạm phát tăng vọt, 70% người Mỹ nói rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ và tỷ lệ tán thành của họ đối với kết quả công việc tổng thể của ông Biden giảm còn 41% và cách ông xử lý kinh tế nói chung giảm còn 39%, theo một cuộc thăm dò gần đây của Washington Post - ABCNews.
Những con số này là những dấu hiệu đáng ngại trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022, khi Tổng thống Biden và đảng Dân chủ của ông có nguy cơ mất thế đa số mong manh tại Thượng viện và Hạ viện.
“Bất kể ông Biden làm gì với Trung Quốc, đảng Cộng hòa sẽ cố gắng quy chụp ông ấy là mềm mỏng với Trung Quốc và là người thỏa hiệp, do đó ông ấy phải để ý,” ông Daly nói.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình tiếp tục củng cố quyền lực. Tuần trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nâng vị thế của ông Tập lên ngang vị thế của nhà lãnh đạo được tôn sùng Mao Trạch Đông và tuyên bố sự lãnh đạo của ông Tập là ‘chìa khóa cho sự phục hưng vĩ đại của quốc gia Trung Quốc’, mở đường cho ông tiếp tục nắm giữ nhiệm kỳ thứ ba và có thể lâu hơn.
“Tập Cận Bình vừa được tôn xưng là nhân vật lịch sử sống... Ông ấy sẽ không lùi bước và đột nhiên có nhượng bộ lớn,” ông Cronin nói.
Một cuộc thăm dò gần đây của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu cho thấy 58% người Mỹ nói thương mại song phương làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ, tăng vọt so với 33% hồi năm 2019.
Cũng cuộc thăm dò này cho thấy 40% người Mỹ nói Trung Quốc mạnh hơn Mỹ về kinh tế, với hầu hết những người được hỏi ủng hộ tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và giảm đáng kể giao thương giữa hai nước.