Liên minh châu Âu đang mở rộng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga giữa lúc có tin cho hay giao tranh mới ở Ukraine đe dọa thỏa thuận ngừng bắn mong manh. Được biết các biện pháp mới sẽ có hiệu lực trong những ngày tới.
Các quan chức Liên minh châu Âu nói rằng các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể đảo ngược được, tùy thuộc vào động thái tiếp theo của Moscow đối với Ukraine - đặc biệt là trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột. Chi tiết cụ thể hơn của các biện pháp mới sẽ sớm được công bố.
Tuy nhiên, nhà phân tích Paul Ivan của Trung tâm Chính sách châu Âu nói biện pháp đáng kể nhất có thể nhắm vào một số công ty sản xuất dầu hỏa hàng đầu của Nga và các công ty vận hành đường ống dẫn. Những công ty này sẽ bị cấm huy động vốn và vay nợ trên thị trường châu Âu. Ông nhận định:
"Một số công ty cũng đã bị Mỹ áp lệnh trừng phạt. Nhìn từ quan điểm này thì châu Âu đang bắt kịp những gì Mỹ vẫn đang làm. Đây chỉ làm tăng thêm những hệ quả mà thôi. Một số dự án sẽ không được mở rộng nữa."
Các biện pháp mới của EU cũng mở rộng lệnh cấm thị thực và phong tỏa tài sản đối với các công ty của Nga và các cá nhân, cũng như một số phần tử ly khai người Ukraine.
Đây là những biện pháp trừng phạt mới nhất mà châu Âu và Mỹ áp đặt thêm đối với Moscow. Nga bị cáo buộc gửi quân đội và vũ khí đến hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở Ukraine.
Nga phủ nhận những lời cáo buộc này. Thủ tướng Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow sẽ trả đũa những biện pháp trừng phạt mới bằng cách cấm cửa các hãng hàng không châu Âu bay qua không phận Nga. Các nhà phân tích nói rằng động thái này có thể ảnh hưởng đến châu Âu và Nga, nước nhận được nguồn thu từ những chuyến bay này.
Dù các biện pháp của EU có thể giáng một đòn nữa vào nền kinh tế yếu ớt của Nga, nhà phân tích Ivan tỏ ra hoài nghi về tác động tổng thể đối với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
"Nền kinh tế Nga có thể tiến vào suy thoái, có thể co lại, nhưng người Nga có sức chịu đựng đau đớn rất cao. Sự ủng hộ đối với ông Putin có thể suy giảm đôi chút, nhưng tôi cho rằng sẽ không đủ để thực sự kích động một sự thay đổi trong chính sách."
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt cũng làm tổn thương châu Âu như Nga. Tuần trước, Tổng thống Pháp François Hollande đình chỉ bán một tàu chiến gây tranh cãi cho Nga, một quyết định gây tổn hại đối với Pháp, về mặt tiền bạc và danh tiếng của nước này là nước xuất khẩu vũ khí. Các nông dân và công ty xuất khẩu thực phẩm của EU cũng đang chật vật với lệnh cấm vận của Nga nhắm vào một loạt những mặt hàng thực phẩm châu Âu.