Ủy ban châu Âu hôm 12/6 nói với các hãng sản xuất ô tô rằng họ sẽ áp thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe hơi điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng Bảy tới, động thái mà Trung Quốc gọi là bảo hộ nhưng ngành công nghiệp xe hơi nước này lại cho là ‘không có tác động lớn’.
Chưa đầy một tháng sau khi Washington tăng thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc gấp bốn lần lên mức 100%, Brussels cho biết họ sẽ áp thuế bổ sung 17,4% lên BYD, 20% lên Geely và 38,1% lên SAIC, ngoài mức thuế 10% hiện tại, vì điều mà họ nói là chính phủ Trung Quốc trợ cấp quá mức.
Các mức thuế bổ sung này tương đương với các hãng sản xuất ô tô phải mất thêm hàng tỷ euro chi phí vào thời điểm họ đang khốn đốn với nhu cầu chậm lại và giá giảm ở trong nước, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu thương mại năm 2023 của EU.
Động thái này diễn ra khi các hãng ô tô châu Âu đối mặt thách thức từ dòng xe điện giá rẻ từ các đối thủ Trung Quốc.
“Cuộc điều tra chống trợ cấp này là trường hợp điển hình của chủ nghĩa bảo hộ,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết và nói thêm rằng thuế quan sẽ gây hại cho hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU, sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất ô tô toàn cầu.
Ông Lâm nói rằng Trung Quốc kêu gọi EU ủng hộ thương mại tự do và nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ‘bảo vệ vững chắc’ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hiệp hội xe hành khách Trung Quốc, tức CPCA, dường như ít quan tâm hơn đến mức thuế quan này.
“Thuế quan tạm thời của EU về cơ bản nằm trong kỳ vọng của chúng tôi, trung bình khoảng 20%, vốn sẽ tác động không nhiều đến đa phần các công ty Trung Quốc,” Tổng thư ký CPCA Thôi Đông Thụ nói.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Bắc Kinh đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với hầu hết các mặt hàng rượu của Pháp. Họ cũng đã thông qua một đạo luật hồi tháng 4 để tăng cường khả năng đáp trả nếu Mỹ hoặc EU áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Các mức thuế tạm thời của EU sẽ có hiệu lực kể từ ngày 4/7, trong lúc cuộc điều tra chống trợ cấp sẽ tiếp tục cho đến ngày 2/11. Khi đó, các mức thuế chung quyết, thường là có hiệu lực trong 5 năm, có thể được áp dụng.
Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế 21% cho các công ty được coi là đã hợp tác với cuộc điều tra và mức thuế 38,1% cho những công ty mà họ cho là không hợp tác.
Margaritis Schinas, phó chủ tịch Ủy ban, nói tại một cuộc họp báo rằng xe điện do Trung Quốc sản xuất đang hưởng lợi từ trợ cấp không công bằng, đe dọa các nhà sản xuất EU.
Một số nhà kinh tế cho biết tác động ngay lập tức của các mức thuế bổ sung sẽ rất nhỏ về mặt kinh tế vì EU đã nhập khẩu khoảng 440.000 xe điện từ Trung Quốc trị giá 9 tỷ euro trong khoảng thời gian 12 tháng cho đến tháng 4.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn