Đường dẫn truy cập

Ông Hagel lên án hành động 'xâm lược trắng trợn' của Nga ở Ukraine


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu trong cuộc họp báo tại Tbilisi, ngày 7/9/2014.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu trong cuộc họp báo tại Tbilisi, ngày 7/9/2014.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã lên án điều ông gọi là thái độ 'xâm lược trắng trợn' của Nga ở Ukraine. Ông Hagel đưa ra nhận định tại Gruzia vào lúc Hội Ân xá Quốc tế nói Nga không còn thể chối cãi việc lực lượng của họ tham gia chiến đấu ở miền đông Urkraine. Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Phát biểu cùng đối tác Gruzia, ông Irakli Alasania ở Tbilisi hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel tuyên bố các hành động của Nga ở Ukraine, cũng như ở Gruzia đề ra một thách thức dài hạn mà Hoa Kỳ và các đồng minh coi là rất nghiêm trọng. Nhưng ông Hagel nói các hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa Hoa Kỳ và các nước bạn ở Châu Âu lại gần nhau hơn.

“Quan hệ chặt chẽ hơn giữa NATO và Gruzua đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các hành động nguy hiểm và vô trách nhiệm của Tổng thống Putin. Việc ông ta sáp nhập Crimea vào Nga một cách bất hợp pháp, mà Liên Hiệp Quốc không thừa nhận, và chiến dịch quân sự liên tục mà Nga đang tiến hành ở đông bộ Ukraine đề ra một mối đe doạ nghiêm trọng cho sự ổn định khu vực, như các hành động của Nga bên trong đường biên giới được quốc tế thừa nhận của Gruzia.”

Lực lượng Nga đã xâm lấn lãnh thổ Gruzia vào tháng 8 năm 2008, và sau một cuộc xung đột kéo dài 5 ngày, Moscow đã đơn phương công nhận sự độc lập của Abkazia và Nam Ossetia.

Ông Hagel kêu gọi Nga hãy rút toàn bộ lực lượng ra khỏi biên giới Gruzia. Ông cũng ca ngợi vị thế mới của Gruzia như một đối tác tăng cường của NATO và nói ông trông đợi tình trạng này sẽ dẫn tới tư cách thành viên đầy đủ của NATO.

Nhóm nhân quyền Ân Xá Quốc tế hôm qua lên án cả dân quân Ukraine lẫn các phần tử đòi ly khai thân Nga về các tội ác chiến tranh, trong đó có việc pháo kích bừa bãi, bắt cóc, tra tấn và giết hại. Và Tổng thư ký của tổ chức, ông Salil Shetty, công bố các hình ảnh chụp bằng vệ tinh cáo buộc sự hiện diện của xe thiết giáp và trọng pháo Nga ở miền đông Ukraine.

“Cái chúng tôi có là các hình ảnh chụp bằng vệ tinh mà chúng tôi thu thập được và điều rõ ráng là có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực của Nga. Nga không thể chối cãi mình không phải là một bên trong vụ xung đột nữa. Trọng pháo di động và các đơn vị thiết giáp rất có hệ thống và tổ chức rất kỹ đang ở vị trí sẵn sàng; không có cách nào lực lượng đòi ly khai có thể tự tổ chức lấy được. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những lời khai của nhân chứng về sự di chuyển của xe tăng Nga băng qua biên giới. Vì thế, tôi cho rằng thực sự điều đó không còn có thể chối cãi được nữa. Theo chúng tôi, đó là một vụ xung đột quốc tế.”

Nga nhất mực chối bỏ sự hiện diện của quân đội Nga ở Ukraine, trong khi các thủ lãnh nổi dậy nói họ đã được sự hỗ trợ của binh sĩ Nga dùng thời gian nghỉ của mình để chiến đấu với quân đội Ukraine.

Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO tuần trước ở Wales, Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông vừa “hy vọng” vừa “hoài nghi” rằng cuộc ngưng bắn đạt được hôm thứ sáu giữa hai bên sẽ có hiệu lực. Nhưng, bạo lực tiếp tục hồi hôm qua đã gây nguy hại cho cuộc ngưng bắn.

Ông Obama cũng nói NATO sẽ cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ phi sát thương, trong đó có áo giáp, nhiên liệu và sự chăm sóc y tế cho thương binh Ukraine và viện trợ về hậu cần và chỉ huy và kiểm soát.

Nhưng trong chương trình Tin tức Chủ Nhật của đài truyền hình Fox của Mỹ, ông Robert Menendez, chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng đã đến lúc phải dành cho Kyiv những gì họ cần để tự vệ.

“Cho đến khi nào Nga đưa hàng ngàn binh sĩ, xe tăng và thiết bị quân sự trở về Nga ngang qua biên giới, và có một đường biên giới an toàn, hy vọng rằng với các quan sát viên quốc tế, và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được duy trì, thì không có một giải pháp; đây chỉ là một sự lắng dịu tạm thời. Và chúng ta phải xét tới tính toán của Tổng thống Putin và chứng tỏ là ông ta sai, có nghĩa là ngoài những gì mà cả EU lẫn Hoa Kỳ đã làm, những biện pháp chế tài đang được cứu xét phải được xúc tiến, và thứ hai nữa, chúng ta phải dành cho phía Ukraine khả năng chiến đấu cho chính mình. Điều đó sẽ làm thay đổi những tính toán của ông Putin.”

Ông Menendez, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ở Kyiv hồi tháng trước, ông Menendez tỏ ý cho thấy ông sẽ mưu tìm một cuộc họp chung của Quốc Hội Hoa Kỳ để cho phép nhà lãnh đạo Ukraine có một diễn đàn để trình bày lý lẽ xin viện trợ quân sự.

Ông Jonathan Adelman, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Denver, nói phương Tây không muốn can dự vào vụ xung đột.

“Nếu nhìn vào các số liệu thăm dò, 17% người Mỹ muốn chúng ta có thêm hành động. Đơn giản là họ không quan tâm đến việc này. ISIS dường như quan trọng hơn, những vụ khủng hoảng ở Trung Đông như Syria hay Iraq quan trọng hơn. Thứ hai, theo tôi, có cảm giác là chúng ta không thể xúc tiến một cuộc chiến với Nga, và vì thế, cảm tưởng là “Hãy để phía Châu Âu có nhiều hành động hơn.” Và, đúng thế, phía Châu Âu phải có nhiều hành động hơn. Vấn đề là phía Châu Âu tự hộ đã chi chưa đầy 2% GDP vào quân đội, không phải là chúng ta muốn tuyên chiến, nhưng phía kia, tức là Nga, đơn giản là không sợ hãi chúng ta.”

Ông Adelman cảnh báo rằng sự bất động của phương Tây ở Ukraine sẽ khiến có nhiều phần chắc hơn là Nga sẽ tỏ ra hung hăng hơn ở nơi khác. Và ông nói những quốc gia khác, như Trung Quốc, đang theo dõi sát phản ứng của phương Tây trong lúc có hành động hung hãn hơn nhằm bành trướng sự kiểm soát ở Biển Đông.

Cuộc nổi dậy ở Ukraine bắt đầu hồi tháng 4 bởi các phần tử đòi ly khai thân Nga đã làm hơn 2.600 người thiệt mạng va khiến hàng chục ngàn người tỵ nạn bỏ chạy khỏi các khu vực gần biên giới Nga.

VOA Express

XS
SM
MD
LG